Rubik 2×2 (Rubik bỏ túi) là phiên bản nhỏ hơn và dễ hơn so với khối 3×3 cổ điển mà ta thường thấy. Mặc dù vậy, việc giải mà không xem qua bất kỳ hướng dẫn nào vẫn là một thử thách lớn.
Giới thiệu về Rubik 2×2
Rubik 2×2, hay còn được gọi là Pocket Cube (Rubik bỏ túi) hoặc Mini Cube, là phiên bản hai tầng của Rubik 3×3. Món đồ chơi này được phát minh bởi Erno Rubik trước thập niên 80 và được cấp bằng sáng chế vào ngày 29 tháng 3 năm 1983. Câu chuyện về Rubik 2×2 nổi tiếng với vụ kiện tụng bằng sáng chế của hai bên Ideal Toy Comapany và Moleculon Research Corp.
Một khối Rubik bỏ túi có thể giải quyết bằng các phương pháp tương tự như khối 3×3, tuy nhiên công thức sử dụng thường ngắn gọn và nhanh hơn đáng kể. Nó cũng là một bộ môn chính thức của WCA, thành tích tốt nhất hiện nay thuộc về Maciej Czapiewski (người Ba Lan) với 0,49 giây.
Cấu tạo của Rubik 2×2
Tuy cấu tạo đơn giản chỉ gồm 8 góc duy nhất, nhưng Rubik 2×2 vẫn có hơn 3.674.160 trạng thái có thể xảy ra. Do vậy, việc tự “mò mẫm” vẫn rất khó khăn nếu không có hướng dẫn.
Rubik 2×2 có thể áp dụng được một phần nhỏ các thuật toán tương tự như trên 3×3. Ví dụ: OLL, PLL,… Điều này có nghĩa rằng, sau khi hoàn thành tầng 1, bạn hoàn toàn có thể sử dụng OLL để lật góc và PLL để hoán vị.
Các biến thể Rubik 2×2
Kể từ năm 1981, rất nhiều biến thể và mod hình dạng của Rubik 2×2 được sản xuất. Một số được kết hợp với các dạng biến thể khác, một số chỉ thay đổi hình dạng bên ngoài nhưng thực chất vẫn là dạng lập phương 2×2.
Kilominx – phiên bản dễ dàng hơn của Megaminx
Dạng đồ chơi 2×2 thú vị được làm từ đồ ăn.
Kí hiệu và quy ước khi giải Rubik 2×2
Trước khi bắt đầu đi vào hướng dẫn chi tiết, hãy chắc chắn rằng bạn đã biết các kí hiệu và quy ước xoay. Rubik 2×2 và 3×3 đều có các kí hiệu hoàn toàn giống nhau, chúng cùng có 6 mặt, cùng chữ cái quy ước, chỉ duy nhất 2×2 là không có chuyển động lớp giữa (M, E, S) mà thôi.
Để diễn đạt cho một thao tác xoay hoặc một chuỗi các vòng xoay bằng cách viết, có một số chữ cái được thống nhất nhằm xác định chính xác di chuyển cần thực hiện. Có 6 chữ cái cơ bản, mỗi chữ cái tượng trưng cho 6 mặt của khối Rubik, bao gồm:
- F (Front): mặt trước (đối diện với người giải)
- B (Back): mặt sau
- R (Right): mặt phải
- L (Light): mặt trái
- U (Up): mặt trên
- D (Down): mặt dưới (đối diện với mặt trên)
– Một chữ cái in hoa được hiểu là xoay 1/4 mặt tương ứng (90°) theo chiều kim đồng hồ ↻.
Ví dụ: R là xoay 1/4 mặt phải theo chiều kim đồng hồ.
– Một chữ cái in hoa và theo sau nó có dấu nháy đơn (‘) được hiểu là xoay 1/4 mặt tương ứng (90°) theo chiều ngược kim đồng hồ ↺.
Ví dụ: R’ là xoay 1/4 mặt phải theo chiều ngược kim đồng hồ.
>> Tham khảo: Tổng hợp các kí hiệu Rubik và quy ước khi chơi.
