Chu Kì Kinh Tế

Tuy nhiên ý tưởng này đã bỏ qua một điểm là con người, dù là cá nhân hay một nhóm, sẽ học hỏi được từ những sai lầm của mình. Nhờ có chu kỳ kinh tế mà tất cả những tiến bộ và cải cách kinh tế mới nảy sinh. Joseph Schumpeter (1883-1950) đã gọi chu kỳ kinh tế là ‘Những làn sóng huỷ diệt đầy sáng tạo’. Nhiên liệu thay thế sẽ không bao giờ được phát triển nếu giá dầu không tăng quá cao. Một nền kinh tế cần sự vững chắc để có thể chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào. Điều này sẽ tạo ra những tiến triển về kinh tế xã hội.

Giả định cho rằng con người có khả năng thay đổi chu kỳ kinh tế theo ý muốn mình thực chất chỉ là ảo tưởng mà thôi. Paul Volcker, nguyên Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, đã bày tỏ trong cuốn Tìm hiểu lại về chu kỳ kinh tế (Rediscovery of the Business Cycle) năm 1979:

“Gần mười năm về trước, giờ nhìn lại quả là một thời kỳ ngây thơ, khi ấy thuật ngữ ‘Nền kinh tế mới– New Economics’ đã trở nên phổ biến. Nguyên lý cơ bản của nó được lặp lại từ bài phát biểu này sang bài phát biểu khác, trong rất nhiều bài báo và được những người khởi xướng miêu tả “rằng chu kỳ kinh tế không phải là một thứ không thế tránh khỏi, rằng chính sách của chính phủ có thể và nên giữ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thực tế bền vững và với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu ổn định (ở mức cho phép)… Vào đầu những năm 1970, dù mới bước vào thời kỳ suy thoái, những áp lực lạm phát dai dẳng đã bắt đầu nhen nhóm một số tín hiệu nguy hiểm; những phản ứng của nền kinh tế trước những thay đổi từ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn dễ dự đoán như trước nữa. Nhưng mãi đến khi biến cố xảy ra trong năm 1974 và 1975, khi cuộc suy thoái kinh tế ở mức độ trầm trọng chưa từng có từ sau Thế chiến II thì những luận điểm của ‘Nền kinh tế mới‘ mới bị thách thức nghiêm trọng”.

Ngay cả cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Arthur Burns (1904-1987) cũng đồng tình với quan điểm đó. Chính phủ Mỹ với tất cả quyền lực và sự ủng hộ cho ông John Maynard Keynes (1883-1946), người lập luận rằng nền kinh tế có thể được quản lý để loại bỏ chu kỳ kinh tế, nhưng đã không thể ngăn ngừa sự suy thoái hay bùng nổ của nền kinh tế.

Thật vậy, chu kỳ kinh tế xảy ra thường xuyên như bốn mùa trong năm với những sắc thái thời tiết riêng biệt. Do thời tiết bị biến động theo một chu kỳ 300 năm tỏa nhiệt của mặt trời, nên con người đã phải di chuyển khắp nơi để tìm kiếm lương thực và nơi ở có thời tiết thuận lợi hơn. Vì lẽ đó, sự di cư trên toàn cầu cũng có thể coi là một sản phẩm phụ của chu kỳ kinh tế. Kể cả khi nhìn vào cơ cấu thành phần kinh tế từ cuối những năm 1700, chúng ta có thể thấy rằng không thành phần nào không thay đổi mà chúng luôn chịu sự tác động của chu kỳ kinh tế.

Ở một phạm vi rộng hơn, nông nghiệp vẫn chiếm 70% cơ cấu ngành tại đa số các quốc gia vào giữa thế kỷ 19. Năm 1900, khoảng 41% lực lượng lao động vẫn phục vụ trong nông nghiệp, nhưng cuối cùng giảm xuống chỉ còn 3% vào năm 1980. Không một ai có thể điều khiển thời tiết hay chỉ bảo Chúa Trời phải làm gì. Đơn giản chỉ vì bạn không thể ban hành một luật để tạo ra mưa hay ngăn ngừa hạn hán.

Trong thế kỷ 19, những làn sóng cải cách lớn đã giúp khôi phục lại nền kinh tế Mỹ. Cho dù trong giai đoạn này, Cách mạng Công nghiệp mở ra đã thúc đẩy nền kinh tế vượt ra khỏi hố sâu của suy thoái và khủng hoảng, nhưng lượng cung tiền vẫn không thể dự báo trước được. Chế độ bản vị vàng vào thời điểm đó là nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá đối với nền kinh tế, còn những đợt lạm phát lớn trên diện rộng cũng chỉ là một phần nguyên do. Cơn sốt khai thác vàng đã xảy ra tại California năm 1849. Tiếp đến là tại Australia, chỉ từ năm 1851 đến 1861, Australia đã đóng góp 1/3 lượng cung vàng mới cho thế giới. Việc tìm thấy bạc ở Colorado năm 1864 đã tạo đà cho đợt lạm phát khổng lồ sau năm 1878, với một nền kinh tế tràn ngập đồng đô la bạc và từ đó dẫn tới Cuộc khủng hoảng 1893. Sau đó, tại Alaska, vàng được phát hiện với số lượng lớn ở Klondike vào ngày 16 tháng 8 năm 1896 và lại tạo ra một lượng cung tiền lớn nữa. Nó hủy hoại nền kinh tế tương tự như cách người Tây Ban Nha đã làm, khi họ nhập khẩu một lượng lớn kim loại quý từ Tân Thế giới (cách gọi khác của châu Mỹ), và gây ra đợt lạm phát lớn ở châu Âu vào thế kỷ 16, 17, từ đó dẫn tới sự phá sản của quốc gia này.

Mô hình Độ tin cậy của nền kinh tế (Economic Confidence Model – ECM) là một lý thuyết đúc kết bởi Martin Armstrong về chu kỳ kinh tế. Chu kỳ kinh tế đã được quan sát qua nhiều thế kỷ và có cơ chế hoạt động thực sự phức tạp, nhưng chắc chắn nó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ các tác động lặp đi lặp lại của thiên nhiên (như sự chuyển mùa) đến những thứ được điều khiển bởi sự ham muốn của con người, hay nói rộng ra là những ham muốn của con người.

Mọi thứ đều có tác động đến chu kỳ kinh tế, từ thời tiết đến chính trị. Chẳng có gì chuyển động trên một đường thẳng cả. Ngay cả trái tim ta cũng đập theo chu kỳ. Không thứ gì thoát ra khỏi được chu kỳ một khi nó còn sống.

Nếu nhìn vào đế chế La Mã, chúng ta cũng sẽ thấy những tác động tương tự của lực tuần hoàn (hay chu kỳ kinh tế). Trên thực tế, không một Đế chế, Quốc gia hay Thành phố – Nhà nước nào tồn tại mãi mãi với thời gian và sau tất cả, mọi thứ sẽ lại trở về với cát bụi.