1. Đặc điểm hình thái bọ nhảy
– Trên cây rau họ thập tự (các loại rau cải, su hào, súp lơ…) thì bên cạnh những loại sâu bệnh thường gặp như sâu tơ, rầy rệp, bệnh sưng rễ, bệnh thối nhũn vi khuẩn… thì bọ nhảy sọc cong vỏ lạc (Phyllotreta vittata) cũng là một đối tượng thường xuyên xuất hiện và gây hại nhiều cho cây rau.
Bọ nhảy hại rau cải
– Qua theo dõi các nhà khoa học phát hiện ra rằng loại bọ nhảy phá hoại các cây họ thập tự thường là loài bọ nhảy sọc cong. Chúng có tên khoa học là Phyllotetra striolata (có nơi gọi rầy đen), thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera), họ ban miêu (Chrysomelidae),
– Bọ nhảy phân bố ở nhiều nước trên thế giới và phá hoại chủ yếu ở các cây họ thập tự.
– Con trưởng thành là một loại bọ cánh cứng, hình bầu dục, cơ thể dài khoảng 2-2,5mm, cánh cứng, màu đen bóng, giữa mỗi cánh có một vạch màu vàng nhạc, cong hình củ lạc, chân sau to khỏe, có sức nhảy dài nên gọi là bọ nhảy sọc cong. Chúng có khả năng nhảy xa và bay rất khỏe. Một con trưởng thành cái có thể đẻ đến 200 trứng, ở dưới đất xung quanh vùng rễ chính của cây.
– Trứng của bọ nhảy rất nhỏ, màu vàng nhạt đẻ trên mặt đất gần gốc cây.
– Sâu non màu trắng ngà hoặc màu vàng tươi. Sâu non đẩy sức dài khoảng 5 – 6 mm, sống và làm nhộng dưới đất.
– Ấu trùng nằm trong đất, có hình ống, màu vàng nhạt, đẫy sức dài khoảng 4mm, chúng cắn phá rễ và củ (cải củ), tạo ra những đường lõm ngoằn ngèo, hoặc thành lỗ ăn sâu vào trong củ, trong rễ, làm cho cây cải bị còi cọc, chậm lớn, củ và rễ dễ bị thối.
Vòng đời phát triển của bọ nhảy
2. Thời gian hoạt động của bọ nhảy
+ Bọ nhảy thường gây hại nhiều trong các tháng mùa khô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất rau – thậm chí có thể gây mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời.
+ Bọ nhảy gây hại nhiều vào lúc sáng sớm và chiều mát. Trưa nắng thường lẩn trốn ở dưới gốc hoặc mặt dưới lá. Bọ nhảy có tính giả chết, khi bị động nhảy rất nhanh.
+ Bọ có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây cải, nhưng mạnh nhất là khi cải còn nhỏ (sau gieo khoảng 7-10 ngày). Những ruộng cải non nằm xen kẽ với những ruộng sắp thu hoạch hoặc vừa thu hoạch thường bị bọ gây hại nhiều, do bọ di chuyển từ các ruộng này sang các ruộng cải còn non. Nếu không kiểm tra phát hiện sớm và phun xịt thuốc kịp thời thì dễ bị chúng gây hại rất nặng, cây cải non mất sức, rất khó phục hồi.
3. Đặc điểm gây hại của bọ nhảy
+ Bọ nhảy trưởng thành ăn lá non thành những lỗ tròn nhỏ khắp mặt lá. Ngoài ra chúng còn hoạt động nhảy đạp lung tung làm rau giập nát, nhất là trên rau cải có lá mỏng.
+ Sâu non ăn các rễ phụ, đục vào gốc và rễ chính làm cây sinh trưởng kém, nếu mật độ sâu cao có thể làm cây héo và chết nhất là khi cây đang còn nhỏ.
+ Chúng cắn phá lá tạo ra những lỗ thủng nhỏ, kích thước vài mm, nếu nặng lá rau có thể bị thủng lỗ chỗ như tấm lưới, lá te tua, xơ xác.
Rau cải bị bọ nhảy hại
4. Đặc điểm phát sinh của bọ nhảy
+ Bọ nhảy phát sinh và phá hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, mật độ giảm đi khi trời mưa nhiều.
+ Ở các tỉnh phía Bắc bọ nhảy sọc cong phát sinh nhiều vào hai đợt tháng 3 – 5 và 7 – 9, trong đó đợt đầu mạnh hơn, ở các tỉnh phía Nam bọ xuất hiện nhiều trong các tháng 2,3, 4.
