Toán học lớp 3 cung cấp kiến thức về các đơn vị đo độ dài. Đối với các bé ở lứa tuổi này, khả năng ghi nhớ các đơn vị đo lường còn chưa thành thạo, rất dễ nhầm lẫn các đơn vị đo với nhau vì kí hiệu của chúng khá giống nhau. Vậy làm thế nào để giúp các con ghi nhớ được tất tần tật các đơn vị đo lường, dưới đây là tổng hợp bảng đơn vị đo độ dài cùng vài mẹo giúp các con ghi nhớ siêu nhanh, cách đổi đơn vị đo lường trong nháy mắt.
Đơn vị đo độ dài là gì?
- Đơn vị: là đại lượng dùng để đo, tính toán trong nhiều lĩnh vực: toán, vật lí, hóa và các lĩnh vực khác trong đời sống.
- Độ dài: là khoảng cách giữa hai điểm, tính từ điểm này sang điểm khác.
- Đơn vị đo độ dài: là đại lượng dùng để đo khoảng cách giữa hai điểm, thông qua đó so sánh độ lớn giữa các độ dài khác nhau.
Một đơn vị đo chiều dài là một đơn vị chuẩn (thường không đổi theo thời gian) để làm mốc so sánh về độ lớn cho mọi chiều dài khác.
Bảng đơn vị đo độ dài là gì?
Bảng đơn vị đo độ dài là phần kiến thức nền cần ghi nhớ để có thể áp dụng các bài toán đo độ dài hay đổi đơn vị độ dài nhanh nhất. Gồm những đơn vị đo độ dài cơ bản, phổ thông hiện nay.
Các con được học về bảng đơn vị đo độ dài trong chương trình toán lớp 3, lớp 4. Đối với toán lớp 5 bảng đơn vị đo độ dài là kiến thức tổng hợp và nâng cao hơn vì khi đó, các con đã ghi nhớ và thuần thục trong cách chuyển đổi đơn vị.
Kiến thức về đơn vị đo độ dài trong chương trình toán tiểu học:
Đây là thống kê và nhắc lại các nội dung kiến thức về bảng đơn vị đo lường ở các khối lớp tiểu học để phụ huynh và học sinh tiện tra cứu:
- Bảng đơn vị đo độ dài lớp 2: làm quen với đơn vị đo độ dài là đề-xi-mét (dm) và xen-ti-mét (cm), cách đổi 2 đơn vị này trong phạm vi 100
- Bảng đơn vị đo độ dài lớp 3: gồm đầy đủ bảng đơn vị đo độ dài gồm 7 đơn vị: km, hm, dam, m, dm, cm, mm, cách đổi các đơn vị
- Bảng đơn vị đo độ dài lớp 4: làm quen với bảng đơn vị đo diện tích gồm 2 đơn vị: km2 (ki-lô-mét vuông), m2(mét vuông)
- Bảng đơn vị đo độ dài lớp 5: Toán lớp 5, bảng đơn vị đo độ dài diện tích được bổ sung thêm 5 đơn vị: hm2, dam2, dm2, cm2, mm2. Tổng hợp các bảng đơn vị đo lường và luyện tập cách đổi xuôi, ngược các loại đơn vị đo.
Trong bài viết này, chúng ta tập trung vào kiến thức về bảng đơn vị đo độ dài toán lớp 3.
Cách đọc đơn vị đo độ dài
Học và ghi nhớ các đơn vị đo độ dài cần có những kinh nghiệm và cách ghi nhớ logic nhất có thể, bởi rất dễ nhầm lẫn khi ta tiến hành đổi từ đơn vị này sang đơn vị khác. Đây là mẹo học các đơn vị đo độ dài một cách nhanh chóng, đơn giản và dễ hiểu nhất.
Sắp xếp các đơn vị đo độ dài từ lớn đến bé như sau:
- Đơn vị đo độ dài lớn nhất là Ki-lô-mét (km).
- Đơn vị liền sau Ki-lô-mét (km) là Héc-tô-mét (hm).
- Đơn vị liền sau Héc-tô-mét (hm) là Đề-ca-mét (dam)
- Đơn vị liền sau Đề-ca-mét (dam) là Mét (m).
- Đơn vị liền sau Mét (m) là Đề-xi-mét (dm).
