Truyện ngắn là gì? Đặc trưng về nội dung và hình thức – LyTuong.net

1. Khái niệm truyện ngắn

Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, để người đọc tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.

Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Cho nên truyện ngắn đích thực xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học.

2. Đặc trưng về nội dung và hình thức của truyện ngắn

Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm cho truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười, hoặc gần với những bài kí ngắn. Nhưng thực ra không phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Nội dung thể loại truyện ngắn có thể rất khác nhau, bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó lại là ngắn, dung lượng thường hạn chế. Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, chồng chéo. Nó có thể kể về cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải là ở hệ thống sự kiện, ở độ lớn của số trang, mà ở cái nhìn tự sự đối với cuộc đời. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Chỗ khác biệt quan trọng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn là, nếu nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới, thì nhân vật truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới, hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người.

Cốt truyện của truyện ngắn có thể là nổi bật, hấp dẫn, thường tự giới hạn về thời gian, không gian; nhưng chức năng của nó nói chung là để nhận ra một điều gì sâu sắc về con người và cuộc đời. Bên hồ Hàm Nguyệt (Phạm Thị Kim Nhường), Đôi cánh của Ngựa trắng (Thy Ngọc), Điểm tám (Nguyên Hương), Chú Đất Nung (Nguyễn Kiên), Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh), Bây giờ bạn ở đâu? (Trần Thiên Hương), Mặt trời bé con của tôi (Thùy Linh),… thể hiện rất rõ đặc điểm này.

Kết cấu của truyện ngắn thường là một sự tương phản, liên tưởng. Ở Bên hồ Hàm nguyệt, sự tương phản thể hiện rất rõ giữa hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương của chị Ngàn – một cô gái mồ côi mẹ, lại mù lòa – với sự hiền thảo, chăm khéo và cái tâm sống hết lòng vì người khác, không nghĩ đến bất hạnh của bản thân mình ở nhân vật. Điều này tác động rất lớn đến nhân vật Tâm – người kể chuyện, nó kéo dòng suy tưởng, dòng tâm trạng của cô bé vượt thoát sự hữu hạn của không gian, thời gian để hướng tới vẻ đẹp trường cửu của thiên lương con người.

Bút pháp trần thuật tiêu biểu của truyện ngắn là chấm phá. Yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của thể loại này là chi tiết có dung lượng lớn và hành văn mang ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Với truyện Điểm tám của Nguyên Hương, chi tiết lá thư đầy lỗi chính tả mà lần đầu tiên trong đời người bố cầm bút viết cho con trai đang đi học xa, ngoài chức năng bùng nổ giá trị thẩm mĩ và tính nhân văn rất tự nhiên nhưng cũng hết sức bất ngờ, nó còn có sức ám ảnh, tạo ra sự xúc động, trân trọng rất lớn ở độc giả… Bức tranh trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh), sự đấu tranh giữa “tay phải” và “tay trái” trong Kẻ thù (Quế Hương), lời ước dưới trăng của chị Ngàn (Bên hồ Hàm Nguyệt)… cũng là những chi tiết đắt giá, gắn với ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm, khiến truyện lưu dấu ấn đậm sâu trong người đọc.

Với những đặc trưng về nội dung và hình thức ở trên, truyện ngắn là một thể loại dân chủ, gần gũi với đời sống hằng ngày, lại súc tích, dễ đọc, gắn liền với hoạt động báo chí, có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Cùng với thơ, truyện ngắn là một thể loại rất gần gũi, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận thẩm mĩ của thiếu nhi.

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)