Michelle Worley, giám đốc trung tâm y tế và trị liệu rối loạn giấc ngủ Aeroflow Sleep (North Carolina, Mỹ), giải thích thuật ngữ “cú đêm” mô tả những người có nhiều năng lượng hơn vào ban đêm và tỉnh giấc muộn vào ban ngày, giống như những con cú chuyên hoạt động vào ban đêm. Từ “chim sớm” có nguồn gốc từ câu tục ngữ “con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu”, chỉ người thích dậy sớm và thường ngủ sớm vào buổi tối.
Những người có thói quen sinh hoạt “chim sớm” thường mang các đặc điểm: đi ngủ sớm, thức dậy sớm, thấy bản thân tràn đầy năng lượng và hoạt động tốt nhất vào đầu ngày, thấy cạn năng lượng, mệt mỏi vào cuối ngày và buổi tối. Đặc biệt là những người này không thể thức quá khuya.
Theo nguyên tắc chung, nhóm người này sẽ dễ thích nghi với xã hội hơn so với “cú đêm”. Những người dậy sớm dễ dàng điều chỉnh lịch trình, vốn là tiêu chuẩn ở hầu hết các nơi làm việc hiện nay.
Theo nghiên cứu được công bố năm 2012 của Hiệp hội tâm lý Mỹ (APA) những “chim sớm” có mức độ cảm xúc tích cực cao hơn. Đặc biệt, các chỉ số hạnh phúc và cảm xúc tích cực thuờng dễ xuất hiện nếu thói quen ngủ phù hợp, giúp họ dễ dàng hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, những người này lại gặp khó khăn để theo đuổi và duy trì các mối quan hệ xã hội nếu đi ngủ quá sớm.
Trái ngược với “chim sớm”, những “cú đêm” có đặc điểm rất dễ nhận biết như: thức khuya, thích ngủ nướng, cảm thấy bản thân hoạt động tốt nhất vào thời gian cuối ngày, có nhiều năng lượng hơn vào ban đêm, mệt mỏi khi phải dậy sớm…
Một nghiên cứu năm 2019 của các chuyên gia thuộc Đại học Y Harvard cho thấy “cú đêm” có thể gặp phải các vấn đề về sức khoẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần và các vấn đề về trao đổi chất.
Nhưng không phải lúc nào “cú đêm” cũng xấu. Nhiều nghệ sĩ, nhà văn, chuyên gia sáng tạo nhận thấy bản thân có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất vào ban đêm. Điều quan trọng là cơ thể phải được ngủ đủ giấc để có thể duy trì sức khoẻ tốt.
Điều gì quy định con người trở thành “chim sớm” hay “cú đêm”?
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tâm lý châu Âu (EJP) năm 2020 gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân khiến bạn thích bình minh hay hoàng hôn. Ngoài ra, đồng hồ sinh học của cơ thể cũng quy định thói quen ngủ.
Nghiên cứu cho thấy những người có tham vọng, nhiều động lực thường hoạt động tích cực vào đầu ngày. Nhưng điều này không có nghĩa đặc điểm tính cách là nguyên nhân quy định một người dậy sớm hay muộn. Đôi khi họ có thể tự tập thói quen dậy sớm theo yêu cầu của xã hội để đạt thành công.
Một nghiên cứu khác vào năm 2020 cho thấy nhưng người dậy sớm có xu hướng hoạt động thể chất nhiều hơn, trong khi “cú đêm” thường ít hơn, đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên, các tác giả lại không đưa ra kết luận nào về nguyên nhân – kết quả giữa hai vấn đề này.
Bạn thuộc kiểu người nào?
Cách dễ dàng nhất để tìm ra thói quen ngủ của bản thân là không dùng đồng hồ báo thức và xem cơ thể sẽ tự thức dậy vào lúc nào. Nếu ít khi cảm thấy buổn ngủ cho đến quá nửa đêm, bạn là “cú đêm”. Còn bạn hay uể oải, buồn ngủ ngay khi mặt trời lặn, không thích ngủ nướng kể cả khi rất muốn thì có lẽ bạn là “chim sớm”. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2012 gợi ý rằng hầu hết chúng ta nằm giữa hai kiểu người này.
Liệu “cú đêm” có thể biến đổi thành “chim sớm”?
Theo một nghiên cứu năm 2021 về các gene điều khiển đồng hồ sinh học của cơ thể thì con người vẫn có thể kiểm soát được thói quen ngủ. Worley giải thích, thay đổi thói quen ngủ là một quá trình chuyển đổi khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm. Mấu chốt để thành công là phải thay đổi theo từng bước nhỏ. Ngoài ra, thói quen ngủ cũng có thể thay đổi khi già đi. Theo đó, khi bước vào độ tuổi trung niên, con người có thể dậy sớm hơn.
Dù bạn là “cú đêm” hay “chim sớm”, điều quan trọng nhất là giấc ngủ của bạn có đảm bảo về thời gian và chất lượng hay không.
Minh Phương (Theo Healthline)
- Vì sao ngủ khỏa thân lại tốt?
- Làm gì để buổi sáng không ‘ngáp ngắn ngáp dài’?
- 4 mẹo chống ‘ăn gian giấc ngủ’
- Những cách ‘bất thường’ khiến bạn ngủ ngon hơn
- Những lợi ích của việc đi ngủ trước 22h
- Tình dục và giấc ngủ