Cốt truyện là gì? Đặc điểm và các thành phần chính – LyTuong.net

1. Khái niệm cốt truyện

Cốt truyện là hình thức tổ chức cơ bản nhất của truyện; nó bao gồm các giai đoạn phát triển chính, một hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của các tác phẩm văn học, nhất là đối với các sáng tác thuộc các loại tự sự và kịch.

2. Đặc điểm của cốt truyện

Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu của mọi loại tác phẩm văn học. Với tác phẩm trữ tình thì thường không tồn tại cốt truyện.

Cốt truyện thường gồm hai phương diện gắn bó hữu cơ : Vừa là phương tiện bộc lộ tính cách, vừa là phương tiện để nhà văn bộc lộ các xung đột xã hội.

Nhìn chung cốt truyện có thể chia làm hai loại: Đơn tuyến (như trong truyện cổ dân gian hay một số truyện ngắn) và đa tuyến. Trong Dế Mèn phiêu lưu kí, bên cạnh tuyến cốt truyện chính về Dế Mèn, còn có các tuyến cốt truyện khác về Dế Trũi, Xiến Tóc, chim Trả, quần thể nhà Mối, Châu Chấu,…

Cơ sở chung của mọi cốt truyện xét đến cùng là những xung xã hội được khúc xạ qua các xung đột nhân cách. Nhưng xung đột xã hội không phái là cốt truyện. Xung đột xã hội là cơ sở khách quan, là đối tượng nhận thức, phản ánh; còn cốt truyện là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cá nhân nhà văn.

3. Các thành phần chính của cốt truyện

Cốt truyện đầy đủ thường có 5 thành phần chính sau đây:

– Trình bày: Còn gọi là mở đầu hay khai đoạn, có nhiệm vụ giới thiệu bối cảnh câu chuyện diễn ra (hoàn cảnh xã hội, thời gian, địa điểm, nhân vật,…). Trong truyện Người đi săn và con vượn (Lép Tôn – Xtôi), đó là đoạn giới thiệu về bác thợ săn thiện xạ, “nếu con thú rừng không may gặp bác thì hôm ấy coi như ngày tận số”. Với truyện ngắn Bên Hồ Hàm Nguyệt (Phạm Thị Kim Nhường), mở đầu chính là phần giới thiệu về một tục lệ có từ thuở xa xưa của làng “Tôi” : Khi tròn mười lăm tuổi, những cô gái trong làng đều được đi rửa mặt bằng nước hồ Hàm Nguyệt của chùa Huyền Không khi hồ tràn ngập ánh trăng rằm tháng giêng và nói lên điều nguyện ước của mình. Tin vào tục lệ đó, hai chị em “tôi”, sau gần bốn năm xa quê, giờ trở về làng để chuẩn bị thực hiện nghi lễ thiêng liêng này.

– Thắt nút: Là sự xuất hiện các sự kiện đánh dấu điểm khởi đầu của một quan hệ, một xung đột tất yếu sẽ tiếp tục xảy ra, phát triển. Ở Người đi săn và con vượn, thắt nút chính là sự kiện người đi săn xách nỏ vào rừng, phát hiện một con vượn mẹ lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá và ông đã nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng vượn mẹ. Thắt nút của truyện Bên Hồ Hàm Nguyệt chính là sự kiện cô bé tên Tâm sang chơi với chị Ngàn và phần giới thiệu về cuộc đời cô gái đẹp nết đẹp người nhưng “đôi mắt không thấy gì ngoài bóng tối”.

– Phát triển: Là toàn bộ các sự kiện thể hiện sự triển khai, vận động của các quan hệ và mâu thuẫn đã xảy ra. Đây là phần dài nhất của cốt truyện, thường bao gồm toàn bộ các sự kiện từ sau thắt nút đến sự kiện trước đỉnh điểm. Tính cách của nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Nhân vật được đặt trong nhiều cảnh ngộ khác nhau, xung đột được triển khai trên nhiều bình diện.

Trong truyện Người đi săn và con vượn, đó là các sự kiện vượn mẹ trúng tên, hướng ánh nhìn căm giận về phía người đi săn, tay vẫn không rời con. Trong khi đó, người thợ săn vẫn đứng im chờ thu nhận kết quả. Còn trong truyện Bên Hồ Hàm Nguyệt, phần phát triển chính là đoạn đối thoại giữa “tôi” với chị Ngàn, khung cảnh làng quê yên bình, nên thơ trong đêm Nguyên tiêu, cảnh đoàn người tấp nập lên chùa Huyền không làm lễ,…

Ở phần phát triển, tác giả trình bày hàng loạt sự kiện, mâu thuẫn được khai thác tận mọi khía cạnh của nó, xung đột của cốt truyện được triển khai trên nhiều bình diện, các nhân vật được đặt vào những cảnh ngộ khác nhau nhất với những thử thách căng thẳng qua không gian, thời gian. Từ đó cốt truyện bước vào đỉnh điểm.

