Những người có ý định tự tử có thể không tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng điều đó không có nghĩa sự giúp đỡ là không cần thiết. Hầu hết những người tự tử thường không muốn chết – họ chỉ muốn ngừng nỗi đau đớn này lại thôi. Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính hằng năm có khoảng một triệu người chết vì tự tử. Đâu là nguyên nhân khiến những người này tự kết liễu đời mình? Đối với những người chưa từng trải qua trầm cảm hay tuyệt vọng thì rất khó để họ hiểu được điều này. Nhưng khi một người có xu hướng muốn chết, có nghĩa là họ đang rất đau đớn đến mức chẳng thể nhìn thấy con đường nào khác.
Tự tử là gì ?
Tự tử là sự cố gắng trong tuyệt vọng để thoát khỏi cơn đau dần trở nên khó có thể chịu đựng được nữa. Luôn lấp đầy bản thân bởi cảm giác ghê tởm chính mình, cảm thấy vô vọng, cô độc. Một người đang có ý định tự tử không thể nhìn thấy bất kỳ lối ra nào cho nỗi đau này ngoại trừ cái chết.
Thế nhưng, mặc cho ước vọng muốn cơn đau này dừng lại thì đa số những người muốn tự tử ý ấy thật sự rất rất rất mâu thuẫn về việc kết thúc cuộc sống của họ. Họ ước gì có cách nào đấy để giải quyết vấn đề ngoại trừ cái chết, nhưng họ lại không thể tìm thấy.
Những quan niệm sai lầm về tự tử
Những người nói về tự tử sẽ không thật sự làm.
Gần như mỗi người có ý định hoặc đã thử tự sát, thường đưa ra một số gợi ý hoặc cảnh báo. Đừng nên làm lơ những khi thấy người thân, bạn bè nói những câu sau . Khi nghe họ nói những câu như “Cậu sẽ hối hận khi mình chết rồi”, hoặc “Mình không nhìn thấy lối ra nào cả.” dù cho người đó nói theo kiểu đùa giỡn đi chăng nữa thì nó vẫn có thể ẩn chứa cảm xúc muốn tự tử thật.
Bất kỳ ai tự kết thúc đời mình đều là kẻ điên.
Hầu hết những người có ý định tự tử không phải bị khùng hay điên gì. Họ chỉ đang buồn, đang bị cơn đau hành hạ, trầm uất, hay tuyệt vọng, tuy nhiên cảm xúc đau đớn ấy không hẳn là dấu hiệu của bệnh tâm lý
Không có gì có thể ngăn người có ý định tự tử lại được.
Dù cho một người có u uất đau đớn đến mức nào thì họ vẫn có những cảm xúc phức tạp về cái chết. Họ do dự đến giây phút cuối cùng, giữa ý định muốn sống và ước vọng muốn chết. Đa số những người đó không thật sự muốn chết, họ chỉ muốn cơn đau dừng lại mà thôi.
Những người muốn tự tử là những người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nghiên cứu về những nạn nhân tự sát cho thấy hơn một nửa số họ đã thử tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khoảng sáu tháng trước khi họ chết.
Nói về tự tử có thể là gợi ý để một người khác tìm đến cái chết.
Ngược lại, nói về chủ đề tự tử và bàn luận nó thoải mái, rộng rãi là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giúp đỡ họ. Điều này sẽ khiến họ thấy bạn quan tâm họ, họ không phải chỉ có một mình.
Dấu hiệu của hành vi tự tử
Lời nói
Người tự sát thường xuyên nói về cái chết, hay nói về những cách để tổn thương bản thân. Họ sẽ thường nói những câu như: “Tôi ước gì mình chưa bao giờ được sinh ra…”, “Nếu mình có thể gặp lại cậu lần nữa…”, “Nếu tôi chết đi thì hay biết mấy.”
Hành vi
Người tự sát thường cố gắng tìm kiếm những phương pháp tự tử. Họ sẽ cố gắng tìm kiếm những vật dụng để tự sát: súng, thuốc, dao, hay bất cứ thứ gì có thể dùng để tổn thương mình.
Người tự sát luôn ám ảnh với cái chết. Họ luôn dành một sự tập trung đến mức bất thường vào cái chết, hay vấn đề bạo lực, một số sẽ viết thơ hay truyện liên quan đến cái chết.
Người có ý định tự tử thường sẽ viết di chúc, cho đi những đồ vật quý giá nhất,.. trước khi tự sát. Chuẩn bị mọi thứ sẵn cho những thành viên trong gia đình.
Người tự sát thường đột nhiên chào tạm biệt những người xung quanh. Họ gọi điện hay đến thăm bạn bè hay thân nhân một cách bất ngờ và khác thường, nói lời chào tạm biệt như thể họ sẽ không gặp lại mình nữa.
