Cách viết một bài văn miêu tả hay
1. Các dạng đề văn miêu tả thường gặp
– Về cơ bản, có 3 dạng đề văn miêu tả thường được đưa vào chương trình tập làm văn của học sinh lớp 3,4,5,6:+ Văn tả vật (Tả đồ vật, con vật, cây cối): Dạng đề bài này thường yêu cầu các em miêu tả các loại đồ vật, cây cối, con vật gần gũi xung quanh nhằm rèn luyện kĩ năng quan sát, viết miêu tả theo cảm nhận.+ Văn tả người: Thường là những đề bài yêu cầu tả chân dung, đặc điểm, tả người trong một trạng thái hoạt động nào đó ( Ví dụ: Tả cô giáo đang giảng bài, Tả mẹ đang nấu cơm dưới bếp…).+ Văn tả cảnh: Thường là đề bài tả cảnh thiên nhiên như: khung cảnh làng quê, dòng sông, cánh đồng, đêm trăng đẹp… hay cảnh sinh hoạt như: phiên chợ ngày tết, buổi biểu diễn văn nghệ, buổi thi đấu thể thao…
2. Các bước làm bài văn miêu tả
* Bước 1: Xác định yêu cầu đề bài
Với đề văn miêu tả hay bất kì dạng đề nào cũng vậy, bước đầu tiên chúng ta cần làm là tìm hiểu đề và xác định yêu cầu của đề bài.
Các em cần xác định được đề bài thuộc dạng bài miêu tả nào (tả vật, tả người hay tả cảnh), đối tượng cần miêu tả là ai. Chẳng hạn: Đề bài yêu cầu tả một người bạn thân của em thì em cần xác định được đây là dạng bài tả người, đối tượng cần tả là người bạn thân của em, từ đó có những liên tưởng về người bạn ấy với những đặc điểm về ngoại hình, giọng nói, tính cách, những kỉ niệm đáng nhớ mà em và người bạn ấy đã trải qua, tình cảm của em với bạn…Việc xác định dạng bài, đối tượng miêu tả sẽ giúp các em định hình được nội dung và ý tưởng cho bài viết.
* Bước 2: Lập dàn ý
Lập dàn ý là việc tóm tắt nội dung, ý tưởng cho bài viết theo cấu trúc 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần dàn ý, các em có thể ghi lại những ý chính mà mình muốn triển khai trong bài viết. Việc lập dàn ý hỗ trợ đắc lực cho quá trình viết bài, qua dàn ý đã xây dựng, các em tránh được việc sót ý, lạc đề, đảm bảo tính mạch lạc và trình tự diễn đạt các ý.
Chẳng hạn: Lập dàn ý cho văn tả cảnh- Mở bài: Giới thiệu về cảnh mình định tả (Cảnh ấy là gì? Em đã gặp ở đâu? Cảm xúc của em khi nhìn thấy cảnh vật ấy?)- Thân bài: Tả chi tiết về cảnh vật:+ Tả bao quát (Cảnh vật ấy như thế nào?)+ Tả chi tiết (Cảnh vật vào các thời điểm trong ngày? Tả chi tiết từng vẻ đẹp trong cảnh vật mà em ấn tượng ( thời tiết, mây, gió, nắng…, hoạt động của con người…)- Kết bàiCảm nghĩ, tình cảm, nguyện vọng của bản thân.
>> Bài tham khảo Tả cảnh mùa gặt ở quê em.
* Nguyên tắc miêu tả:
– Để đảm bảo tính mạch lạc, hấp dẫn của bài văn, khi viết miêu tả các em cần đảm bảo trình tự:+ Trình tự thời gian: Sáng-trưa-chiều-tối; theo mùa (Xuân- hạ-thu-đông), theo trình tự: Mở đầu- diễn biến- kết thúc.+ Trình tự không gian: Từ bao quát đến khái quát, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong.+ Với văn tả người cần miêu tả từ hình dáng đến tính cách
* Bước 3: Viết bài
– Dựa trên phần dàn ý đã lập, các em có thể hoàn thiện bài văn miêu tả của mình. Khi viết các em có thể thêm những câu so sánh để tăng tính hấp dẫn cho bài viết.Chẳng hạn: Khi miêu tả nụ cười của mẹ, thay vì miêu tả một cách đơn giản nhất là “Nụ cười của mẹ em rất đẹp”, các em có thể thêm một vài câu so sánh, ví von để tạo ấn tượng cho nụ cười ấy như: “Nụ cười của mẹ rất đẹp, nụ cười tươi như hoa vừa nở sớm mai…”.
>> Bài tham khảo Tả mẹ của em.
3. Cách viết mở bài và kết bài cho bài văn miêu tả
Trong một bài văn miêu tả, phần thân bài thường là quan trọng nhất bởi đây là phần diễn đạt toàn bộ nội dung của bài miêu tả. Tuy nhiên, phần mở bài và kết bài cũng quan trọng không kém bởi nó tác động đến hứng thú của người đọc với bài văn ấy.
Để viết được mở bài và kết bài hay, các em có thể áp dụng các cách viết sau:- Với phần mở bài: Có thể dẫn trực tiếp vào đối tượng cần miêu tả, có thể dẫn gián tiếp (giới thiệu bằng lời dẫn dắt hoặc bộc lộ cảm xúc của người viết về đối tượng miêu tả).
Chẳng hạn: Tả cảnh trường em+ Mở bài trực tiếp: Trường tiểu học Lê Quý Đôn là mái trường thân yêu mà em đang theo học, mái trường cũng là nơi mà em cùng các bạn tạo nên rất nhiều kỉ niệm đẹp.+ Mở bài gián tiếp: Buổi sáng thứ hai đầu tuần, nắng đã lên chiếu qua tán lá in xuống mặt sân trường những bóng râm đủ mọi hình thù thú vị. Ngồi dưới sân trường dự tiết sinh hoạt chào cờ em lại có cơ hội ngắm ngôi trường của mình – Trường tiểu học Lê Quý Đôn.
– Kết bài: Có kết bài đóng (Khẳng định lại tình cảm, tư tưởng của mình), và kết bài mở (mở rộng vấn đề, tạo độ lắng đọng cho bài viết)+ Kết đóng: Được đến trường mỗi ngày là niềm vui của em, những ngày nghỉ không được đến trường em cảm thấy rất nhớ trường, lớp và nhớ thầy cô, bạn bè.+ Kết mở: Từng hàng cây, ghế đá, sân trường, từng lớp học và cả những giờ ra chào cờ, ra chơi nơi mái trường này đã in sâu vào trong kí ức của em và em sẽ mãi nhớ về những năm tháng học trò, những kỉ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu này.
>> Tham khảo thêm bài Tả cảnh trường em.