Giày là một phụ kiện không thể thiếu với nam giới trong mọi hoàn cảnh dù đi chơi, đi làm, … Nhưng có bao giờ, bạn để ý đến phần đế giày trông như thế nào không? Hiện nay, có rất nhiều loại đế khác nhau với tính chất riêng phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Coolmate điểm qua các loại đế giày và cách chọn để giúp việc di chuyển được êm ái và dễ chịu hơn nhé.
1. Đế giày Commando
Đế Commando hay đế Lugged là kiểu đế cao su kinh điển dành cho hiking boots (giày đi bộ đường dài) và work shoes (giày đi làm). Điểm đặc trưng của Commando so với các loại đế giày khác là những dấu lồi giày hình dấu cộng.
Bên cạnh đó, đế Commando được biết đến với khả năng chống chịu thời tiết nhờ độ bám và bề mặt chắc chắn. Loại đế này cũng dày và nặng hơn bình thường nên những đôi giày sẽ trông cồng kềnh hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn một đôi giày nhẹ thì nên chọn loại đế khác thay vì Commando.
Đây là kiểu đế giày được phát minh bởi Vitale Bramante sau khi 6 người bạn của ông đã chết trong một tai nạn leo núi vào năm 1935. Lúc ấy, ông nghĩ cái chết của họ là do không trang bị một đôi giày bám chắc chắn. Sau này mọi người thường biết đến công ty làm đế giày nổi tiếng khắp thế giới Vibram chính là của ông.
2. Đế giày Cork Nitrile
Cork Nitrile là sự kết hợp giữa bột gỗ từ vỏ cây sồi và cao su. Vậy nên, loại đế này sẽ nhẹ hơn đế cao su thông thường mà không làm giảm đi độ bền của giày. Đế giày Cork Nitrile thường trơn láng nên không hay bị bẩn hay dính cát bụi, kể cả tuyết và băng đá.
Tuy nhiên, đây vừa là ưu điểm cũng như nhược điểm của đế Cork Nitrile. Do bề mặt trơn, ma sát kém nên bạn không nên sử dụng giày có đế này vào những ngày thời tiết ẩm ướt, có mưa hay trong các hoạt động có địa hình dốc, trơn trượt.
3. Đế giày Rubber
Rubber là đế cao su được sử dụng rất nhiều trong hàng trăm năm qua. Đế Rubber cực kỳ bền nên bạn có thể đeo chúng trong bất kỳ thời tiết nào. Hơn nữa, loại đế này có khả năng chống nước nên bạn sẽ không phải lo lắng về việc nước thấm vào giày trong những ngày mưa gió.
Đế Rubber là ý tưởng tuyệt vời cho winter boots (ủng mùa đông), hiking boots (giày đi bộ đường dài) và work boots (ủng bảo hộ lao động) – đối với những người có công việc yêu cầu làm việc trong nước nhiều giờ. Nhược điểm lớn nhất của loại đế giày này là có xu hướng bị nứt khi đeo thường xuyên trong một thời gian dài.
4. Đế giày Crepe
Crepe là loại đế giày làm từ cao su lấy trực tiếp từ nguồn mủ trên cây cao su được cô đặc tại chỗ. Ngày nay, người ta không dùng cách này để tạo ra đế crepe nữa mà phần lớn crepe đều được pha trộn. Đế Crepe thường có màu vàng như sữa đặc, có kết cấu nhăn, hơi dính và lúc đi thì khá nặng.
5. Đế giày Christy/Wedge
Được mệnh danh là biểu tượng trong bảo hộ lao động vào giữa thế kỷ 21, không quá bất ngờ khi Wedge là một trong các loại đế giày phổ biến nhất hiện tại. Chúng ta thường thấy loại đế này trên những đôi boots của Red Wing với thiết kế bám đường tốt, chống trơn trượt nhưng khá nhẹ.
(Ảnh: Anhrua.net)
Bên cạnh đó, đế Wedge còn làm tăng thêm vài cm cho những chàng trai có chiều cao khiêm tốn. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là không bền và dễ bị hư hỏng theo thời gian.