Đột nhiên xa cách, cô lập khỏi gia đình và bạn bè, tự cô lập chính mình. Họ luôn muốn được ở một mình, có những hành vi tổn thương bản thân, uống nhiều rượu hoặc dùng nhiều thuốc, lái xe ẩu, quan hệ không lành mạnh, vướng vào những nguy hiểm không cần thiết.
Cảm xúc
Người có ý định tự sát sẽ cảm thấy chán ghét, ghê tởm bản thân. Họ luôn cảm thấy mình vô dụng, luôn có cảm giác tội lỗi, xấu hổ.., cảm thấy mình là gánh nặng của mọi người xung quanh.
Họ cho rằng cuộc sống này chẳng còn gì để hi vọng. Luôn cảm thấy bất lực, vô vọng, tù túng. Không có gì có thể thay đổi tình trạng này cả.
Đột nhiên bình tĩnh và vui vẻ sau khi bị trầm uất nặng nề cũng có thể là dấu hiệu cho biết họ đã quyết định tìm đến cái chết.
Phương thức ngăn cản người có ý định tự tử
Nếu bạn thấy ai đó có dấu hiệu đã nêu trên thì đừng bao giờ nghĩ rằng họ chỉ đùa vui thôi. Thay vào đó, hãy hành động ngay lập tức, bạn có thể cứu sống được một người. Dưới đây là một số phương thức ngăn cản ai đó tự tử.
1. Hãy lên tiếng nếu bạn lo lắng
Bạn có thể ngăn một người muốn tự tử bằng cách thể hiện rằng bạn quan tâm đến họ. Hãy cho người đó cơ hội để bày tỏ cảm xúc. Điều đó có thể làm giảm đi sự cô độc và những cảm xúc tiêu cực đang ứ đọng trong họ. Từ đó, bạn có thể ngăn ngừa họ tự kết liễu bản thân mình.
Những cách để bắt đầu câu chuyện:
- Dạo này mình thấy hơi lo cho cậu
- Gần đây mình thấy cậu hơi lạ, không biết cậu có ổn không?
- Mình chỉ muốn coi cậu như thế nào vì dạo gần đây cậu có vẻ không được ổn cho lắm.
Những câu hỏi mà bạn có thể hỏi:
- Từ khi nào cậu có cảm giác như thế?
- Có chuyện gì xảy ra khiến cậu bắt đầu suy nghĩ như vậy?
- Mình có thể giúp gì cho cậu được bây giờ?
- Cậu có nghĩ tìm ai đó để giúp đỡ hay không?
Những câu bạn nói có thể giúp được người đó:
- Cậu không chỉ có một mình đâu. Mình luôn ở cạnh bên cậu nếu cậu cần.
- Bây giờ cậu có thể không tin, nhưng cảm xúc của cậu sẽ thay đổi
- Mình có thể không hiểu lắm về những gì cậu đang trải qua, nhưng mình quan tâm đến cậu và mình muốn giúp cậu.
- Bất khi nào cậu muốn từ bỏ, hãy tự nhủ với bản thân mình rằng hãy chờ một ngày, một giờ, một phút – bất cứ khoảng thời gian nào cậu có thể chờ được.
2. Khi nói chuyện với người có ý định tự tử
* Nên
- Hãy là chính bạn: Để cho người ấy biết là bạn quan tâm đến họ và họ không chỉ có một mình. Những từ ngữ chính xác thường không quan trọng. Nếu bạn lo, thì lời nói của bạn, thái độ của bạn sẽ thể hiện sự lo lắng đó.
- Lắng nghe: Để người ấy có thể kể ra hết nỗi niềm, xả hết những nỗi uất ức. Dù cho cuộc nói chuyện có tiêu cực đến đâu thì việc nó xảy ra (cuộc nói chuyện) cũng là một dấu hiệu tích cực.
- Thông cảm – KHÔNG PHÁN XÉT, kiên nhẫn, bình tĩnh, CHẤP NHẬN: Bạn bè và người thân của bạn đang nói những gì họ suy nghĩ, và chẳng có gì sai với nó cả.
- Đưa ra hy vọng: Khẳng định với người đó rằng luôn có những lối ra và suy nghĩ tự tử chỉ là tạm thời. Để cho cô/ anh ấy biết rằng họ quan trọng đối với bạn.
- Nếu một người nào đó nói những thứ như “Mình mệt mỏi quá, u uất quá. Mình không thể nào tiếp tục được nữa.”, hãy hỏi “Cậu có ý định tự tử à?” Bạn không phải đang gợi ý cho người đó mà ngược lại, bạn đang cho họ thấy là bạn quan tâm đến họ, bạn nghiêm túc lắng nghe, và họ có thể mở lòng nói về nỗi đau đó cho bạn.
