08-02-2018
Hạ đường huyết thường xảy ra với những người bị tiểu đường nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ ai, dù người đó đã rất cẩn thận trong việc kiểm soát đường huyết. Bệnh thường gặp ở người bệnh tiểu đường đang được điều trị bằng cách bổ sung Insulin hay tự ý uống thuốc đặc trị tiểu đường không theo chỉ định của bác sĩ. Chứng hạ đường huyết có thể là tác dụng phụ trong quá trình điều trị các bệnh khác, do thiếu Hormone hoặc có khối u trong cơ thể.
Hạ đường huyết là bệnh gì?
Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp. Cơ thể hấp thụ đường qua các thức ăn có nhiều Carbohydrates như gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây, và các loại đồ ngọt. Đường tích trữ trong gan và mô dưới dạng glucogen và sẽ được phân hóa thành glucose để tạo năng lượng cho cơ thể.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hạ đường huyết?
Các triệu chứng của hạ đường huyết do tiểu đường bao gồm run rẩy, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi và cảm thấy đói; tim đập nhanh, thị lực giảm, cáu gắt và da tái nhợt. Do đường cung cấp năng lượng cho cơ thể nên người bị hạ đường huyết thường cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Trong trường hợp đường huyết giảm đột ngột sẽ gây ngất xỉu, động kinh nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê.
Nguyên nhân gây ra bệnh hạ đường huyết?
Hạ đường huyết do tiểu đường xảy ra khi lượng hormone Insulin và Glucagon điều tiết trong máu bị mất cân bằng. Tác nhân gây ra sự mất cân bằng Hormone có thể là: • Sử dụng quá nhiều Insulin hoặc thuốc tiểu đường khác; • Không ăn đủ hoặc đợi quá lâu giữa các bữa ăn (như qua một đêm); • Tập thể dục mà chưa ăn đầy đủ; • Không ăn đủ lượng đường bột cần thiết; • Chế độ ăn kiêng không hợp lý; • Uống nhiều rượu bia gây mất cân bằng nội tiết.
Xử trí hạ đường huyết:
- Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường, trà đường (200ml), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Ở bệnh nhân tiểu đường, khi được điều trị bằng Insulin, phải tiêm thuốc vào trước bữa ăn 1-2 giờ. Nếu sau khi tiêm insulin thấy người khó chịu, bủn rủn thì ăn một ít đường.
- Trường hợp nghi ngờ có khối u tụy cần làm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, siêu âm nội soi… để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
- Nếu hạ đường huyết nặng trong tình trạng hôn mê: cần tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 20 hoặc 30% hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5% hoặc 10%. Nếu có thể tiêm dưới da 1 mg Glucagon.
Phòng bệnh hạ đường huyết
- Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.
- Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh tiểu đường. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác…
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế
- Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khoẻ.
- Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.