Ngành Biên kịch: Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp

Kịch bản tốt là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể sản xuất được một bộ phim điện ảnh hoặc truyền hình chất lượng. Với thị trường điện ảnh và truyền hình Việt Nam ngày một phát triển và luôn khát kịch bản để đầu tư sản xuất như hiện nay, việc bạn chọn dấn thân vào con đường biên kịch chuyên nghiệp ngay từ bây giờ hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

>> Du học Điện ảnh và Truyền hình

Biên kịch là gì?

Định nghĩa một cách đơn giản, biên kịch là công đoạn viết ra một phim điện ảnh hoặc truyền hình trên mặt giấy cho đội ngũ sản xuất dựa vào đó để xây dựng nên những thước phim sống động trên màn ảnh. Nếu xem một bộ phim như một tòa nhà thì người làm vị trí biên kịch sẽ đảm nhiệm vai trò thiết kế bản vẽ cho nhà thầu thi công.

Khác với tiểu thuyết gia, kịch bản của nhà biên kịch không được khán giả đọc trực tiếp mà chỉ có thể nghe hoặc nhìn trên màn ảnh. Để theo đuổi công việc biên kịch, bạn cần phải chấp nhận một sự thật không mấy dễ chịu là ngoài đội ngũ sản xuất sẽ có rất ít người tìm đọc tác phẩm của mình.

Quan trọng hơn hết, kịch bản của bạn dù có hay đến mấy nhưng không được chọn để làm thành phim thì cũng trở nên vô nghĩa. Công việc viết lách nào cũng tồn tại rủi ro bị từ chối nhưng con đường biên kịch phim điện ảnh và truyền hình có lẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn cả. Thực tế cho thấy, để hoàn thành xong một kịch bản phim hoàn chỉnh phải tính bằng đơn vị năm nhưng lại chưa chắc được sản xuất thành phim. Chính vì lý do này nên hầu hết biên kịch chuyên nghiệp thường làm việc theo đơn đặt hàng thay vì tự sáng tác để chắc chắn sản phẩm của mình được đưa vào sản xuất.

Những điều cần có để trở thành biên kịch

Niềm đam mê viết theo ngôn ngữ hình ảnh

Không giống như các công việc viết lách khác, công việc biên kịch đòi hỏi bạn phải viết theo ngôn ngữ điện ảnh chứ không phải phong cách văn xuôi thường thấy. Kể cả khi viết thoại thì từ ngữ cũng phải dung dị đời thường chứ không được quá bay bổng sách vở. Nếu viết tiểu thuyết được tự do sáng tạo về cấu trúc nhờ có độ dài không giới hạn thì viết kịch bản đòi hỏi bạn phải tuân theo một số quy tắc nhất định vì thời lượng phim điện ảnh chỉ gói gọn từ 90 đến 120 phút hoặc phim truyền hình là 45 phút một tập. Bên cạnh đó, kịch bản cũng có định dạng riêng để người trong nghề có thể hiểu được nên người làm biên kịch thường sử dụng các phần mềm chuyên dụng để viết kịch bản như Celtx, Fade In, Final Draft.

Siêng đọc kịch bản

Để có thể viết tốt, bạn cần phải yêu thích những gì mình viết ra. Kịch bản không có định dạng như tiểu thuyết nên có thể bạn sẽ khó có thể thích việc đọc kịch bản ngay từ ban đầu. Bạn nên chủ động chọn đọc kịch bản của những bộ phim nổi tiếng để vừa làm quen với việc đọc kịch bản vừa học hỏi những từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Thường xuyên xem phim

Nếu muốn làm tốt công việc biên kịch thì bạn cần dành thời gian để xem không chỉ phim hay mà cả những phim chưa hay. Càng xem nhiều phim thì bạn sẽ càng có góc nhìn tổng quan hơn về thế giới phim ảnh cũng như các xu hướng làm phim mới nhất trên thế giới. Xem phim cho mục đích giải trí sẽ khác so với xem để phân tích nên tốt nhất bạn nên xem phim như khán giả bình thường vào lần đầu và xem phim để học nghề vào lần thứ hai trở đi. Việc xem phim thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không phải người nào cũng có thể dành thời gian để thực hiện nó.

Nghiên cứu

Bất kể loại hình viết lách là gì thì nghiên cứu luôn là kỹ năng không thể thiếu trong quá trình sáng tạo. Để có thể xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh, bạn sẽ cần biết các kiến thức thuộc mọi lĩnh vực. Ví dụ như bạn viết một bộ phim về nghề Y thì chắc chắn sẽ phải dành hàng giờ đồng hồ tìm hiểu về ngành nghề này để có thể thiết kế nên câu chuyện sát với thực tế.

Sự kiên trì

Viết xong kịch bản đã khó một, để bán được kịch bản đó khó tới mười nên nếu bạn thật sự muốn tạo tên tuổi trong lĩnh vực này thì cần chuẩn bị tinh thần rằng thành công sẽ không đến trong một sớm một chiều. Bạn có thể sẽ phải viết đi viết lại một kịch bản nhiều lần để rồi không dùng nó hoặc sẽ bị vô số nhà sản xuất từ chối không muốn đầu tư.

Khả năng thuyết phục

Dù bạn có tự sáng tạo kịch bản hoặc viết theo đơn đặt hàng thì cũng đều cần kỹ năng thuyết phục để có thể bán được đứa con tinh thần của mình. Điều đó có nghĩa ngoài kỹ năng chuyên môn là viết thì bạn còn cần phải trau dồi khả năng ăn nói và trình bày thuyết phục để có thể thành công trong nghề.

>> Ngành Kỹ xảo Điện ảnh VFX: Bạn biết gì?