- Đơn vị liền sau Đề-xi-mét (dm) là xen-ti-mét (cm)
- Đơn vị liền sau Xen-ti-mét (cm) là Mi-li-mét (mm)
Ta được thứ tự các đơn vị như sau: km > hm > dam > m > dm > cm > mm
Cách học thuộc bảng đơn vị đo độ dài nhanh nhất
Để học thuộc bảng các đơn vị đo độ dài nhanh nhất, các bậc phụ huynh và các bé có thể sử dụng các phương pháp dưới đây:
Phương pháp 1: Phổ nhạc cho cách đọc đơn vị đo độ dài ở phía trên. Khi có giai điệu, khả năng các con ghi nhớ sẽ tăng nhanh gấp 20 lần việc học vẹt, học chay.
Phương pháp 2: Chơi trò chơi: Tìm đáp án đúng. Các bậc phụ huynh viết 3 cặp đơn vị đo độ dài theo thứ tự đúng và sai, các con sẽ tìm ra đâu là phương án chính xác và sửa lại các trường hợp sai cho đúng. Với trò chơi này, các con sẽ có cảm giác mình đang được chơi, không bị căng thẳng, khi đó hứng thú hơn với việc học tập, khả năng ghi nhớ cũng tăng.
Phương pháp 3: Trong các sinh hoạt thường ngày, các bậc phụ huynh có thể hỏi các bé về độ dài các vật dụng quen thuộc trong gia đình và hướng các con chuyển đổi độ dài đó sang các đơn vị đo lường đã được học. Đây cũng là phương pháp tăng hứng thú cho các con mà nhiều gia đình đang áp dụng.
Mẹo đổi các đơn vị đo độ dài trong tích tắc
Ta có nhận xét sau.
Trong bảng đơn vị đo độ dài: Mỗi đơn vị gấp 10 lần đơn vị liền sau. Mỗi đơn vị bằng 1/10 đơn vị liền trước.
Từ đó, để đổi đơn vị, ta áp dụng 2 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Khi đổi từ đơn vị lớn hơn sang đơn vị bé hơn liền kề, thì nhân số đó với 10.
Ví dụ:
- 1 m = 1 x 10 = 10 dm
- 1 m = 1 x 100 = 100 cm
Ta có: 1 m = 10 dm = 100 cm
Hay ví dụ: 1 km = 10 hm = 100 dam
Nguyên tắc 2: Muốn đổi từ đơn vị bé hơn sang đơn vị lớn hơn liền kề, ta chia số đó cho 10.
Ví dụ:
50cm = 50 : 10 = 5 dm
Khi đổi đơn vị độ dài thì thừa số, số chia không phải là số đo, tức là số 100 trong phép đổi
1m = 1 x 100 = 100cm và số 10 trong phép đổi 50cm = 50 : 10 = 5dm, không phải là số đo, nó không có đơn vị đo.
Các bài tập thực hành về đơn vị đo độ dài toán lớp 3, 4
Dạng 1: Điền số thích hợp vào chỗ chấm (theo mẫu):
Cách làm :
3m 4dm = 30dm + 4dm = 34dm
3m 4cm = 300cm + 4cm = 304cm
Mẫu : 3m 2dm = 32dm
3m 2cm = ………. cm
4m 7dm = ………. dm
4m 7cm = ………. cm
Đáp án:
3m 2cm = 300cm + 2cm= 302 cm
4m 7dm = 40dm + 7dm = 47dm
4m 7cm = 400m + 7 cm = 407cm
Dạng 2: Tính :
8dam + 5 dam = ……………….
57hm – 25hm = ……………….
12km × 4 = ……………….
8dam + 5 dam = ……………….
27mm : 3 = ……………….
Đáp án:
8dam + 5 dam = 13 dam
57hm – 25hm = 32dam
12km × 4 = 48km
8dam + 5 dam = 13dam
27mm : 3 = 9mm
Dạng 3: Điền “>, <, =” vào chỗ chấm :
6m 3cm …. 7m
6m 3cm …. 6m
6m 3cm …. 630cm
6m 3cm …. 603cm
Đáp án:
6m 3cm < 7m (vì 603cm <700cm)
6m 3cm > 6m (vì 603cm >600cm)
6m 3cm < 630cm (vì 603cm<630cm)
6m 3cm = 603cm (vì 603cm=603cm)
Trên đây là toàn bộ thông tin đầy đủ về các đơn vị đo độ dài mà các bé được trong trong chương trình tiểu học, tập trung chủ yếu ở chương trình toán lớp 3.
Bên cạnh kiến thức về các đơn vị đo độ dài, các con còn học thêm nhiều kiến thức khác về đơn vị đo thời gian, đơn vị đo khối lượng, đơn vị đo thể tích ở chương trình toán lớp 3,4,5. Các bậc phụ huynh có thể vận dụng các phương pháp học hiệu quả từ bài viết này tương tự cho các đơn vị đo lường khác. Chúc quý vị phụ huynh và các bé có những giờ học vui vẻ và hiệu quả.