* Không nên
- Tranh cãi với những người muốn tự tử: Tránh nói những thứ như “Cậu còn nhiều thứ để sống mà”, “Cậu phải nghĩ cho gia đình chứ, cậu chết thì họ sẽ đau lòng” hoặc “Nghĩ tích cực xíu đi”.
- Thái độ sốc, giảng đạo về giá trị cuộc sống hay nói rằng tự tử là sai lầm.
- Hứa sẽ giữ bí mật: Không bao giờ thỏa thuận với việc giữ kín chuyện. Một mạng sống đang bị đe dọa và có thể bạn cần phải nói chuyện với chuyên viên tâm lý sức khỏe để có thể giữ người bạn/người thân đang có ý định tự tử được an toàn.
- Đưa ra những cách để giải quyết vấn đề của họ: Cho lời khuyên, hoặc làm cho họ cảm thấy như họ phải bảo vệ ý muốn tự tử của mình. Vấn đề ở đây không phải là rắc rối ấy tồi tệ bao nhiêu mà là bạn làm tổn thương họ đến mức nào. Không ai muốn người khác chỉ trích mình, hay dè bỉu nói mình sai. Nếu bạn làm vậy thì chỉ khiến họ càng tìm cách chứng minh rằng suy nghĩ tự tử của họ là đúng mà thôi.
- Tự trách bản thân: Bạn không thể sửa đổi nỗi u uất buồn bã của một người. Hạnh phúc hay đau khổ của người mà bạn yêu quý không phải là trách nhiệm của bạn.
3. Hành động nhanh chóng
- Thông báo với gia đình, người thân, hoặc đưa người đó đến phòng cấp cứu. Hãy lấy đi dao, súng hay thuốc của họ. Không được để người đó một mình, dù dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Đề xuất phương thức giúp đỡ và hỗ trợ.
- Nếu người thân hay bạn bè của bạn có ý định tự tử, cách tốt nhất để giúp đỡ là lắng nghe và thấu cảm. Để cho họ biết rằng họ không chỉ có một mình và bạn quan tâm đến họ. Đừng coi việc làm cho họ cảm thấy tốt hơn là trách nhiệm của bạn. Bạn có thể hỗ trợ nhưng bạn không thể nào cảm thấy khỏe giùm cho họ được. Họ phải tự thỏa thuận với chính bản thân mình để hồi phục
4. Giúp đỡ người có ý định tự tử
- Tìm người có chuyên môn: Gọi đến đường dây nóng chuyện nghiệp hay tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý. Khuyến khích, đưa họ đi khám.
- Theo dõi điều trị: Nếu bác sĩ cho thuốc thì phải chắc rằng họ dùng thuốc, nên biết những tác dụng phụ của thuốc và báo cho bác sĩ biết nếu người thân/bạn bè của bạn không khá hơn mà ngược lại còn tệ đi. Thường thì phải mất một thời gian lâu để thuốc có tác dụng, và khoảng thời gian ấy tùy thuộc vào sinh lý của từng người.
- Khuyến khích lối sống tích cực: như tập thể dục, ăn uống điều độ, ngủ nhiều, ra ngoài ít nhất 30 phút/ngày. Tập thể dục rất quan trọng, nó giúp tiết chế ra chất endorphin, chất thần kinh giúp bạn cảm thấy yêu đời hơn, giải tỏa stress.
- Tích cực hơn: Đa số những người có ý định tự tử không thật sự tin rằng họ có thể được giúp đỡ, nên có lẽ bạn cần tích cực hơn trong việc đó. Những câu nói như “gọi cho mình nếu cậu cần” quá mơ hồ, thay vào đó thì hãy ghé qua thăm, gọi điện, rủ họ ra ngoài.
- Lấy đi những thứ có thể gây tổn thương.
- Tiếp tục hỗ trợ họ.
Kết luận
Tóm lại, hành vi tự tử hoàn toàn có thể ngăn cản được, nếu bạn gặp được người có ý định tự tử, hãy áp dụng những kiến thức trên để giúp đỡ họ nhé. Tuy nhiên, muốn ngăn người có ý định tự tử, không phải chỉ khuyên ngăn, trò chuyện với họ là đủ. Hãy tìm cho họ một bác sĩ tâm lý uy tín để giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong lòng hoặc can thiệp bằng thuốc để giúp họ từ bỏ ý định tự sát.
Hãy Gọi thoại – gọi video với các bác sĩ chuyên khoa Tâm lý hoặc Tâm thần học hàng đầu đến từ Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị các vấn đề tâm lý.
Nguồn tham khảo: http://www.helpguide.org/artic…