5. Biện pháp phòng, trừ bọ nhảy
Để hạn chế tác hại của bọ nhảy, bà con có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
– Làm đất: Trước khi trồng cải, đất cần được chuẩn bị kỹ, dọn sạch tàn dư vụ trước; phơi thật khô đất tối thiểu từ 10 – 15 ngày để diệt sâu non và nhộng còn trong đất (kinh nghiệm nếu độ ẩm tương đối của đất thấp bọ nhảy sẽ không trưởng thành được). Nếu có điều kiện nên bón vôi để tạo môi trường bất lợi cho bọ nhảy.
Làm đất kỹ để hạn chế mầm bệnh từ đất
– Thời vụ gieo trồng và thu hoạch cải trong từng khu vực không nên kéo dài, vì sẽ tạo điều kiện cho bọ nhảy chu chuyển gây hại liên tục. Tốt nhất từng cánh đồng nên luân canh cải với các cây khác họ.
– Không trồng các loại rau thuộc họ thập tự liên tục trong nhiều năm trên một khu đồng, khu ruộng, thỉnh thoảng nên luân canh với những cây khác như ngò, hành, dưa leo, bầu, bí mướp… Biện pháp này phải được nhiều chủ ruộng cùng thực hiện trên diện rộng thì mới mang lại kết quả cao.
– Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng, thu hút bọ tập trung vào đó rồi phun xịt thuốc hủy diệt (bỏ cả rau), hạn chế mật độ bọ cho các vụ sau.
– Vệ sinh đồng ruộng: Ngay sau khi thu hoạch cần cuốc đất phơi ruộng, thu dọn các tàn dư đem về ủ phân hoặc chôn để diệt sâu non và nhộng còn tồn tại.
– Cần kiểm tra ruộng cải thường xuyên (nhất là khi cây cải còn non), hoặc vào những lúc các ruộng xung quanh đang thu họach, để phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời.
Tiến hành phun thuốc hoá học khi mật độ bọ nhảy phá hoại nhiều
– Phun thuốc hoá học:
Biện pháp cuối cùng khi bọ nhảy phá hoại nhiều là phun thuốc hoá học:
+ Có thể sử dụng: Olong 55WP; Diaphos 50EC; Sherzol 205EC; Biocin 16WP hoặc 8000SC; Vibasu 50EC… để phun xịt (vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát), hoặc dùng Diaphos 10G; Sago-Super 3G; Vibasu 5H; Sargent 6G… xử lý đất trước khi gieo trồng để diệt ấu trùng (liều lượng và cách sử dụng các bạn có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc). Nhớ phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly của thuốc để tránh ngộ độc cho người ăn. Với cải ngắn ngày như cải xanh, cải trắng, cải thìa nếu bọ nhảy phá ở 10 – 15 ngày trước thu hoạch nên sử dụng các thuốc Hopsan, Selecron, Polytrine, Forvin; bọ nhảy phá 5 – 7 ngày nên sử dụng thuốc Match, Vertimex, Bassan phun trừ. Nếu còn 3 ngày nữa thu hoạch, mà bọ nhảy xuất hiện nhiều có thể sử dụng thuốc Success 25 SC. Lưu ý: nếu bọ nhảy xuất hiện cùng với sâu tơ hay sâu ăn tạp, tốt nhất là dùng Polytrin, Match, Success cùng lúc có thể trừ 2 – 3 đối tượng.
+ Thời gian phun thuốc: Bọ nhảy trưởng thành ban ngày hoạt động mạnh, rất khó trừ nhưng đêm ít hoạt động và thường tập trung giữa nõn cải nên tiến hành phun thuốc lúc chập tối sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao nhất. Để hạn chế bọ nhảy chu chuyển phá hại vụ kế tiếp, thì khi thu hoạch cũng có thể để một diện tích nhỏ, để bọ nhảy tập trung lại và sử dụng thuốc hóa học phun kỹ vào chập tối để diệt trừ. Dùng thuốc hạt rải xuống hốc hoặc trên mặt đất trước khi trồng rau để diệt sâu non.
+ Sau khi phun rải thuốc, cần bón thêm phân để cây cải nhanh hồi phục.
6. Những khó khăn gặp phải khi phun thuốc phòng, trừ bọ nhảy:
Việc phòng trừ bọ nhảy thường gặp nhiều khó khăn, vì chỉ sau khi phun thuốc một thời gian ngắn, bọ nhảy lại phát triển trở lại bởi những lý do chính sau đây:
+ Thứ nhất, bọ nhảy trưởng thành có tính chu chuyển mạnh nên khi phun thuốc trừ ở ruộng này, bọ nhảy có thể di chuyển sang các ruộng lân cận, hết mùi thuốc bọ nhảy tiếp tục trở lại phá tiếp.
+ Thứ hai, là việc phun thuốc chỉ có tác dụng với bọ nhảy trưởng thành chứ không có tác dụng với sâu non và nhộng ở dưới đất nên có thể sau khi phun, bọ nhảy tiếp tục xuất hiện và phá trở lại.