6. Đế giày Leather
Có thể nói, Leather là phiên bản lâu đời và cổ điển nhất trong tất cả các loại đế giày. Đây là chất liệu cao cấp giúp mọi đôi giày tây trở nên tinh tế và sang trọng hơn bao giờ hết. Cho dù ra đời từ rất lâu nhưng lớp đế da luôn tạo cho đôi giày một kiểu dáng đẳng cấp, thời thượng mà không hề lỗi thời. Đây cũng là nguyên nhân khiến giày da có đế Leather rất đắt giá và chỉ để sử dụng cho các sự kiện lớn.
Nhược điểm duy nhất của chúng là khả năng chống thấm nước kém. Chỉ cần đi vài km trong đường băng tuyết có thể làm hỏng đôi giày da đế Leather ngay lập tức. Mặc dù, ngày nay, những nhà làm giày đã kết hợp thêm phần cao su trên phần đế da để khắc phục điều này nhưng bạn vẫn phải bảo quản cẩn thận nếu sở hữu giày đế Leather.
7. Đế giày Dainite
Đế Dainite có “cùng họ” với Commando nhưng lại có phần thẩm mỹ và tinh tế hơn. Dainite là dạng đế cao su được xử lý theo công nghệ của Anh Quốc, với thiết kế u như đinh tán. Vậy nên, loại đế này bền chắc, đem lại cảm giác êm ái khi chuyển động. Đế Dainite được sử dụng rất nhiều cho những đôi giày dress (lịch sự) hay bụi bặm như combat boots, work boots và cá tính.
Đặc biệt, trong những ngày thời tiết ẩm ướt, giày có đế Dainite là sự lựa chọn vô cùng lý tưởng đấy nhé. Điểm trừ của đế giày Dainite là phần keo dính bền có ảnh hưởng đôi chút đến sự tinh tế của tổng thể đôi giày. Hiện nay, các nhà thiết kế đã cải tiến rất nhiều để làm mờ viền keo hoặc che đi hoàn toàn nó.
8. Đế giày Raw Cord
Trong thời kỳ chiến tranh Thế Giới thứ 2, cao su không đủ cho nhu cầu sản xuất hàng triệu đôi giày boots chuyên dụng. Do đó, người thợ giày đã nghĩ ra cách là làm chảy vỏ (lốp) xe, hòa trộn với những dây sợi kết cấu nylon để tạo nên đế giày Raw Cord.
Nhờ sự bền chắc cũng như khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết tốt nên Raw Cord trở thành một trong các loại đế giày được yêu thích nhất thời điểm hiện tại.
9. Đế giày Ridgeway
Ridgeway hay còn gọi là đế xuồng, là một biến thể của đế cao su. Đúng như tên gọi, loại đế này có các rãnh lớn nhỏ đan xen tạo nên sự ổn định và chắc chắn cho người mang. Không những thế, đế ridgeway cũng rất bền và có thể đi trong mọi môi trường, kể cả những nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Và lợi thế của đế xuồng với một số loại đế giày khác là nhẹ và thoải mái. Vậy nên, Ridgeway được coi là một trong các loại đế giày phổ biến hiện tại.
10. Đế giày Polyurethane
Polyurethane là kiểu đế giày làm từ vật liệu polyme hữu cơ có đặc tính cơ học lâu dài. Đặc trưng của loại đế này là bền, chống trơn trượt và chống thấm nước tốt. Vì vậy, Polyurethane được sử dụng cho các loại giày như walking shoes (giày đi bộ), jogging shoes (giày chạy bộ) và safety shoes (giày bảo hộ lao động). Không những thế, giày có đế Polyurethane cũng có giá thành phải chăng nên phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
11. Đế giày ABS
Trong thời gian gần đây, đế giày ABS càng ngày càng phổ biến vì những đặc tính độc đáo và riêng biệt của chúng. ABS dẻo dai, bền đẹp, có khả năng chống mài mòn và tăng độ ổn định cho người mang. Nếu bạn muốn đôi giày sử dụng được lâu dài thì nhất định phải lựa chọn đế ABS.
Điểm trừ của loại đế này là khả năng chống chịu thời tiết kém, tức là chúng không thể chịu được nhiệt độ cao hoặc nóng. Vì vậy, bạn nên sử dụng giày đế ABS trong những ngày thời tiết mát mẻ và khô ráo để có được trải nghiệm tốt nhất.
