Được làm mẹ là thiên chức vô cùng cao quý và thiêng liêng của người phụ nữ. Do vậy mà đôi lúc họ tin rằng mình đã có thai dựa trên một số dấu hiệu như chậm và tắt kinh, buồn nôn, ngực căng tức và tiết sữa … Thế nhưng, những biểu hiện đấy lại không chứng minh được họ đang mang thai thực sự mà có thể là kết quả của những bệnh lý khác.
Qua đó mới thấy, mang thai giả là đề tài nhận được sự quan tâm đông đảo của “một nửa thế giới”. Theo các chuyên gia, hiện tượng này có liên hệ mật thiết đến vấn đề tâm lý ở phụ nữ. Liệu rằng nhận định này có thực sự đúng hay không? Làm thế nào để bạn có thể nhận biết và xử lý tình huống này đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Mang thai giả là gì?
Mang thai giả (Pseudocyesis) là thuật ngữ dùng để mô tả trường hợp phụ nữ có cảm xúc và triệu chứng cơ năng như người mang thai tháng đầu tiên, nhưng thực chất là không phải. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10), tình trạng này được xếp vào nhóm các rối loạn tâm thần. Theo đó, mang thai giả có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng giống hết với các dấu hiệu mang thai thường gặp.
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng mang thai giả
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích rõ nguyên nhân chính gây nên hiện tượng kỳ lạ này, bởi nó có mối liên quan phức tạp giữa vỏ não, vùng dưới đồi, nội tiết tố và cả yếu tố tâm lý. Thế nhưng, các nhà khoa học đã đưa ra những giả thuyết như sau:
1. Tâm lý lo sợ hoặc mong muốn mang thai
Các nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho rằng, nỗi sợ hoặc khao khát mang thai tột cùng có khả năng chính là nhân tố tạo nên ảo tưởng rằng mình có các dấu hiệu mang thai nhưng thực chất đó chỉ là các triệu chứng mang thai giả. Yếu tố tâm lý – thần kinh này kích thích hệ nội tiết ở phụ nữ và gây ra các biểu hiện rất giống việc mang thai.
2. Áp lực làm vợ
Một giả thuyết khác có liên quan đến áp lực làm tròn bổn phận của người phụ nữ sau khi trải qua một biến cố thai sản như sẩy thai, vô sinh hay sức ép từ gia đình sau khi đã kết hôn. Mong muốn làm tròn trách nhiệm này khiến người phụ nữ diễn giải sai, hiểu lầm những thay đổi trong cơ thể là dấu hiệu mang thai.
3. Vấn đề về hệ thần kinh
Giả thuyết cuối cùng nhấn mạnh đến sự thay đổi của các chất hóa học trong hệ thần kinh có liên quan đến rối loạn trầm cảm ở người bệnh. Sự thay đổi của các chất hóa học này được xem là yếu tố gây ra các triệu chứng mang thai giả.
Theo đó, sự lo âu, căng thẳng quá mức sẽ kích thích vùng hạ đồi – tuyến yên – thượng thận bài biết ra các hormone liên quan đến việc mang thai, sinh nở như estrogen và prolactin. Sự thay đổi hormone cũng kéo theo những vấn đề như táo bón, chướng bụng, tăng trọng và nhu động ruột rất giống với cử động của thai nhi.
Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra các triệu chứng của thai kỳ giả, bao gồm thai ngoài tử cung, béo phì, u nang buồn trứng, bệnh gan, thận hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc tràn dịch ổ bụng khiến cho bụng to lên. Nếu tiến hành xét nghiệm HCG (hormone tạo thành từ chính nhau thai) giai đoạn đầu, kết quả sẽ âm tính kể cả bạn có thực hiện phương pháp siêu âm để kiểm tra lại.