Viết báo cáo là điều chúng ta thường gặp phải khi làm việc cũng như học tập nhưng không phải ai cũng biết cách viết báo cáo một cách hiệu quả. Vậy làm thế nào để có được bản cáo cáo ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ để tạo ấn tượng tốt với người đọc? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Cách viết báo cáo hiệu quả bao gồm các bước chuẩn bị sau:
Xác định mục đích của báo cáo
Dù viết báo cáo ngày, tháng hay năm bạn cũng cần xác định được nội dung yêu cầu của bản báo cáo. Việc xác định nội dung của báo cáo là điều kiện bắt buộc để bạn có một bản báo cáo chính xác và đầy đủ nhất. Nếu bạn không nắm được nội dung yêu cầu khi viết báo cáo chắc chắn bạn sẽ không biết viết gì hoặc nếu có viết được cũng chỉ là một bản báo cáo vô nghĩa mà thôi. Do đó, hãy dành thời gian để suy nghĩ về mục đích của báo cáo. Bạn có cần mô tả, giải thích, giới thiệu hoặc thuyết phục? Có một mục đích rõ ràng ngay từ đầu đảm bảo rằng bạn luôn tập trung và giúp thu hút người đọc của bạn dễ dàng hơn.
Tìm hiểu về người đọc
Viết báo cáo chính thức hàng năm cho các bên liên quan rất khác với đánh giá tài chính. Vậy nên hãy điều chỉnh ngôn ngữ của bạn, sử dụng dữ liệu và đồ họa hỗ trợ cho người đọc khi cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét phong cách cá nhân của người đọc, ví dụ họ thường viết email hoặc cấu trúc tài liệu thế nào? Phản ánh sở thích của họ trong báo cáo của bạn nếu có thể. Sự tương thích này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ và khiến người đọc dễ tiếp thu ý tưởng của bạn hơn.
Xây dựng đề cương chi tiết
Bạn đã xác định được nội dung yêu cầu của báo cáo, tuy nhiên bạn đừng vội viết mà việc cần làm tiếp theo là soạn thảo ra một đề cương chi tiết những nội dung bạn muốn nói trong báo cáo. Đề cương này sẽ giúp cho bạn không bị thiếu ý hay bị mất thời gian suy nghĩ phải viết gì trong quá trình làm báo báo.
Cấu trúc của một báo cáo hoàn chỉnh:
Một bản cáo cáo thường có 4 yếu tố sau:
1. Tóm tắt đánh giá
Báo cáo của bạn nên được bắt đầu với bản tóm tắt đánh giá kết quả công việc. Là mục đầu tiên người đọc bắt gặp, nên đây là phần quan trọng nhất của tài liệu. Họ có thể sẽ sử dụng phần tóm tắt đánh giá này để quyết định xem có nên tiếp tục đọc bản báo cáo hay không.
Việc đánh giá kết quả công việc sẽ giúp bạn nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ, nó cũng giống như bản báo cáo thành tích với cấp trên, vì vậy trong phần này bạn hãy hết sức lưu ý. Nên đánh giá một cách trung thực nhất, không nên chỉ khoe những việc làm được, còn những khó khăn, thiếu sót lại giấu nhẹm đi. Bởi cấp trên họ sẽ dễ dàng nhìn ra được những thiếu sót của bạn trong bản báo cáo đó dù bạn không nói ra.
2. Giới thiệu bối cảnh báo cáo
Cung cấp một bối cảnh cho báo cáo và phác thảo cấu trúc của nội dung. Xác định phạm vi của báo cáo và bất kỳ phương pháp cụ thể nào được sử dụng.
3. Nội dung chính của báo cáo
Bây giờ đã đến lúc sử dụng kỹ năng viết báo cáo của bạn. Đây là phần dài nhất của báo cáo và cần trình bày chi tiết với các phần phân tích, thảo luận và đề xuất để xem xét. Bạn có thể đưa vào các số liệu và đồ họa để giúp người đọc dễ nắm bắt thông tin.
– Phân tích nguyên nhân
Bạn đã đánh giá kết quả công việc, ưu nhược điểm trong quá trình thực hiện thì tất nhiên bạn không thể quên việc giải thích nguyên nhân cho những kết quả đó. Bạn hãy chăm chút cho phần này thật kỹ trong báo cáo nhé. Bởi người phát hiện ra nguyên nhân và phân tích được nguyên nhân tại sao vấn đề này mình làm được còn vấn đề kia thì không cho thấy bạn là người rất có trách nhiệm với công việc. Việc phân tích đánh giá nguyên nhân cẩn thận cũng là cách để người khác giúp bạn dễ dàng tìm cách khắc phục để kết quả công việc được tốt hơn.
