Hướng ngoại là những người cởi mở, hòa đồng, thân thiện với những người xung quanh; còn cô độc tức là không có ai bên cạnh, một mình đơn độc chống chọi với sóng gió. Hai khái niệm tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược, những vẫn có thể tồn tại trong một con người – thường gọi là “cô độc hướng ngoại” (một số nơi ghi là Tự kỷ hướng ngoại – Outgoing Autism hay Outward Autism).
Những người cô độc hướng ngoại thường rất khó nắm bắt, khi họ vừa có thể thân thiện với cả thế giới, lại có khi tự mình tách biệt, thu mình trong thế giới của riêng mình. Họ không gặp khó khăn trong ngôn ngữ, nhưng lại thường có những hành vi lặp đi lặp lại, thường diễn ra hàng ngày vào một thời điểm nào đó.
Những người này hiểu chuyện từ rất nhỏ, ít khi bộc lộ khát vọng hay nhu cầu, sẵn sàng nghe người khác chỉ bảo. Dù vậy, họ lớn lên dễ thành công, bởi trí óc được phát triển theo một hướng đặc biệt, không hề cứng nhắc, dập khuôn. Đây là 8 biểu hiện thường thấy của những người “cô độc hướng ngoại”:
Không rời điện thoại
Với những người cô độc hướng ngoại, điện thoại không chỉ là một phương tiện hữu ích để liên lạc, giải trí,… mà còn là một “lá chắn” hoàn hảo họ sử dụng trong những trường hợp khó xử. Nếu cảm thấy bị bỏ rơi, thay vì lên tiếng, họ sẵn sàng chúi mặt vào điện thoại để không bị bơ vơ, nếu không muốn nói chuyện sẽ dùng điện thoại để tự “cứu rỗi” mình.
Hiểu chuyện từ nhỏ
Dù có thể giao tiếp từ sớm, nhưng họ thường chọn không nói lên suy nghĩ, khát vọng của bản thân mình. Từ nhỏ, họ đã được khen là những đứa trẻ vâng lời, hiểu chuyện, dù là việc ăn, việc học,… cũng hoàn toàn nghe theo lời bố mẹ. Thực ra, trong tiềm thức của họ, rất ít khi xuất hiện ý nghĩ phản kháng hay thay đổi, nếu có cũng chỉ giữ cho riêng mình, rất ít khi biểu lộ.
Có nhiều “nhân cách” khác khi đối diện với những cá thể khác biệt
Họ có thể cân bằng giữa “hướng nội và hướng ngoại”, vừa có thể sôi nổi vừa có thể lạnh nhạt. Chẳng hạn, khi nói chuyện với người lạ, họ tỏ thái độ thờ ơ, khó gần, còn khi nói chuyện với người thân lại sẵn sàng tán dóc, kể hết chuyện này đến chuyện khác mà chẳng biết mệt.
Nói một cách đơn giản hơn, khi gặp mỗi người khác biệt với các tình trạng quan hệ khác nhau, họ sẽ có một cách đối xử rất riêng biệt.
Lúc thì “điên rồ” nhiệt huyết, khi tĩnh lặng thu mình
Sẽ có khi, họ bất ngờ trút bỏ hết những sự phòng bị bản thân, thể hiện cho người khác thấy sự “điên rồ” nhiệt huyết khác hẳn thường ngày. Họ có thể nhảy múa, la hét, hát hò vô cùng sôi nổi, tràn đầy năng lượng tựa như ánh mặt trời. Nhưng cũng có khi, người ta lại thấy lạ lùng khi họ ngồi yên trầm mặc, lặng yên suy ngẫm một điều gì đó, tựa như mặt trăng lặng lẽ lúc đêm khuya.
Người cô độc hướng ngoại, lúc thì rộn ràng nhiệt huyết, khi lại trầm ngâm, thu mình vào lớp áo giáp, tự cách biệt mình với thế giới bên ngoài.
Dễ vì một lời nói vu vơ mà tổn thương, nhưng chẳng để ai phát hiện
Với mọi người, họ có thể là một người mạnh mẽ, là tấm gương của ý chí kiên cường sắt đá, nhưng sâu thẳm bên trọng, nội tâm của họ lại mỏng manh dịu dàng hơn bao giờ hết. Lớp áo giáp bên ngoài tưởng cứng rắn, nhưng lại không hề che kín, những lời nói vu vơ, bông đùa cũng có thể bị họ xem như vũ khí nguy hiểm, tổn thương trái tim yếu đuối của họ.
Nếu người khác tỏ thái độ “tôi không thích bạn”, họ sẽ lập tức nghĩ rằng “phải chăng mình làm gì chưa tốt”. Họ có thể ngay lúc đó cười xòa, nói rằng mình ổn, tỏ ra thật bình thản, nhưng khi chỉ còn một mình, sẽ dành cả ngày dài để thành tâm suy nghĩ, dằn vặt bản thân. Bất luận chuyện gì xảy ra, dù là công việc hay tình cảm, tất cả đều là do lỗi của họ, chứ không phải vì ai khác.
