Lập dàn ý là bước vô cùng quan trọng khi làm văn, đặc biệt là trong văn tự sự và văn tả cảnh. Vậy cách lập dàn ý cho các bài văn khác nhau có giống nhau không?
Tầm quan trọng của việc lập dàn ý
Lập dàn ý chính là việc lựa chọn và sắp xếp những nội dung chủ yếu, các ý lớn ý nhỏ dự định sẽ triển khai trong bài viết. Dàn ý chính là cái khung cho bài văn của bạn.
Trước khi đặt bút lên trang giấy, lập dàn ý là bước không thể bỏ qua. Khi viết, ta sẽ dựa vào dàn ý để tránh tình trạng trùng lặp ý, thiếu ý, lạc đề,…
Lập dàn ý bài văn tự sự
Khái niệm
Lập dàn ý bài văn tự sự là xây dựng nên bộ khung cho câu chuyện mà mình sẽ viết hay sẽ kể.
Cách lập dàn ý bài văn tự sự
Đầu tiên, ta phải xác định được đề tài và chủ đề của bài viết
Bước tiếp theo, ta tưởng tượng và phát ra những nét chính của cốt truyện dưa theo đề tài và chủ đề đã chọn. Thông thường, các tác phẩm tự sự truyền thống có kết cấu:
Trình bày – Khai đoạn – Phát triển – Đỉnh điểm – Kết thúc
Sau đó, ta sẽ tiến hành lập dàn ý.
Mở bài: Giới thiệu chung về câu chuyện (hoàn cảnh xảy ra, không gian, thời gian diễn ra sự việc, các nhân vật tham gia vào sự việc…)
Thân bài: Kể diễn biến sự việc
-
Kể cụ thể các sự việc xảy ra theo trình tự tự nhiên, sự việc nào xảy ra trước kể trước cho đến khi sự việc kết thúc
-
Có thể kể theo trình tự đảo ngược: đưa kết quả sự việc ở thời điểm hiện tại lên trước, rồi dùng cách hồi tưởng để kể lại sự việc. Cách kể này có thể gây bất ngờ, hứng thú cho người đọc.
Kết bài: Kết thúc câu chuyện, trình bày ngắn gọn cảm nghĩ về truyện.
Lập dàn ý bài văn tả cảnh
Mở bài: Giới thiệu chung về cảnh sẽ tả (cảnh đó là gì, ở đâu, vào thời gian nào…)
Thân bài: Miêu tả để làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh vật
-
Tả bao quát cảnh vật
-
Tả chi tiết: có thể tả theo hai cách
+ Theo trình tự thời gian
+ Theo trình tự không gian: từ xa đến gần, từ cao xuống thấp, hoạt động của con người,…
Kết bài: Trình bày ngắn gọn cảm xúc, suy nghĩ về cảnh vật.
Lập dàn ý bài văn nghị luận
Đối với văn nghị luận xã hội, có hai dạng bài khác nhau: nghị luận về một hiện tượng xã hội và nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Mỗi dạng bài lại có một cách làm riêng, vì vậy cách lập dàn ý của hai dạng bài cũng khác nhau.
Lập dàn ý cho bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống
Mở bài: Giới thiệu sơ lược về vấn đề nghị luận
Thân bài:
-
Giải thích về hiện tượng xã hội cần bàn luận
+ Có thể hiểu hiện tượng đó theo những cách nào. Đó là hiện tượng tiêu cực hay tích cực
+ Các biểu hiện và thực trạng của hiện tượng trên
-
Lý giải, bàn luận về hiện tượng xã hội đó
+ Tác động của hiện tượng trên đến đời sống xã hội: nêu ý nghĩa, tác dụng hoặc hậu quả của hiện tượng xã hội đó. (Tác động đến bản thân, gia đình và xã hội như thế nào?)
+ Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xã hội trên: bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
+ Lên án, phê phán các hiện tượng tiêu cực. Biểu dương, khuyến khích những hiện tượng tích cực
-
Nêu ra những giải pháp cũng như bài học nhận thức
+ Bài học nhận thức dành cho mọi người từ hiện tượng trên
+ Các giải pháp (đối với bản thân, gia đình, xã hội):
-
Biện pháp để phát triển, mở rộng đối với các hiện tượng tốt, có ý nghĩa với cuộc sống (hiến máu cứu người, nhặt được của rơi trả lại người mất,…)
-
Biện pháp để giảm thiểu, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực
Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận, liên hệ bản thân
Lập dàn ý bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý
Mở bài: Dẫn dắt vào đề, trình bày ngắn gọn vấn đề nghị luận và phạm vi dẫn chứng
Thân bài:
-
Giải thích khái niệm về tư tưởng đạo lý cần bàn luận
+ Giải thích các từ ngữ, cách hiểu tổng quát về tư tưởng đạo lý hoặc quan điểm của tác giả
+ Những biểu hiện của tư tưởng cần bàn luận trong cuộc sống
-
Bình luận, phân tích về vấn đề nghị luận
+ Khẳng định rằng quan điểm, tư tưởng trên là đúng hay sai (có thể vừa đúng vừa sai trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.)
+ Phân tích các mặt đúng / sai của vấn đề, lấy dẫn chứng cụ thể
+ Biểu dương những tấm gương tốt, phê phán các hành động tiêu cực
+ Mở rộng vấn đề:tư tưởng, quan điểm trên có cần bổ sung, xem xét thêm điều gì không (một số ý kiến về vấn đề đó ở những hoàn cảnh, điều kiện khác,…)
-
Bài học nhận thức, liên hệ giải pháp
+ Bài học rút ra từ quan điểm, tư tưởng trên
+ Bản thân cần làm gì?
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận, trình bày suy nghĩ và liên hệ tới bản thân.
Dành ra một chút thời gian để lập dàn ý trước khi viết bài sẽ giúp bạn có một bài văn hoàn hảo hơn. Nếu bỏ qua bước này, bạn sẽ dễ bị cảm xúc dẫn dắt làm bài văn xa đề hoặc thiếu ý, lặp ý. Để có một dàn ý đủ mà vẫn không mất thời gian, bạn hãy nắm trong tay các cách lập dàn ý trên.
>> Tham khảo thêm:
- Các cách tính nhẩm nhanh và chính xác khiến bạn ngạc nhiên
- Cách lập thời gian biểu một cách hợp lý và hiệu quả nhất