– Thảo luận hướng khắc phục
Bạn làm không tốt hay không làm được đã có nguyên nhân rõ ràng, vì thế bạn hãy nghĩ đến hướng khắc phục những nguyên nhân đó. Có thể bạn chưa áp dụng cách khắc phục này hoặc không còn thời gian để khắc phục thì bạn cũng cần đưa vào báo cáo nhé. Kể cả những việc bạn đã làm tốt nhưng nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng bạn đã tìm được cách khắc phục cũng nên đưa vào để mọi người cùng tham khảo và đưa ra ý kiến cùng tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết nếu gặp lại trong quá trình làm việc tiếp theo.
– Đề xuất, kiến nghị
Cuối bản báo cáo bạn hãy đưa ra những kiến nghị riêng của bản thân như: Công việc đó cần có những gì, cần hỗ trợ những gì để có thể thúc tiến quá trình thực hiện nhanh hơn, kết quả được tốt hơn. Việc đưa ra kiến nghị không phải để mang lại lợi ích riêng cho bạn mà là mang lại lợi ích chung cho cả công ty, tập thể của bạn. Vì vậy, hãy mạnh dạn nêu ra trong báo cáo để cấp trên biết và xem xét.
4. Kết luận
Tổng hợp các yếu tố khác nhau của báo cáo một cách rõ ràng và súc tích. Xác định các bước tiếp theo và bất kỳ hành động nào cần phải thực hiện.
Một số mẹo nhỏ về cách viết báo cáo công việc hiệu quả
Ngôn ngữ trong báo báo
Trong báo cáo bạn nên sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu. Lối hành văn mạch lạc, rõ ràng, thiết thực. Nên tránh những từ ngữ quá hoa mỹ, phô trương vì báo cáo cần sự ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác.
Giữ câu ngắn gọn và đơn giản
Chỉ bao gồm một ý chính trong mỗi câu, với thông tin bổ sung trong các câu sau cùng một từ liên kết thích hợp như “Vì vậy”, “Do đó”, “Vì lí do này” giúp người đọc đi theo mạch ý tưởng của bạn. Tránh viết các câu dài với nhiều mệnh đề phụ gây khó khăn cho người đọc, cụ thể các câu không dài hơn 20 đến 25 từ.
Thu thập sự kiện và dữ liệu
Đưa vào báo cáo các sự kiện và dữ liệu hấp dẫn sẽ giúp lập luận của bạn trở nên thuyết phục hơn. Hãy nhớ trích dẫn các nguồn như báo chí, nghiên cứu và các bài phỏng vấn để tăng thêm độ tin cậy.
Cách trình bày báo cáo công việc nên hấp dẫn, trực quan
Độc giả của bạn sẽ hiểu được những gì bạn nói chỉ bằng cách nhìn sơ qua nó. Do đó, hãy viết các tiêu đề chính và tiêu đề phụ của bạn một cách rõ ràng và đầy đủ.
Bạn có thể sử dụng màu sắc để làm nổi bật các điểm quan trọng. Hãy sáng tạo nhưng cần chắc rằng nó không ảnh hưởng đến nội dung thông điệp của bạn.
Xem lại và chỉnh sửa
Bản thảo đầu tiên của báo cáo hiếm khi nào là hoàn hảo, do đó bạn sẽ cần chỉnh sửa và sửa đổi nội dung. Nếu có thể, hãy đặt tài liệu sang một bên trong vài ngày trước khi xem lại nó một lần nữa hoặc nhờ đồng nghiệp cùng xem xét. Một “đôi mắt” mới thường sẽ giúp phát hiện ra những lỗi mà bạn không chú ý.
Trước khi gửi báo cáo, hãy tự hỏi mình:
– Báo cáo không có lỗi ngữ pháp, ngắn gọn và dễ đọc?
– Các mục được trình bày một cách logic?
– Mỗi điểm có được giải thích, chứng minh bằng các dữ liệu phù hợp?
– Các kết luận và khuyến nghị có thuyết phục không?
– Tất cả các nguồn được tham khảo là chính xác?
Cách viết báo cáo sẽ rất đơn giản một khi bạn hiểu các bước thực hiện. Có nhiều điều cần chú ý trong cách viết báo cáo công việc nhưng những lời khuyên này đủ để giúp bạn viết một báo cáo ấn tượng với cấp trên của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là đạt được cơ hội thăng tiến cao hơn, bạn cần phải nỗ lực hết mình. Các lưu ý trên đây cũng có thể được áp dụng cho cách viết báo cáo thực tập hay cách viết báo cáo thu hoạch cho các bạn sinh viên hoặc cách viết báo cáo thử việc cho người tìm việc. Sau khi đọc xong bài viết này, đừng chỉ ngồi yên và chờ đợi kết quả khả quan khi viết báo cáo. Luyện tập sẽ giúp bạn ngày càng tiến bộ và hoàn hảo hơn.