Hướng dẫn cách giải Rubik 2×2 cho người mới
Nếu bạn biết giải 3×3 cổ điển thì có nghĩa rằng bạn đã biết luôn cả cách giải Rubik 2×2 rồi đấy. Rubik 2×2 thực chất là một khối 3×3 thông thường không có các cạnh và mảnh trung tâm (phần cố định). Vì vậy, về cơ bản, việc giải Rubik 2×2 sẽ giống hệt như chỉ giải các góc của 3×3 mà thôi.
Hướng dẫn cách giải Rubik 2×2 dành cho người mới bao gồm 3 bước sau:
Bước 1: Giải tầng đầu tiên
Bước này tương tự như bước 2 của phương pháp giải 3×3 cho ngưới mới. Đầu tiên, bạn hãy chọn một mặt để cố gắng giải quyết trước (trong ví dụ này tôi sẽ chọn mặt trắng).
Mục tiêu là hoàn thành mặt màu trắng, trong khi các mặt bên của từng mảnh cũng phải khớp với nhau.
Dưới đây là 3 trường hợp cơ bản giúp bạn giải quyết một mảnh góc mà không làm hỏng các góc khác:
F D F’
R’ D’ R
R’ D2 R D R’ D’ R
Hai trường hợp khác, khi bạn đã có mảnh góc nằm ở đúng vị trí nhưng mặt trắng lại sai hướng. Hãy đẩy nó xuống tầng hai và áp dụng công thức giống như 3 trường hợp trên.
F D F’ D’ -> R‘ D2 R D R’ D’ R
F D F’ D’ -> F D F’
Bước 2: Đưa các viên góc về đúng vị trí
Sau khi giải tầng đầu tiên, hãy lật khối Rubik xuống để màu trắng trở thành mặt đáy.
Mục tiêu trong bước này là đưa 4 viên góc ở tầng trên về đúng vị trí mà chưa cần đúng hướng. Vậy như nào là “đúng vị trí” ?? Hãy theo dõi hình dưới nhé.
Như bạn thấy trong hình, viên góc có 3 màu vàng-xanh dương-cam (khoanh đỏ) được gọi là đúng vị trí. Lý do là nó đã gồm 3 màu của 3 mặt xung quanh, chỉ là chưa đúng hướng mà thôi.
–
Tiếp theo, bạn quan sát xem tầng trên đã có bao nhiêu viên góc nằm ở đúng vị trí, rồi áp dụng một trong ba trường hợp dưới đây (viên góc đúng vị trí được bôi đỏ):
Trường hợp 1: Có một góc nằm đúng vị trí, bạn cầm sao cho giống hình rồi thực hiện công thức: (U R U’ L’) (U R’ U’ L). Công thức này có tác dụng hoán vị 3 góc còn lại theo chiều ngược kim đồng hồ. Trường hợp 2: Có 2 góc kề nhau đúng vị trí, 2 góc còn lại cần hoán đổi cho nhau. Thực hiện công thức sau để hoán vị (tráo đổi) 2 góc kề: L F’ L’ D’ L’ D F. Trường hợp 3: Có 2 góc chéo nhau đúng vị trí, 2 góc chéo còn lại cần hoán đổi cho nhau. Thực hiện công thức sau để hoán vị 2 góc chéo: F L F L’ D’ L’ D.
Bước 3: Định hướng các góc
Như vậy là 4 góc tầng trên đều đã nằm đúng vị trí, ta chỉ cần định hướng lại chúng là xong cách giải Rubik 2×2. Trong bước này, bạn sẽ cầm cục Rubik trong tay sao cho viên góc chưa được định hướng nằm ở vị trí trước-phải-trên (FRU) rồi thực hiện công thức: R ‘D’ R D (2 hoặc 4 lần).
Sau khi định hướng một viên góc xong, cục Rubik của bạn sẽ trông như rối tung lên nhưng đừng lo lắng. Hãy xoay U hoặc U’ để đưa viên các góc còn lại chưa được định hướng vào vị trí FRU và lặp lại công thức trên. Cứ làm như vậy cho đến khi khối Rubik 2×2 của bạn được giải hoàn toàn.
Một vài ví dụ:
(R ‘D’ R D) x4 U ‘(R’ D ‘R D) x2 (R ‘D’ R D) x2 U ‘(R’ D ‘R D) x4 (R ‘D’ R D) x2 U ‘(R’ D ‘R D) x2 U’ (R ‘D’ R D) x2
Chúc bạn thành công !