Nguyên nhân căng cơ bắp chân và cách xử lý | Vinmec

Việc điều trị căng cơ bắp chân thường dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Để cơ bắp được nghỉ ngơi là phương pháp tốt nhất để điều trị thành công căng cơ bắp chân, bởi việc nghỉ ngơi không đầy đủ có thể kéo dài sự hồi phục của người bệnh.

Còn theo nguyên tắc chung, trường hợp bị căng cơ chân ở mức độ nhẹ thì người bệnh vẫn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày mà không làm nặng thêm tổn thương. Tuy nhiên, trong trường hợp căng cơ chân ở mức độ nặng thì người bệnh cần phải phẫu thuật với mục đích gắn lại các đầu rách của cơ. Sau đây là các phương pháp điều trị căng cơ bắp chân thông thường được sử dụng:

  • Nghỉ ngơi: Khi bị căng cơ chân, việc quan trọng nhất là người bệnh cần phải được nghỉ ngơi sau khi bị chấn thương để hỗ trợ các cơ bị thương lành lại nhanh chóng. Người bệnh chỉ nên thực hiện những hoạt động hàng ngày phù hợp với khả năng của mình, tránh một số hoạt động gây ra các triệu chứng của bệnh.
  • Kéo căng cơ bắp chân: Việc kéo căng nhẹ bắp chân sẽ rất hữu ích trong hỗ trợ điều trị căng cơ bắp chân. Khi kéo cần phải kéo nhẹ, bởi việc kéo căng quá mức có thể gây hại và làm chậm quá trình lành bệnh. Tốt nhất nên tham khảo một số cách kéo dãn bắp chân đơn giản từ bác sĩ để giúp bạn hồi phục nhanh hơn.
  • Chườm đá: Nên chườm đá vào vị trí bị tổn thương trong giai đoạn cấp tính, tức là 48 giờ đầu sau khi bị thương và sau khi hoạt động. Bởi việc sử dụng đá lạnh sẽ giúp làm dịu phản ứng viêm, đồng thời kích thích lưu lượng máu đến khu vực.
  • Áp nhiệt: Trong trường hợp bị căng cơ chân, người bệnh cần làm ấm nhẹ nhàng trước khi thực hiện một hoạt động để có thể giúp nới lỏng cơ bắp. Việc chườm nóng vào bắp chân cần thực hiện khi kéo dãn cơ hoặc tập thể dục. Nguyên tắc chung của việc chườm ấm là làm ấm trước và chườm đá sau.
  • Thuốc chống viêm: Sử dụng thuốc chống viêm đường uống như Ibuprofen, Aleve hoặc Motrin có thể giúp người bệnh làm giảm các triệu chứng đau và cân bằng quá trình viêm.
  • Vật lý trị liệu: Để hồi phục nhanh hơn, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trị liệu vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị phục hồi nhanh hơn như siêu âm, massage trị liệu và các bài tập phục hồi chức năng cụ thể. Tuy nhiên, cần phải gặp bác sĩ để xác định xem liệu những điều này có phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn hay không.

Tóm lại, thời gian điều trị căng cơ bắp chân còn phải phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích. Nếu người bệnh bị căng cơ bắp chân mức độ 1 thì thời gian hồi phục sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày, thời gian phục hồi ở mức độ 2 là trong khoảng từ 4 – 6 tuần, và căng cơ bắp chân mức độ 3 cần khoảng 3 tháng để phục hồi chức năng.