Từ trước đến nay, từ bậc THCS thì các môn học Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được giảng dạy riêng biệt. Tuy nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học này sẽ tích hợp trở lại hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Lịch sử – Địa lí (được hình thành chủ yếu từ các môn Lịch sử, Địa lí).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 – bộ Cánh diều cho biết, ở môn tích hợp Lịch Sử – Địa Lý thì tuy kiến thức ở hai môn có sự giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định. Theo đó, nội dung trong sách Lịch sử và Địa lý các cấp học từ THCS trở lại sẽ có bốn chủ đề gồm: Phát kiến địa lý- đô thị trong lịch sử; đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. Điểm đáng chú ý là chủ đề chủ quyền bảo đảo sẽ lồng ghép thêm yếu tố chủ quyền, tinh thần trách nhiệm và tinh thần dân tộc cho học sinh.
Tương tự, các môn như Sinh học, Hóa học, Vật lý cũng được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên trong chương trình sách giáo khoa lớp 6.
Việc tích hợp này gây ra khá nhiều hoang mang cho các giáo viên và cả học sinh vốn đã quen việc dạy và học riêng rẽ từng môn. Giải thích về thay đổi này, ông Ninh cho biết, các tác giả biên soạn SGK xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. Ví dụ trong sinh học, ngoài dạy về các đặc điểm cơ thể sống còn phải kết hợp các kiến thức của các môn khác để giải thích cho học sinh một cái nhìn tổng quan hơn về bài dạy. Chính vì thế việc giáo viên ngoài chuyên môn của bộ môn mình thì cũng phải nắm được các môn liên quan là điều cần thiết.
Việc tích hợp cũng sẽ giúp giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit đã dạy trong Hoá học thì sẽ không cần dạy trong Sinh học nữa; hay một số chủ đề chung như nước, lửa, năng lượng trước kia có cả trong Hóa Học và Vật lý thì nay sẽ được dạy chung tại môn Khoa học tự nhiên.
Về mối lo ngại tích hợp sẽ dẫn đến khối lượng kiến thức của giáo viên phải thu nạp là lớn hơn rất nhiều đồng thời nặng thêm về khối lượng công việc, ông Ninh cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, số lượng công việc của các thầy cô sẽ không có gì thay đổi. Tuy nhiên để dạy tốt thì giáo viên cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 – bộ Cánh Diều cho biết: “Mỗi quốc gia sẽ có những cách tích hợp các môn khác nhau. Chúng tôi chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải, phù hợp với trình độ giáo viên phổ thông hiện hành, để các thầy cô yên tâm giảng dạy”.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cũng cho biết, tích hợp không có nghĩa là trộn lẫn, kiến thực đặc trưng của mỗi môn học sẽ không biến dạng, mà tích hợp lại, liên kết lại tạo thành mạch với nhau. định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng việc đánh giá năng lực của học sinh, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ.
Theo Phó giáo sư Tuấn, hình thức tích hợp này không mới, các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu. Thậm chí cả những “hàng xóm” gần nhất là Campuchia và Lào cũng đã áp dụng từ rất lâu.
“Dạy và học tích hợp sẽ mất thời gian để làm quen nhưng chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng để phù hợp với chương trình ở bậc THCS và THPT. Thực chất tích hợp này vẫn đơn giản, chưa phải tích hợp quá phức tạp, nên các giáo viên và học sinh không nên quá hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, ông Tuấn khẳng định.