Nhận biết các loài ong và cách sơ cứu khi ong đốt – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Ở vùng quê hay ngoại thành, trẻ chơi đùa trong vườn hay đi picnic trong rừng, bị ong đốt, được đưa đến bệnh viện, bác sĩ thường hỏi trẻ bị ong gì đốt vì vậy phụ huynh lưu ý cách nhận dạng các loài ong, cách sơ cứu nếu bị ong đốt cũng như cách phòng ngừa. Sau đây là vài thông tin về Ong. Ong là loài động vật không xương sống, thuộc ngành chân đốt (Arthropoda), bộ cánh màng (Hymenoptera) bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật):

Vespidae (lông trơn): gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vng. Ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.

Ong vò vẽ

Ong vò vẽ có tên khoa học là Vespa affinis, thn và bụng thon có khoang đen xen kẽ màu vàng. Đầu rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa. Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.

Tổ ong vò vẽ

Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Ong đất tên khoa học là Vespa nigrithorax, còn gọi là ong bắp cày, to hơn thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đóng cây mục.

Ong đất hay ong bắp cày

Ong vàng: mình thon nhỏ, thân dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.

Ong vàng

Apidae (lông xù): gồm ong mật (honey bees), ong nghệ (bumble bees) và ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Ong mật (honey bees): đầu lưng có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen.

Ong mật

Ong nghệ (bumble bees): đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ

Ong nghệ

Ong bầu: to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn ầm ĩ

Ong bầu

Ong là loài côn trùng tiến bộ nhất, sống thành xã hội, có nhiều hoạt động bản năng như xây tổ, nuôi con, phân công lao động. Ong thường làm tổ ở nơi có điểm tựa như nhánh cây, mái nhà. Vật liệu xây dựng tổ ong thường từ vỏ cây, gỗ mục nghiền nát, được trộn với nước bọt thành 1 loại vật liệu có tính kết dính.

Mỗi đàn ong có chừng vài chục (như ong đất), đến vài trăm con (như ong vò vẽ) hoặc có khi đến vài chục ngàn con (như ong mật). Trong một đàn ong có 3 loại ong: ong chúa, ong đực và ong thợ. Ong chúa to, dài, cánh ngắn, bụng to chứa 2 buồng trứng 2 bên, chỉ có nhiệm vụ đẻ trứng. Ong đực do trứng không thụ tinh phát triển thành. Ong đực chỉ làm nhiệm vụ thụ tinh cho trứng của ong chúa đẻ ra. Lực lượng lao động chính của tổ ong là ong thợ. Ong thợ là ong cái, nhưng bộ máy sinh dục không phát triển đầy đủ. Chức năng của ong thợ gồm: xây tổ, kiếm thức ăn, chăm sóc ấu trùng và bảo vệ tổ.

Trong thiên nhiên, ong có vai trò rất lớn trong việc thụ phấn cho cây trồng. Những sản phẩm của ong được sử dụng nhiều trong đời sống là mật ong và sáp ong, cũng như trong dược phẩm như sữa ong chúa và nọc ong …

Tuy vậy tai nạn do ong đốt cũng rất nguy hiểm cho con người và súc vật do các độc tố có trong nọc ong như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonin, Acetylcholine, Acid phosphatase, Apamin,… tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp,…

Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu – Nổi mề đay – Than mệt, tay chân lạnh – Tiểu đỏ, tiểu ít – Bị ong vò vẽ đốt >10 vết

Đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong, kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.

BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