12. Đế giày TRP
Đế TRP được làm từ cao su nhiệt dẻo. Các nhà sản xuất đã tạo ra chất liệu này bằng cách đúc và trộn các hạt cao su từ nguyên liệu thô ở dạng rắn. Loại đế giày này nổi tiếng với khả năng chống trơn trượt cực tốt và chống được sự gãy vỡ ở nhiệt độ thấp.
Tuy nhiên, đế TRP khi mang lại không thoải mái bởi chúng hơi cứng và dễ gây đau chân. Vậy nên, nếu bạn phải hoạt động lâu ở ngoài trời hay làm việc, … thì không nên chọn đôi giày có đế TRP nhé.
13. Đế giày EVA
Thực ra, EVA là một loại Polyme có đặc tính giảm sốc tự nhiên. Đế EVA có độ co giãn, cực kỳ nhẹ và linh hoạt. Vì vậy, rất nhiều thương hiệu sử dụng chúng để sản xuất đế giày, nhất là giày công sở cho cả nam và nữ.
14. Đế giày PVC
Nói về các loại đế giày phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay không thể không nhắc tới PVC. Chất liệu Polyme được hòa trộn với các thành phần khác nhau để tạo nên chất liệu có thuộc tính đa dạng theo yêu cầu của vật liệu đế.
Đặc biệt, đế được làm từ PVC có nhiều ứng dụng trong việc sản xuất giày thể thao. Về ưu điểm, đế PVC có độ bền tốt, chống nước và độ chống trơn phụ thuộc vào hàm lượng chất dẻo hóa. PVC cũng là chất liệu làm đế có giá thành rẻ hơn nhiều so với vật liệu khác.
15. Đế giày BPU
Loại đế này làm từ chất liệu Polyurethane cải tiến và thân thiện với môi trường. Đế BPU là một trong các loại đế giày cứng nhất hiện nay và có khả năng chống chịu thời tiết tuyệt vời. Đương nhiên, với ưu điểm này, đây là kiểu đế giày rất thích hợp với các hoạt động ngoài trời hay những nơi có địa hình hiểm trở, …
16. Đế giày PU
Có thể nói PU là chất liệu làm đế năng động và được yêu thích nhất hiện nay. Đế PU rất bền và nhẹ cũng như khả năng chống trơn trượt tốt. Đế giày PU được chia thành 2 loại chính là PU Polyester và Polyether. Trong đó, đế giày làm từ PU Polyester có độ bền cao hơn đế giày làm từ PU Polyether.
Làm thế nào để chọn đế giày phù hợp nhất?
Chắc hẳn bạn đang tự hỏi rằng, trong các loại đế giày mà chúng mình đã liệt kê, loại nào là tốt nhất phải không? Thực ra, rất khó để đánh giá xem đâu là kiểu đế giày tuyệt vời nhất. Tùy thuộc vào sở thích, hoàn cảnh cũng như mục đích sử dụng mà bạn sẽ lựa chọn đế giày phù hợp nhất.
Mặc dù vậy, nếu bạn sử dụng giày thường xuyên, vận động hay di chuyển nhiều thì hãy ưu tiên lựa chọn các đôi giày có đế được làm từ cao su nhé. Đế cao su có đặc trưng là nhẹ, êm nên giúp quá chuyển đi lại nhẹ nhàng, đồng thời tránh bị đau chân. Ngoài ra, đế cao su cũng khá bền bỉ nên hạn chế được tình trạng mài mòn.
Còn với những anh chàng công sở, bạn hãy lựa chọn các loại đế giày da nhẹ và có tính thẩm mỹ cao như Leather, Raw Cord hay Dainite, …
Lời kết,
Một đôi giày tốt cần có phần đế phù hợp với hoàn cảnh và mục đích sử dụng. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về các loại đế giày phổ biến hiện nay và chọn lựa sao cho thật hợp lý nhé.
>>> Xem thêm:
- Giày Sneaker và cách phân biệt các loại giày Sneaker chính hãng
- Top 4 mẫu giày da thể thao nam đẹp nhất 2021 và cách phối đồ cực chất