18h30 chủ nhật hàng tuần, Phạm Huỳnh Quốc Anh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Long Xuyên, An Giang, ăn mặc chỉnh tề, tóc chải gọn gàng ngồi trước màn hình máy tính, kiểm tra đường truyền mạng, điểm danh “học sinh” trước khi bắt đầu câu lạc bộ tiếng Anh. Thấy một số thành viên còn chưa ổn định, phụ huynh nói vọng trên mic, “thầy giáo” 11 tuổi yêu cầu tắt âm thanh và mời bố mẹ trật tự hoặc ra ngoài.
Quốc Anh nhắc lại chủ đề thuyết trình về thể thao, sau đó mời lần lượt thành viên trình bày rồi góp ý. Chủ đề được em báo vào đầu tuần để các bạn chuẩn bị thông tin, trình bày trên sơ đồ tư duy, trước khi nói trước câu lạc bộ. Những thành viên chuẩn bị chưa kỹ hoặc không tập trung đều bị nhắc nhở, đôi khi bị phạt phải thực hiện động tác đứng lên ngồi xuống nhiều lần.
Kết thúc hơn một tiếng học cùng các bạn, Quốc Anh chạy đi chơi đá bóng, bida hoặc chế đồ chơi cho em gái.
Được nghỉ hè sớm nên Quốc Anh bàn với mẹ tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, với mong muốn có những ngày nghỉ bổ ích và lan tỏa đam mê học ngoại ngữ. Câu lạc bộ của Quốc Anh hoạt động từ đầu tháng 6, thành viên 9-13 tuổi.
Sĩ số ban đầu dự kiến 6 bạn nhưng chỉ sau vài tiếng thông báo trên Facebook, chị Huỳnh Kim Thanh, mẹ Quốc Anh, vội đóng đăng ký khi có hàng chục bạn muốn tham gia. Để đảm bảo chất lượng, hai mẹ con thống nhất chọn ra 8 bạn có trình độ tiếng Anh B1 trở lên để đồng hành trong ba tháng. 8 bạn này sau đó sẽ được chọn lựa để trở thành leader (trưởng nhóm), giúp các nhóm bé hơn.
“Các bạn tham gia phải có trình độ tương đương nhau. Trước khi chốt danh sách, tôi gọi điện cho phụ huynh, xác định xem con và gia đình có mong muốn phát triển cộng đồng và chia sẻ kiến thức cho các bạn khác không”, chị Thanh, giáo viên môn Vật lý, nói.
Lúc đầu, chị Thanh phải ngồi cùng con để tổ chức và ổn định lớp. Sau mỗi buổi học, chị góp ý để con biết cách sắp xếp, dẫn dắt câu chuyện, sửa lỗi và đặt câu hỏi. Khi đã quen, chị để con tự quản lý và điều hành lớp học. “Từ khi đứng lớp, Quốc Anh trưởng thành và có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình. Con tự tìm kiếm, đọc tài liệu, ra chủ đề cho các bạn”, chị Thanh kể.
Quốc Anh hiện theo chương trình trực tuyến của một trường quốc tế sau khi giành được học bổng. Mới đây, em cũng thi đỗ học bổng của một trường quốc tế Canada ở TP HCM. Cậu bé chủ yếu là tự học tiếng Anh, có sự đồng hành, định hướng từ bố mẹ.
2 tuổi, Quốc Anh bắt đầu làm quen với tiếng Anh trên YouTube, sau đó học qua các ứng dụng trực tuyến. Khi đã có thể giao tiếp cơ bản, em được mẹ cho tham gia hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với nhiều du khách nước ngoài. Lên 7 tuổi, cậu bé bắt đầu có cơ hội học ở trung tâm ngoại ngữ trong một năm, sau đó là tự học và được những người bạn trong các nhóm học tiếng Anh hỗ trợ.
Đạt 7.0 IELTS trong lần thi đầu tiên hồi tháng 8/2020, Quốc Anh được nhiều phụ huynh tin tưởng và cộng đồng học ngoại ngữ ngưỡng mộ. Em muốn quay lại giúp đỡ người khác, gây dựng phong trào học tiếng Anh trong các bạn nhỏ bằng những lớp kèm riêng hoặc câu lạc bộ miễn phí.
Quốc Anh bắt đầu mở lớp kèm bạn học từ năm ngoái, tuần 3 buổi với nhiệm vụ đồng hành, định hướng, sửa lỗi nói và hướng dẫn các bạn sử dụng power point, mind map (sơ đồ tư duy) để thuyết trình.
“Học sinh” đầu tiên của Quốc Anh là cậu bé lớp 6 tên Bảo ở Lai Châu. Bảo bị dị tật một bên mắt nhưng ham học hỏi, thích tiếng Anh. Nghĩ con không may mắn khi có khiếm khuyết cơ thể, mẹ của Bảo, muốn con học tiếng Anh để sau này thuận lợi hơn cho lựa chọn công việc.
Tuy nhiên, ở Lai Châu Bảo không có điều kiện học tiếng Anh bài bản. Chị Nguyễn Thu Thảo, mẹ Bảo, liên hệ nhiều nơi để tìm thầy cô cho con nhưng chi phí đắt hoặc bị từ chối. Biết đến Quốc Anh qua báo chí, chị liên hệ và gửi gắm.
“Bảo tự ti và thiếu động lực học, nhưng từ khi học cùng Quốc Anh, con tiến bộ rõ rệt, nói trôi chảy, tự giác học hơn. Tôi rất vui và biết ơn Quốc Anh”, chị Thảo nói. Nhờ được truyền năng lượng tích cực, tinh thần tự học từ Quốc Anh, trình độ của Bảo tăng dần và đạt 6.0 IELTS trong những bài thi thử. Bảo và một bạn khác nhận được học bổng toàn phần của trường quốc tế trực tuyến và tại Hà Nội.
Ngoài các lớp kèm cho những bạn có trình độ tiếng Anh khá, Quốc Anh nhận giúp miễn phí các cá nhân cần hỗ trợ tiếng Anh trong thời gian ngắn để thi IELTS. Em từng trợ giúp một giảng viên đại học người Bangladesh, đang làm nghiên cứu sinh, nhưng thiếu chứng chỉ IELTS. Giảng viên này biết đến Quốc Anh sau khi theo dõi cậu làm host (người dẫn dắt) cho một diễn đàn nói tiếng Anh. Sau vài buổi học kỹ năng nghe và nói cùng Quốc Anh, giáo viên đó tự tin đạt được số điểm yêu cầu.
Nhận được nhiều lời cảm ơn từ phụ huynh và người học, Quốc Anh thấy vui vì việc làm của mình có ý nghĩa. “Giúp đỡ cộng đồng là nhiệm vụ của mọi người và là điều nên làm. Con cũng mong mình góp phần nào đó truyền cảm hứng, động lực cho các bạn”, Quốc Anh tâm sự.
Ở trường, Quốc Anh học tốt các môn, nổi trội môn tiếng Anh. Cậu và mẹ dự định phát triển cộng đồng tiếng Anh, giúp nhiều bạn chinh phục ngoại ngữ này.
Bình Minh