Từ đầu năm học đến nay, cô Huyền, 40 tuổi, giáo viên một trường THCS ở Hà Nam, thường rơi vào tình trạng “nhớ nhớ quên quên” như vậy. Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học chương trình và sách giáo khoa mới. Ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học không tách riêng như trước mà tích hợp chung trong một môn, gọi là Khoa học tự nhiên (xem chi tiết chương trình).
Để dạy môn này, giáo viên phải có chuyên môn của cả ba môn Lý, Hóa, Sinh do các bài học có sự giao thoa, đan xen kiến thức. Tuy nhiên, vì trường chưa có người chuyên trách, cô Huyền được giao dạy Lý, một cô giáo khác đảm nhận các bài phần Hóa, Sinh. Chẳng hạn, với bộ sách Cánh Diều mà trường cô Huyền đang sử dụng, chủ đề 1 và 2 là giới thiệu về khoa học tự nhiên, các phép đo. Phần này sẽ do cô đảm nhận vì thiên về Vật lý. Chủ đề 3 về các thể của chất, oxy và không khí được dạy bởi giáo viên Hóa – Sinh.
Với những bài có sự cân bằng nội dung giữa các môn, trường không thể để hai giáo viên cùng dạy trong một tiết mà người được phân công sẽ phải dạy cả hai phần. “Mỗi bài như vậy, dù có sự chuẩn bị, nói thật là tôi không tự tin, chỉ sợ học sinh hỏi nhưng mình không thể giải đáp hết cho các em”, cô Huyền nói.
Môn Khoa học tự nhiên có 4 tiết một tuần. Vì chia người dạy theo từng bài, có tuần cô Huyền không có tiết nào, nhưng nhiều tuần khác lại đảm nhận cả 4 tiết. Tình trạng “no dồn đói góp” khiến cô giáo lúc thiếu số lượng tiết tối thiểu, lúc lại bị thừa tới gần 10 tiết so với mức tối đa. Chưa kể, giáo viên dạy bài nào sẽ soạn giáo án bài đó. Việc này cũng khiến thầy cô bận rộn và mệt mỏi hơn.
Vì chia bài theo từng giáo viên, trường của cô Huyền lại phải thay đổi thời khóa biểu mỗi tuần để cân đối số tiết của thầy cô và lịch học của các khối. Cô giáo cho biết, việc phân chia bài học cho ba môn Lý, Hóa, Sinh do ban giám hiệu chủ động, dựa trên sách giáo khoa cũ “chứ không có quy định chung, thống nhất nào giữa các trường”.
“Những vấn đề liên quan đến dạy môn Khoa học tự nhiên thực sự khiến tôi mệt mỏi”, cô giáo hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Khác với trường cô Huyền, trường cô Ngân ở Hà Giang lại áp dụng hình thức dạy song song. Do không có giáo viên đủ khả năng phụ trách cả ba phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, cô Ngân cùng một giáo viên khác phải chia các chủ đề thành hai nhóm. Nhóm 1 gồm về Lý – Hoá, nhóm 2 là Hoá – Sinh. Có bằng cao đẳng sư phạm Lý – Hoá, cô Ngân nhận dạy các chủ đề nhóm 1.
“Cứ đến tiết mà tôi được phân công, tôi sẽ dạy các chủ đề được giao. Vì vậy nay có thể tôi dạy bài 2 trong sách, tiết liền sau đó lại dạy bài 5. Giáo viên còn lại cũng cứ dạy những bài thuộc phần của mình, giống như hai giáo viên dạy hai môn đơn lẻ trong chương trình cũ”, cô Ngân nói và cho rằng điều này gây ra sự xáo trộn, đôi khi không khoa học bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức, có tính logic. Thế nhưng, trường của cô chưa tìm ra cách nào khả quan hơn.
Không chỉ quá trình dạy, việc kiểm tra, đánh giá cũng gây ra khó khăn cho giáo viên. Cô Ngân cho hay, với điểm đánh giá thường xuyên, môn Khoa học tự nhiên có bốn đầu điểm, hai giáo viên có thể cho điểm riêng rẽ. Nhưng đến các bài kiểm tra định kỳ (gồm giữa và cuối kỳ), hai cô giáo cùng phụ trách môn này phải tính toán tỷ lệ câu hỏi trong đề, ra đề rồi ghép thành một nhằm cho ra chỉ một đầu điểm. Như ở kỳ I này, kiến thức môn Lý và Hoá trong đề chiếm tổng 60%, phần còn lại là Sinh.
Dù đã thống nhất được việc ra đề kiểm tra, đến nay, trường cô Ngân vẫn chưa “chốt” được ai trong hai giáo viên sẽ vào điểm và chịu trách nhiệm nhận xét, ký tên trong học bạ. “Có lẽ phải sang kỳ II, khi vào điểm cuối năm, tôi mới biết liệu mình hay giáo viên còn lại phải đảm nhận công việc này”, cô Ngân chia sẻ.
Khoa học tự nhiên không phải là môn theo dạng tích hợp, liên môn duy nhất trong chương trình lớp 6 mới, mà còn có môn Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Tuy nhiên, chương trình các phân môn trong hai môn này ở lớp 6 vẫn riêng rẽ nên hai giáo viên có thể dạy song song, chỉ gặp vấn đề khi đề kiểm tra, nhận xét chung và vào điểm. Chẳng hạn, giáo viên chưa biết đánh giá học sinh ra sao nếu phân môn Âm nhạc ở mức “Đạt” còn “Mỹ thuật” thì “Không đạt”. “Có lẽ, câu chuyện này còn khiến chúng tôi phải vất vả nhiều”, cô nói.
Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội nhận định khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình mới với lớp 6 nằm ở môn Khoa học tự nhiên. Tham khảo đồng nghiệp ở các trường THCS trên toàn thành phố, cô nhận thấy mỗi trường đang tổ chức dạy môn này một kiểu.
“Không có một công thức chung nào áp dụng cho các trường khi không có giáo viên đảm nhận được cả ba phân môn”, cô nói.
Nhiều khi thấy quá rối trong việc sắp xếp lịch dạy cộng với việc dạy riêng rẽ làm mất đi tính “tích hợp, liên môn”, có giáo viên Lý xin dạy thêm phần Hoá nhưng cô hiệu trưởng không thể đồng ý bởi không có chứng chỉ thì không đủ tính pháp lý để đứng lớp. Cô không thể làm liều.
Trước đó, hôm 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hai quyết định về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Giáo viên có thể theo học chương trình này ở các trường có khoa sư phạm. Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng. Sau khi hoàn thành chương trình, người học sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng.
Theo cô hiệu trưởng ở Hà Nội, việc này đáng lẽ phải có từ khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, thậm chí việc bồi dưỡng phải miễn phí để hỗ trợ giáo viên, tạo nguồn giáo viên đủ điều kiện cáng đáng những môn học mới. Hiện nhiều giáo viên phải đi học nâng chuẩn từ cao đẳng lên đại học theo yêu cầu nên không có thời gian để học song song thêm một chứng chỉ.
Dương Tâm – Thanh Hằng
- Thiếu giáo viên dạy theo chương trình mới
- Chương trình 27 môn học giáo dục phổ thông mới