Tuổi Trẻ trân trọng lược ghi từ 400 ý kiến bạn đọc phản hồi về vấn đề này.
Con trẻ cũng lớn tiếng, hơn thua
+ Có nơi nào người hay “chửi” được tôn lên làm “thánh chửi”! Chửi văn vần và hay hơn hát được cho là tài năng. Kẻ chửi rủa tha hồ tung hứng, vạn người xem lấy làm vui?! Chính những nét văn hóa lệch lạc đó khiến con người quen với những từ ngữ, những cách xử lý thiếu tôn trọng người khác. Mỗi khi trái ý, nóng giận, người ta không biết kiềm chế mà buông vô số lời thóa mạ, hạ nhục người khác, giành phần đúng về mình.
(Minh – trinhcongminh@…)
+ Chuyện gì cũng chửi, cũng hùng hổ, cũng lao vào đấm đá. Không phải dữ, dùng từ đúng là “du côn rơm”. Điều này còn thể hiện sự xem thường pháp luật.
(Trần Y – buildvn@…)
+ Ở Nhật, những đứa trẻ đã học cách hành xử từ nhỏ, sống không làm phiền người khác, khiêm nhường gập mình xin lỗi trước. Điều này được trao truyền qua nhiều thế hệ, trong gia đình, nhà trường, môi trường xã hội, mọi người phải giữ lễ nghĩa với nhau.
Thực ra người Việt chỉ hung hăng vặt, con cái chịu ảnh hưởng từ cha mẹ cứ thế mà tiếp nối. Các bậc cha mẹ hở ra là mắng xa xả vào con mà không biết mình đang tạo ra một bản sao của chính mình.
(ho – hoinqu@…)
+ Tôi dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Có nhiều bé học giỏi nhưng thái độ cư xử kém. Có bé khi chơi trò bị thua thì quay sang đổ lỗi chửi bới những bé khác, có lần em thét vào mặt bé lớn hơn “chị bị điếc à?”, bé kia khóc ngay tại chỗ. Vì bé kia thính giác có hơi yếu thật.
Mọi người bảo người hung hăng chỉ là số ít. Nhưng thật đáng lo, ở môi trường của mình, không ít trẻ cư xử hơn thua từng chút, lớn tiếng với bạn nếu có gì phật ý. Đừng nghĩ chỉ nói ngọt mà có thể uốn nắn được trẻ, ăn kẹo không thể lớn được đâu!
(Linh – yuukra@…)
Thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội
+ Không thể quản lý xã hội kiểu “chuyện nhỏ thông cảm cho nhau”, chúng ta cần quản lý xã hội theo luật pháp chứ không thể kêu gọi người dân hiền lành, đạo đức, tự trọng suông. Không thể nghĩ kẻ trộm chó tội quá nhỏ, tiểu bậy là chuyện thông cảm được, cầm mũ bảo hiểm rượt nhau chuyện có đáng gì!
Rồi “đèn nhà ai nấy sáng”, gia đình người ta đánh nhau mình chớ xía vô… quan niệm đó rất sai. Xin chính quyền chỉnh đốn việc quản lý đất nước, quản lý trật tự xã hội bằng như các nước văn minh.
(Liên Châu – saigonautumn2@…)
+ Một lần chật vật giữa ngã tư kẹt xe, tôi nghe tiếng tài xế xe 16 chỗ vượt lên và tài xế thò đầu ra chửi “Đồ chó!”. Tôi rất sốc. Chỉ vì xe đông, ôtô ấy phải đi chậm sau xe tôi mà tôi bị mắng chửi. Tôi đi khám ở bệnh viện, đang xếp hàng chờ gửi xe, tôi nhích xe lên phía trước xíu để người phía sau có chỗ dừng xe an toàn, người phụ nữ giữ xe lao đến lấy tay đập dồn dập vào đầu xe tôi và quát mắng.
Có lần đi đến ngã tư, xe máy được phép rẽ phải, tôi bật đèn tín hiệu rồi rẽ qua. Một chiếc xe ngược chiều lao đến, suýt va chạm. Còn chưa hết hoảng sợ, tôi đã nghe chú ấy quát một trận.
Đó chỉ là ba trong số hàng trăm việc tôi đã trải nghiệm về “sự hung dữ” của một số người Việt. Tôi nghĩ rằng sự hung dữ ấy được tồn tại và thường xuyên xuất hiện bởi vì quá ít người đồng lòng chống lại nó. Không ít người lớn sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề trước mặt con cháu mình.
(Ng.Uyên – nguyenhuongbctt@…)
+ Gia đình, nhà trường dạy cái tốt cái đẹp nhưng ngoài xã hội còn nhiều cái xấu. Do đó cần thể hiện xã hội luật pháp nghiêm minh thì cái tốt, cái đẹp được dạy từ gia đình, từ nhà trường mới hòa nhập với xã hội được. Đó là cốt lõi của vấn đề nhằm hạn chế tính hung hăng, tính xấu.
(lela – lela@…)
+ Hung dữ thắng thế, hiền lành bị bắt nạt. Pháp luật chưa đủ sức răn đe. Đôi khi vài sự việc, người ta tỏ ra quá nhân từ với những hành vi vi phạm pháp luật, người dân lành có thể cảm thấy không được bảo vệ.
(Ý – nguyenngocnhuyao@…)
+ Va quẹt là cãi nhau, to tiếng để trấn áp người dù mình sai nhè, nhắc nhở va chạm giao thông cũng đâm chết người ta, xem hàng mà không mua là ăn chửi! Nhiều người đang như thế! Hung dữ, tham lam, ngang tàng và rất bất lịch sự. Mối họa của quốc gia còn hơn cả họa ngoại xâm!
(Tran Dan – caovanminhthai@…)
+ Người Việt có hung dữ không? Do đâu? Mọi nguyên nhân, mọi hành vi đã trở thành lối sống, nếp suy nghĩ mỗi khi làm việc, mỗi khi nói chuyện, mỗi khi ra đường… Một xã hội không tự văn minh, không tự thay đổi, không tự chuyển biến theo lối tích cực nếu không có sự giám sát của người dân, và sự thay đổi từ quản lý. Ở đó, tiếng nói của công bằng, lẽ phải được lắng nghe, pháp luật, trật tự chung của xã hội phải được thượng tôn.
(thanhdien0101@…)