“Duyên” chưa tới
Thành Nhân, 22 tuổi, đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thú thật “chưa biết yêu là gì”. Thấy bạn bè có người yêu, vào những ngày lễ, dịp đặc biệt, có cơ hội tặng hoa, tặng quà hay dẫn người yêu đi chơi, Nhân cảm thấy… tủi thân. “Cũng mong như người ta, nhưng chưa được. Có lẽ là ‘duyên’ chưa tới, nên chưa được gặp ‘người ấy'”, Nhân bảo.
Hoài Thu, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng than vãn là bị… ế. “Thấy ngưỡng mộ nhiều bạn đã có 2, 3 mối tình thật. Còn mình thì… không có nỗi một mảnh tình vắt vai luôn. Chẳng hiểu sao với nhiều người, họ dễ kiếm người yêu, còn với mình sao khó quá”, Thu rầu rĩ.
Thanh Tâm, 26 tuổi, đang là nhân viên một công ty bất động sản, cho biết mẹ ở quê cứ hay hối thúc “kiếm ai đó mà yêu đi, lo cưới chồng là vừa”, nhưng ngặt nỗi, đến nay cô gái này vẫn chưa biết yêu là gì.
“Không biết có phải vì mình tự đưa ra hình mẫu lý tưởng của người mình sẽ yêu cao quá hay không mà đến giờ này vẫn chưa tìm được người thích hợp. Cũng từng có người cho mình cảm giác thích thích, nói chuyện hợp, nhưng rồi nhận ra chẳng thể yêu được. Cảm thấy lo lo khi mẹ cứ hối hoài”, Tâm kể.
Có nhiều người trẻ, cả nam lẫn nữ, thừa nhận hay lên mạng xã hội “thả thính” để mong ngóng ai đó để ý. Nhưng thật tiếc, “thả thính mà không ai dính”, để rồi vẫn mang kiếp… độc thân.
Làm gì bây giờ?
Theo thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mỹ Lệ, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM) thì rồi ai cũng sẽ có cảm giác và trải qua những tình yêu hạnh phúc. Thời điểm này chưa có, nhưng biết đâu đó hạnh phúc ngọt ngào sẽ đến trong thời gian đến. Đừng vì buồn rồi sống khép mình, ít giao lưu với bạn bè, sẽ khiến “ngày có tình yêu” dài hơn. Thay vào đó, hãy tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa trong trường, trong các câu lạc bộ, tiếp xúc với nhiều người… có khi sẽ được gặp “người thương suốt đời”.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương thì nói: “Con gái, thử xem mình đã dịu dàng chưa hay đã bướng lại còn lì, thục nữ hay là cộc cằn và ngang như cua?… Nếu lỡ có những điều đó, thì nên thay đổi bản thân. Còn chưa thay đổi, thì việc ‘ôm’ chữ… ế không có gì bất ngờ”.
Cũng theo “tiến sĩ triệu view” này thì có nhiều việc mà người trẻ đang ế, đang không có mảnh tình vắt vai có thể làm theo, khi đó người yêu có khi sẽ xuất hiện.
Đó là bớt sống ảo, bớt nói tục, đừng thả thính nhiều, bớt khó tính, bớt xàm, biết quan tâm bản thân nhiều hơn để gây ấn tượng với người đối diện.
“Có những bạn trẻ ế vì… chạy theo tiêu chuẩn tự đặt ra quá cao. Thay vì thế, hãy hạ tiêu chuẩn xuống, thay vì phải kiếm cho bằng được anh chàng giàu có, chức to để yêu thì chỉ cần tìm thấy người hợp tính, người hiểu mình, người biết quan tâm lo lắng cho mình là đủ rồi. Ngoài ra, cũng có thể chủ động hơn để nắm bắt cơ hội…”, tiến sĩ Lê Thẩm Dương “hiến kế”.
Một trong những người “thoát ế” thành công là Trần Tuấn Hải, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, kể từng không hiểu lý do vì sao bản thân cũng điển trai, ngoại hình ưa nhìn, nhưng lại không có người yêu, khiến bạn bè hay chọc. “Thì ra do mình hay sử dụng những ngôn từ không chuẩn mực trên mạng xã hội, hay nói những câu hơi khó nghe, tính tình hơi khó chịu nữa, nên nhiều bạn nữ ái ngại. Dần dần, mình bỏ được những thói quen không tốt ấy, chăm lo học hơn, học tốt hơn, hòa đồng và cởi mở với mọi người hơn, thế là có người yêu ngay. Nói chung là bỏ bớt tính xấu, hạn chế tối đa những điều không tốt của bản thân, thì sẽ có người thích, sẽ có người yêu thôi”, Hải chia sẻ.