– Cô nữ sinh 21 tuổi chia sẻ mỗi lần tự rạch tay không thấy đau, ngược lại thấy trong lòng nhẹ nhõm, vui vẻ, dễ chịu và… thích.
TS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, khoa vừa điều trị cho một trường hợp mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Bệnh nhân là nữ sinh viên 21 tuổi, đang học ĐH năm 2 tại Hà Nội. Gia đình cho biết, bệnh nhân bình thường rất ngoan, hiền, học giỏi. Cách đây 2 năm, cô gái muốn đi du học nhưng gia đình không đủ điều kiện nên đành gác lại.
Cô gái tự rạch tay vì thấy… dễ chịu
Ước mơ không thành, cô gái quay ra chán nản. Mỗi khi ức chế, cô nảy sinh hành vi rạch tay đến rỉ máu. Nhiều lần gia đình không phát hiện, đỉnh điểm gần đây, nữ sinh này cầm dao lam tự rạch tay 16 nhát, máu chảy từng dòng khiến bố mẹ hốt hoảng chuyển đến BV cấp cứu.
TS Tâm cho biết, khi tâm sự, cô gái chia sẻ, mỗi lần rạch tay như vậy không hề cảm thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ chịu, do đó bệnh nhân cắt liên tục cho… thích.
Sau khi vào viện, dù không cắt tay nhưng bệnh nhân vẫn có những cơn rối loạn tâm lý để gây sự chú ý. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc, sức khoẻ bệnh nhân này đã ổn định và được điều trị tâm lý ngoại trú.
TS Dương Minh Tâm cho biết hội chứng ngược đãi bản thân chủ yếu xuất hiện ở giới trẻ, nhiều nhất trong độ tuổi vị thành niên
Một trường hợp khác đang điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần là bệnh nhi nữ 9 tuổi. Cháu bé thích chơi game và mê đắm với những trò chơi trên mạng, gần như không chú ý đến việc học và các mối quan hệ giao tiếp trong gia đình nên bị bố mẹ cấm.
Bức xúc vì bị thu iPad, bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc mảng lớn và tự cào cấu xước chân tay.
Phát hiện những biểu hiện bất thường, bố mẹ bé đã cho bé tham gia các chuyến dã ngoại, mở rộng giao tiếp nên tình trạng cải thiện dần.
Ngược đãi bản thân
Theo TS Tâm, trẻ vị thành niên dễ mắc hội chứng ngược đãi bản thân nhất. Bệnh nhân tự làm đau về cả thể chất hoặc tinh thần khi căng thẳng, âu lo để gây sự chú ý.
Trái với trầm cảm sau sinh là bệnh lý về tâm thần tái phát theo đợt và dễ nhận biết, hội chứng tự làm tổn thương lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Đôi khi bệnh nhân hành hạ mình chỉ vì những lý do rất đơn giản như bị mắng, bị điểm kém, bị cấm đoán…
“Nhẹ thì nhịn ăn, không giao tiếp với bên ngoài. Ở mức độ nặng hơn là tự làm đau mình, bằng cách rạch tay, rạch chân”, TS Tâm chia sẻ.
Theo thống kê, có khoảng 4% bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần đã tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt, rạch cơ thể. Trong đó tỉ lệ bệnh nhân nữ cao gấp 3 lần nam.
Với những bệnh nhân mắc hội chứng này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm và giải lo âu nếu có các triệu chứng căng thẳng, chán nản, tự ti, cô đơn, đầu óc trống rỗng.
Với các bệnh nhân có nghiện rượu và ma túy thì cần điều trị cai nghiện. Điều quan trọng, phải tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để.
Thúy Hạnh