Năm học 2020 -2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt và lưu hành trên thị trường. Đó là bộ sách Cánh Diều của 2 Nhà xuất bản Đại học sư phạm và 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Tuy nhiên, theo Quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phổ thông, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 09/02/2021 thì chỉ còn ba bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo được phê duyệt sử dụng trong năm học tới (2021-2022), 2 bộ còn lại không thấy trong danh mục.
Như vậy so với sách giáo khoa lớp 1 thì sách giáo khoa lớp 2 không có hai bộ Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Điều này làm nhiều người ngạc nhiên và lo lắng.
Theo lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới; tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành.
Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa, bởi lẽ mỗi cuốn sách giáo khoa đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dù đã có giải thích của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng giáo viên và phụ huynh vẫn còn rất nhiều băn khoăn.
Bộ Cùng học để phát triển năng lực lớp 1 (ảnh: NXBGDVN)
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng, đã đành cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được viết theo một chương trình thống nhất (chương trình giáo dục phổ thông 2018), nhưng các bộ sách giáo khoa đó chắc chắn là khác nhau. Khác nhau không chỉ ở cái tên (bộ sách giáo khoa), ở việc in ấn, ở giá tiền… mà khác nhau cơ bản ở cách tiếp cận chương trình; ở phong cách và ngữ liệu của từng nhóm tác giả. Chính sự khác nhau cơ bản này tạo nên sức thu hút của từng bộ sách.
Năm học 2020-2021, khi các trường được giao quyền chọn sách giáo khoa lớp 1, giáo viên đã bỏ rất nhiều thời gian để đọc, thảo luận… và chọn ra những cuốn sách giáo khoa thích hợp cho trường.
Lý do Nhà xuất bản Giáo dục hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa mới thành 2 bộ sách
Sang năm 2021-2022, số học sinh năm ngoái học sách giáo khoa lớp 1 bộ Cùng học để phát triển năng lực hoặc bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, lên lớp 2 không còn sách giáo khoa loại này nữa, sẽ học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc bộ Chân trời sáng tạo. Trẻ em 7 tuổi rất hồn nhiên, nhưng phụ huynh của chúng thì thấy sai sai thế nào đó.
Hơn nữa, theo thầy Khang, năm 2020, các trường được tự chọn sách giáo khoa. Từ năm 2021 trở đi việc chọn sách giáo khoa thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Rõ ràng, không chỉ việc “hợp nhất” 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành 2 bộ gây nên sự xáo trộn ở trên mà ngay cả việc thay quyền chọn sách giáo khoa cũng dẫn đến việc có trường, học lớp 1 thì bộ sách giáo khoa này, sang lớp 2 thì bộ sách giáo khoa khác.
Trước những xáo trộn này, thầy Khang đặt ra một vài câu hỏi rằng: Những năm học sắp tới, có nơi nào “dám” chọn sách giáo khoa lớp 1 thuộc hai bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” nữa hay không?
Nếu không nơi nào dám chọn thì sách giáo khoa lớp 1 thuộc hai bộ này tuổi thọ chỉ 1 năm!
Và số phận sách giáo khoa lớp 3, 4, 5 (ở tiểu học) và 7, 8, 9 (ở trung học cơ sở) tương lai có tương tự sách giáo khoa lớp 1 hay không? Ai quyết định điều này?