Nội dung được học trong ngành Biên kịch

Một số nội dung cơ bản về Biên kịch bạn sẽ được học bao gồm cách xây dựng nhân vật, cách phát triển câu chuyện, cấu trúc của kịch bản phim, phác thảo dàn ý bộ phim, cách xây dựng thoại, cách định đạng kịch bản đúng chuẩn và quan trọng nhất là viết kịch bản và bán được tác phẩm của mình.

Mỗi chương trình học sẽ có các nội dung giảng dạy khác nhau nhưng đều có một điểm chung duy nhất là sau khi hoàn thành bạn phải ít nhất viết được một phân cảnh phim hoặc toàn bộ tác phẩm.

Các bạn có thể tham khảo chương trình Biên kịch hệ Cử nhân trong 4 năm của trường đại học Depaul, Mỹ như dưới đây:

Năm nhất:

  • Foundations of Cinema

  • Editing

  • Digital Cinema Production

  • Sound Design

  • History of Cinema Production

  • Foundations of Television

Năm hai:

  • Film Structure

  • Television Genres

  • Introduction to Television Writing

  • Introduction to Pitching

  • Story Development

  • Writing the Feature Screenplay

  • Film Aesthetics: Time, Space and Memory

Năm ba:

  • Topics in Screenwriting

  • Pitching Seminar

  • Writing the Sitcom

  • Writing the Webseries

  • Rewriting the Feature Script

  • Writing on Assignment

  • Adaptation

  • Diversity and Inclusion in Cinema and Television

Năm tư:

  • Rewriting the Original Television Pilot

  • Production Workshop

  • Feature Development

  • Scene Writing

  • Introduction to the Motion Picture Industry

>> Du học ngành Nhà hát và Sân khấu

Học ngành Biên kịch ở đâu?

Nền Điện ảnh và Truyền hình ở Việt Nam vẫn còn đang phát triển nên chương trình đào tạo chính quy ngành Biên kịch vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Hiện chỉ có trường đại học Sân khấu Điện ảnh ở Hà Nội có giảng dạy ngành Biên kịch chính quy trong khi trường đại học Sân khấu Điện ảnh ở TP. HCM thì vẫn chưa có. Đại học Hoa Sen vừa mới mở ngành Phim trong năm 2021 nên bạn có thể tham khảo và đăng ký học. Còn không thì bạn có thể tham khảo các lớp học ngắn hạn do người trong nghề tổ chức để bước đầu làm quen với nghề.

Trong trường hợp bạn và gia đình có điều kiện thì hoàn toàn có thể cân nhắc đến phương án du học. Mỹ có lẽ là địa điểm du học tốt nhất cho ngành Biên kịch vì đây là quốc gia có nền giải trí nói chung phát triển bậc nhất thế giới. Ngoài ra bạn còn có thể cân nhắc du học Anh, Canada hoặc các quốc gia Châu Á lân cận có nền Điện ảnh và Truyền hình cũng khá phát triển như Hàn Quốc và Thái Lan. Dưới đây là một số trường đại học có ngành Biên kịch tốt để các bạn tham khảo:

Anh:

  • University of York

  • Royal Holloway, University of London

  • University of Roehampton

  • Regent’s University London

  • Bristol, University of the West of England

Mỹ:

  • DePaul University

  • Temple University

  • De Anza College

  • California State University Northridge

  • Brooklyn College

Úc:

  • The University of Melbourne

  • Victorian College of Arts

  • New York Film Academy Australia

Để chọn ra ngôi trường có chương trình Biên kịch phù hợp nhất, bạn có thể liên hệ với đội ngũ chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm của công ty tư vấn IDP để đặt lịch hẹn tư vấn hoàn toàn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

Cơ hội nghề nghiệp khi theo đuổi ngành Biên kịch

Nếu xét về mức độ cạnh tranh, môi trường phim ảnh ở Việt Nam chắc chắn là nhẹ nhàng hơn so với Hollywood của Mỹ hay các quốc gia khác. Điều này có nghĩa khả năng bạn tìm được việc đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp sẽ cao hơn và khả năng bán được kịch bản cũng nhiều hơn vì hiện tại không có quá nhiều người dấn thân vào lĩnh vực biên kịch. Nền phim ảnh ở Việt Nam vẫn còn nhiều đề tài chưa được khai phá nên bạn cũng có vô vàn cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của mình. Sự non trẻ của lĩnh vực này ở Việt Nam chính là cơ hội béo bở để bạn vận dụng và phát triển khả năng của mình.

Ngoài vị trí biên kịch phim điện ảnh và truyền hình, bạn còn có thể áp dụng các kỹ năng chuyên môn của mình để “đá chéo sân” làm kịch bản phim online, kịch bản sân khấu, kịch bản chương trình truyền hình, kịch bản quảng cáo, kịch bản game show,… Các công việc này nhìn chung đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn để giúp bạn có điều kiện “gọt dũa” cho kịch bản để đời của mình.

Thu nhập của biên kịch sẽ tùy thuộc vào kinh phí đầu tư của bộ phim nhưng nhìn chung biên kịch càng có tên tuổi thì thù lao sẽ càng cao. Thù lao cho một tập phim truyền hình sẽ dao động từ 4 triệu – 20 triệu đồng tùy thỏa thuận và yêu cầu về chất lượng. Kịch bản phim điện ảnh thường sẽ có nhuận bút cao hơn nhưng vẫn không có con số chính xác cho mọi trường hợp. Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có cái tên nổi bật nào được mệnh danh là “biên kịch vàng” nên Hotcourses Vietnam hy vọng một ngày không xa danh hiệu này sẽ có chủ.

Nguồn tham khảo: Go Into The Story, Script Reader Pro, Niche