Bạn của mọi nhà nhưng không là nhà của ai
Họ có thể là bạn tâm giao của bất cứ ai đủ tin tưởng, nhưng lại chẳng tin tưởng ai đủ sâu sắc để thổ lộ tâm tình. Khi những người xung quanh gặp khó khăn hoặc buồn bã, họ luôn sẵn sàng lắng nghe, là bờ vai vững chắc để người khác dựa vào. Với họ, hạnh phúc không phải là của mình, mà là hạnh phúc vì những người xung quanh.
Dù vậy, những khi bị tổn thương, thất bại dày vò, dù muốn tâm sự, chia sẻ với người khác thì họ cũng không thể tin tưởng ai, không cho phép ai làm những điều tương tự. Không ai có thể chạm vào họ, cũng không cho phép ai thấu hiểu tâm hồn mình.
Cảm xúc bản thân là do người khác chi phối
Thực ra, những người cô độc hướng ngoại sống rất tình cảm, tình cảm đến mức, họ hoàn toàn để cho cảm xúc của bản thân để người khác chi phối. Họ rất để ý tới tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh, đồng cảm với suy nghĩ của người khác mà đôi khi không dám nói lên suy nghĩ của mình.
Nếu đối phương cảm thấy buồn, họ tự cho rằng mình không có quyền được vui, vì sao mình có thể vui vẻ khi bạn mình đang khổ sở như vậy. Nếu bạn bè gặp chuyện vui, họ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tưởng như thành tựu của bạn cũng là của mình mà ăn mừng, lãng quên đi những gì khó khăn, vất vả của bản thân. Với họ, bản thân mình không quan trọng bằng người khác, nếu có xảy ra xích mích với người khác, họ sẽ lập tức đổ lỗi cho bản thân mình, buồn bã nhiều ngày trời, không ngừng suy nghĩ về điều đó.
Hoài niệm quá khứ, chán ghét hiện tại
Người cô độc hướng ngoại thường hay hoài niệm quá khứ, bởi vì họ luôn cho rằng, những ký ức xưa cũ luôn tươi đẹp hơn cả. Với họ, quá khứ quá đẹp đẽ, quá hoàn hảo, họ chỉ muốn sống mãi trong những phút giây hạnh phúc đã qua. Những người này, họ gần như tôn thờ thanh xuân, bởi với họ, những năm tháng tuổi trẻ thơ ngây đó, là những khoảnh khắc xinh đẹp nhất đời người.
Đó cũng là lý do mà họ chán ghét hiện tại, và vô cùng sợ hãi tương lai. Hiện tại chính là sự thật, và với họ, sự thật luôn rất đau lòng. Tương lai vô định, không biết diễn biến ra sao, vì thế nó thật đáng sợ và nguy hiểm. Họ chỉ muốn được đắm chìm trong quá khứ, vì cho rằng chính mình ở quá khứ mới là bản thể vẹn nguyên, hoàn hảo.
Vì sao người cô độc hướng ngoại thường dễ thành công?
Thực ra, con người chúng ta luôn rất quan trọng “cái nhìn đầu tiên”, đôi khi tin tưởng vào trực giác của mình hơn logic. Những người cô độc hướng ngoại thường có biểu hiện đa dạng, họ vừa có thể là một người anh, người chị vui vẻ, nhiệt huyết, lại vừa có thể là người thầy, người cô chín chắn, thông thái. Nhìn họ, ta có cảm giác đang đối diện với những người trưởng thành, thấu hiểu rõ cuộc đời, sẵn sàng tin tưởng và giao trọng trách cho họ.
Những người cô độc hướng ngoại là lại rất trọng hình tượng trong mắt người khác, họ sợ rằng nếu như làm vỡ cái hình tượng hoàn hảo đó, có thể khiến người khác đau khổ, buồn bã. Vì thế, dù bản thân không thực sự cảm thấy như vậy, họ vẫn sẵn sàng dựng lên hình tượng hoàn hảo, tháo vát, thông thái,… để chiều lòng người khác.
Họ cũng là những người vô cùng tài ba, có khả năng tập trung cao độ, nhìn thấu cả chi tiết lẫn toàn thể. Chẳng hạn, khi đi tham quan bảo tàng, họ có thể nhìn ngắm một bức tranh hàng giờ đồng hồ, thấu tỏ hết những tầng tầng lớp lớp màu sắc và ý nghĩa ẩn sâu trong đó. Nhìn chung, họ vừa sâu sắc vừa linh hoạt, có thể làm được nhiều việc, rất dễ thích nghi với hoàn cảnh, không e ngại trước việc khó.
Có một bài hát về những người này như sau:
“Dùng nụ cười lau nước mắt, sợ mọi người nhìn thấu
Không nói về cô đơn, chúng ta đều sống rất vui vẻ
Tôi không hát những bản ballad buồn, không có nghĩa là tôi không có lúc đau lòng
Tôi không vạch vết thương cho người khác xem, khi nó lành cũng không ai hay
Những thất vọng bên trong tôi, giống như một kẻ cô độc, một mình chịu đựng
Người hướng ngoại cô đơn, chẳng gì là không thể”…
Bớt sống cầu toàn, ta bước gần đến cuộc đời viên mãn an nhiên