– Cao trào (còn gọi là đỉnh điểm): Là sự kiện thử thách cao nhất, tột cùng đối với nhân vật dẫn đến bước ngoặt lớn trong sự phát triển của cốt truyện và đưa đến chấm dứt sự phát triển. Đỉnh điểm thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn, nhưng từ đây câu chuyện đi theo hướng được giải quyết.

Cao trào của truyện Người đi săn và con vượn là sự kiện đầy cảm động: Vượn mẹ, trước khi chết, đã nhẹ nhàng đặt con xuống, vơ vội nắm bùi nhùi gối lên đầu con, rồi nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng con. Với Bên hồ Hàm Nguyệt, đó là điều ước lạ lùng của chị Ngàn về một may mắn, một phép màu sẽ đến với mẹ của… một chị gái cùng làng! Điều này khiến cho Tâm phải “giật mình” và vô cùng “ngạc nhiên”.

Cả hai sự kiện đỉnh điểm trên đây đã gây nên những chấn động rất lớn cho tâm hồn nhân vật trong truyện cũng như người đọc. Từ đó, nó chuẩn bị cho những thay đổi phù hợp cả về lô gic vận động, phát triển của hiện thực khách quan lẫn lôgic tâm lí, hành động của con người.

Nếu cốt truyện của tác phẩm nhằm tái hiện trực tiếp cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xã hội đối lập thì đỉnh điểm chính là sự kiện đánh dấu sự phát triển của mâu thuẫn đạt đến độ căng thẳng nhất, đòi hỏi giải quyết tức khắc theo một chiều hướng nhất định.

– Mở nút (còn gọi là kết thúc): Là sự kiện quyết định kề ngay sau cao trào. Nó là sự xóa bỏ xung đột, nhưng không phải bao giờ cũng xóa bỏ mâu thuẫn. Tất cả các quá trình từ nỗi xúc động, ăn năn chân thành của người thợ săn, đến việc ông bẻ gãy nỏ, lẳng lặng quay về và từ đó không bao giờ đi săn nữa; việc để chị Ngàn thổ lộ lí do khiến mình thực hiện một điều ước không giống ai, đến sự cảm phục của “tôi” trước tấm lòng của chị để rồi thích thú nghĩ về điều ước mình sẽ thực hiện trong đêm rằm tháng giêng năm sau được xem là phần mở nút. Sau những sự kiện của hai phần này, xung đột, mâu thuẫn của hai truyện không còn nữa.

Những phần kết thúc của các tác phẩm cụ thể cũng hết sức đa dạng. Có kết thúc đánh dấu sự giải quyết trọn vẹn xung đột được miêu tả trong tác phẩm (thường gặp nhất trong các truyện cổ dân gian, truyện Nôm,…) Lại có kết thúc tuy đánh dấu sự xoá bỏ xung đột, xác định tính cách và số phận của nhân vật, nhưng mâu thuẫn vẫn có thể tiếp tục căng thẳng hoặc chưa bị xoá bỏ hoàn toàn (chẳng hạn, kết thúc của hai truyện ngắn Tí bụi và Ả ìa âu? của Quế Hương).

Ngoài các thành phần trên, cốt truyện có thêm phần “vĩ thanh” hay “đoạn kết”, “hậu sử” bổ sung cho phần mở nút kể về những việc xảy ra trong tương lai hay bình luận về sự kiện đã xảy ra như trường hợp hai truyện dài Một thiên nằm mộng và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Trong Một thiên nằm mộng, đoạn kết chính là câu thần chú về những giọt sương – những điều ước mang hình trái tim bé thơ, tinh khiết gợi liên tưởng về một thế giới trẻ em hồn nhiên, quen thuộc nhưng cũng rất cổ tích, diệu kì. Ở Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, đó là những liên tưởng thơ ngây nhưng đầy thú vị của nhân vật – người kể chuyện xưng “Tôi” về trẻ em – những vì sao không ngừng lấp lánh trên tấm thảm bầu trời khi hằng đêm cậu bé “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa “nhìn” ra khu vườn tưởng tượng”. Trong các truyện ngắn đương đại, thậm chí người viết còn “lắp ghép” vào tác phẩm cả phần “lời rao” và “lời bạt” như Sự tích những ngày đẹp trời, Nhân Sứ (Hoà Vang), Trương Chi của tôi (Bão Vũ)…

Cốt truyện không nhất thiết bao giờ cũng đầy đủ các thành phần như trên và cũng không nhất thiết phải trình bày theo một thứ tự sau trước như vậy. Có truyện không có mở đầu. Có truyện dường như không có đỉnh điểm và mở nút như Miệt vườn xa lắm của Dạ Ngân, Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen của Lý Lan. Lại có truyện mở đầu bằng cách đặt người đọc vào chính giữa dòng chảy của quá trình phát triển của truyện như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Huyền thoại biển, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,… chẳng hạn. Có truyện lại có hình thức lồng ghép “truyện trong truyện” như trong Những tấm lòng cao cả, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ,… Sự trình bày như thế nào còn tuỳ thuộc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả thông qua kết cấu cốt truyện và kết cấu tác phẩm.

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 2)