Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu | Vinmec

  • Glu (Glucose): Đường trong máu

Khoảng tham chiếu của xét nghiệm Glucose máu từ 4,1-5.9 mmol/l.

Nếu nằm ngoài giá trị khoảng tham chiếu cho phép thì có nghĩa bạn có tình trạng hoặc giảm đường máu. Tăng trên giới hạn cao của khoảng tham chiếu là người có nguy cơ cao về mắc bệnh tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp/chuyển hóa glucose.

  • SGOT & SGPT: Nhóm men gan

Giới hạn bình thường từ 9,0-48,0 với SGOT; 5,0-49,0 với SGPT.

Gan có rất nhiều chức năng quan trọng và có có một hệ thống enzym rất hoàn chỉnh để thực hiện chức năng tổng hợp và chuyển hóa. Các chỉ số men này tăng khi có tổn thương tế bào gan do viêm, xơ, ung thư; hay tổn thương do nhồi máu cơ tim. Và chỉ số này giảm khi tiểu đường, thai kỳ, Beriberi,…Nếu vượt quá giới hạn này thì các chức năng của tế bào gan bị suy giảm trong đó có một chức năng quan trọng là thải độc. Vì thế việc sử dụng có kiểm soát các thức ăn, nước uống làm cho gan khó hấp thu và ảnh hưởng tới chức năng gan như các chất mỡ béo động vật, rượu bia và các nước uống có gas là một yếu tố quan trọng.

  • Nhóm mỡ máu: Cholesterol, triglycerid, HDL-Cholesterol (HDL-C), LDL-Cholesterol (LDL-C)

Khoảng tham chiếu của cholesterol máu <5.2 mmol/l (đối với người lớn) và <4.4.2 mmol/l (đối với trẻ em).

Khoảng tham chiếu của triglyceride máu là <1.7 mmol/l

Khoảng tham chiếu của HDL-Cholesterol 1.03 – 1.55 mmol/l

Khoảng tham chiếu của LDL-Cholesterol là ≤ 3.4 mmol/l

Nếu như các xét nghiệm này nằm ngoài giá trị khoảng tham chiếu cho phép thì bạn có yếu tố nguy cơ cao về các bệnh về tim mạch, huyết áp.

Đối với xét nghiệm HDL-Cholesterol, nó được coi là Cholesterol tốt do nó vận chuyển cholesterol từ máu về gan cũng như vận chuyển cholesterol khỏi các mảng xơ vữa, do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và biến cố tim mạch nghiêm trọng khác.

Đối với xét nghiệm LDL-Cholesterol, nó được coi là Cholesterol xấu vì LDL cholesterol tăng nhiều trong máu dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu, gây nên các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu, dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

Nếu cholesterol máu quá cao, kèm theo cao huyết áp và LDL- Choles cao thì nguy cơ bị tai biến, đột quỵ do huyết áp đối với người bệnh tăng lên rất cao.

  • GGT: Gamma Glutamyl Transferase

Là enzym có vai trò trong chuyển hóa acid amin và điều hòa lượng glutathione trong cơ thể. GGT cũng là enzyme đầu tiên chịu tác động khi xảy ra bệnh lý ở gan và đường mật do đó GGT là một xét nghiệm có độ nhạy rất cao để giúp loại trừ một bệnh lý gan mật. GGT cũng tăng lên đơn độc đối với những người nghiện rượu.

Khoảng tham chiếu của GGT ở trong máu: từ 0-55 U/L.

  • Ure (Ure máu)

Khoảng tham chiếu của ure máu: 2.5 – 7.5 mmol/l. Ure là con đường thoái hóa chính của các protein trong cơ thể và là sản phẩm quan trọng nhất của chuyển hóa nitơ. Ure được tổng hợp ở gan trong chu trình Krebs. Nồng độ ure máu phụ thuộc vào chức năng thận, tình trạng thăng bằng điện giải và quá trình dị hóa protein nội sinh.

BUN (Blood Urea Nitrogen) là phần nitrogen của ure có khoảng tham chiếu là 8 – 24 mg / dL tương đương 2,86 – 8,57 mmol / L (nam) và 6 – 21 mg / dl tương đương 2,14 – 7,50 mmol / L với nữ.

Tăng trong: Bệnh thận, ăn nhiều đạm, sốt, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiểu…

Giảm trong: ăn ít đạm, bệnh gan nặng, suy kiệt…

  • Cre (Creatinin)

Đây là sản phẩm đào thải của thoái hóa creatin phosphat ở cơ, lượng tạo thành phụ thuộc khối lượng cơ, chất này được đưa trở lại tuần hoàn. Ở thận, creatinine được lọc qua cầu thận và không được ống thận tái hấp thu, đào thải ra nước tiểu. Vì vậy, creatinine cũng là thành phần đạm ổn định nhất không phụ thuộc vào chế độ ăn và phản ánh chức năng thận của người bệnh.

Khoảng tham chiếu của creatinine máu: Nam từ 74 – 120 , nữ từ 53 – 100 (umol/l).

Creatinine máu tăng trong : Bệnh thận, tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp vô căn,…

Creatinine máu giảm trong: phụ nữ có thai, sản giật, tình trạng suy dinh dưỡng nặng, hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp…

  • Uric (Acid Uric)

Là sản phẩm chuyển hóa base purin của các acid nucleic, được đào thải chủ yếu qua nước tiểu và một phần nhỏ qua đường tiêu hóa.

Khoảng tham chiếu của acid uric máu: nam từ 180 – 420, nữ từ 150 – 360 (umol/l).

Acid uric máu tăng trong:

+ Tăng nguyên phát: Do tăng sản xuất hoặc giảm đào thải (tự phát) dẫn đến các bệnh như Lesh Nyhan, Von Gierke..

+ Tăng thứ phát: Do tăng sản xuất (phá hủy tổ chức, gia tăng chuyển hóa tế bào, béo phì, nhịn đói, u tủy, bệnh vảy nến..), do giảm đào thải (suy thận, dùng thuốc lợi tiểu, nghiện rượu cấp, xơ vữa động mạch, suy tim ứ huyết..), đối với bệnh Gout (thống phong): có tăng acid uric/ máu có thể kèm nốt tophi ở khớp & sỏi urat ở thận.

Acid uric máu giảm trong: Bệnh Wilson, hội chứng tiết hormone chống bài niệu, hội chứng Falconi, thương tổn tế bào gan, bệnh thiếu enzyme xanthin oxydase..

  • Kết quả miễn dịch

Xét nghiệm Anti-HBs: là xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan , để xác định hàm lượng kháng thể chống lại virus viêm gan B. Nếu một người đã được tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B hoặc đã bị nhiễm virus viêm gan B và khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể viêm gan B chống lại virus và xét nghiệm anti-HBs sẽ cho kết quả dương tính. Nếu kháng thể viêm gan B mạnh (100-1000 UI/ml ) việc phòng tránh bệnh rất đơn giản, nhưng nếu kháng thể yếu (0-10 UI/ml) khả năng mắc bệnh viêm gan B rất cao.

HbsAg: Hepatitis B surface Antigen – kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Kết quả thu được từ việc xét nghiệm máu sẽ cho biết người tham gia kiểm tra có nhiễm siêu vi B hay không. Khoảng tham chiếu xét nghiệm này trong máu là âm tính.