Tính chẵn lẻ là một thuật ngữ toán học mô tả đặc tính của một số nguyên có thể thuộc về một nhóm: chẵn hoặc lẽ. Số chẵn là một số nguyên chia hết cho 2 và số lẻ là một số nguyên không phải số chẵn.
Với học sinh lớp lớn thì giải thích đơn giản là vậy. Nhưng trong trường hợp những đứa trẻ 5, 6 tuổi mới bắt đầu giai đoạn đầu tiên làm quen với các con số, việc giảng giải theo khái niệm này là… bất khả thi.
Làm sao để trẻ nhớ được số chẵn lẻ thật dễ dàng và lâu nhất? Cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội) sẽ giúp bố mẹ mẹo dạy bé phân biệt số chẵn lẻ siêu nhanh chỉ với một cây bút màu.
Trên thực tế, bố mẹ có thể dùng các loại bút thông thường. Nhưng để thu hút và khiến bé ghi nhớ lâu hơn, những chiếc bút màu sắc sẽ là lựa chọn nên được ưu tiên.
Ví dụ đề bài toán cô Thúy đưa ra:
Trong các số: 1, 3, 2, 5, 4, 6
Các số lẻ là? Các số chẵn là?
Đầu tiên, các bố mẹ viết dãy số, bắt đầu bằng số 1. Sau đó hỏi bé tương ứng với số 1 chúng ta sẽ chấm ở đây mấy chấm? Con sẽ trả lời là chấm một chấm. Chúng ta dùng bút màu đỏ, chấm một chấm dưới số 1.
Tương tự, sau đó bố mẹ sẽ hỏi tiếp tương ứng với số 2 chúng ta sẽ chấm mấy chấm? Sau khi bé trả lời, chúng ta sẽ dùng bút màu xanh chấm hai chấm dưới số 2. Cứ như vậy chấm cho đến khi hết các số cần tìm chẵn lẻ.
Tiếp theo, bố mẹ giải thích cho con: Số 1 thì chỉ có 1 “bạn” đứng lẻ loi một mình. Số 2 thì có một đôi “bạn”. Số 3 có một đôi ‘bạn” nhưng lại có một “bạn” lẻ loi ra ngoài. Thế nên, chúng ta gọi số 1 và số 3 là số lẻ.
Số 4 không có bạn nào đứng một mình. Số 5 lại có một “bạn” lẻ loi khác. Số 6 lại không có “bạn” nào đứng một mình.
Như vậy chúng ta có số 1, số 3 và số 5 là số lẻ. Các số còn lại: 2, 4, 6 là số chẵn. Đến đây bố mẹ giúp con viết kết quả vào bài là hoàn thành.
Tương tự như cách tính trên thì bố mẹ viết tiếp số 7, 8, 9, 10 và cho các con tự chấm, nhận diện số chẵn, lẻ. Sau khi con đã nắm cơ bản rồi bố mẹ hướng dẫn cho con các quy tắc nhận diện như số nào có tận cùng 2, 4, 6, 8 thì đó là số chẵn. Đặc biệt, nếu số 0 đứng ở tận cùng của bất cứ số nào thì số đó sẽ là số chẵn.