Phải được tiêm vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường?
Ngày 28.3, tại cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu bảo đảm sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi, để khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12 – 17 tuổi hồi năm 2021.
Báo chí cũng dẫn lời ông Dũng cho rằng phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro.
Trẻ mầm non đến lớp 6 ở Hà Nội sẽ chỉ trở lại trường sau khi được tiêm vắc xin?
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết đến thời điểm này, Sở chưa có bất cứ đề xuất nào cụ thể về thời gian cho học sinh từ lớp 6 trở xuống được đến trường học.
Các phòng GD-ĐT và trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội cho biết họ chưa nhận được thông tin nào cũng như chưa được hỏi ý kiến về việc cho học sinh lứa tuổi này trở lại trường, mà mới chỉ khảo sát ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa có “tương lai gần” cho việc mở cửa trường mầm non, tiểu học.
Thời gian qua, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn TP.Hà Nội đã trở lại trường với tỷ lệ gần 100% ở hầu hết các trường, không còn tình trạng đi học vài bữa lại ở nhà học trực tuyến như trước kia; nhiều trường đã quay lại tổ chức bán trú, học 2 buổi/ngày như trước khi xảy ra dịch bệnh. Ở khắp nơi, cuộc sống “bình thường mới” đã hiện diện.
Nếu Hà Nội quyết định mở cửa trường căn cứ vào việc trẻ đã được tiêm vắc xin thì nhiều ý kiến lo ngại trẻ lứa tuổi này ở Thủ đô sẽ có 1 năm học trọn vẹn ở nhà. Cụ thể, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học, lịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi chưa có. Nếu nửa đầu tháng tư tới tiến hành tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ thì cũng cần 2 tuần cuối của tháng tư để vắc xin phát huy tác dụng.
Đó là chưa kể nếu Hà Nội tính toán phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới cho trẻ đến trường như đã áp dụng với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trước đó thì chắc chắn chỉ có thể mở cửa trường mầm non, tiểu học vào năm học sau.
Trên thực tế, rất nhiều trẻ dưới 12 tuổi dù chưa một ngày được đến trường nhưng đã mắc Covid-19 do lây từ người thân trong gia đình hoặc cộng đồng trong thời gian qua. Phụ huynh cũng không còn lo sợ mơ hồ về Covid-19 như trước nữa, thay vào đó, họ nhìn thấy những tác động tiêu cực hiện hữu cả về chất lượng giáo dục lẫn sức khỏe tâm thần khi trẻ không được đến trường.
Chuyên gia giáo dục, y tế nói gì?
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ: “Cứ nghĩ đến những đứa trẻ có tên trong danh sách học sinh của trường nhưng chưa một ngày đặt chân đến lớp, tôi lại nổi gai ốc, nghẹn lại vì thương các con”.
Theo ông Khang, trẻ vốn hiếu động. Nô đùa, vận động cũng cần thiết cho sự phát triển của trẻ như cơm ăn, nước uống vậy. Trẻ ở trong nhà một vài tuần, vài tháng còn chịu được, nhưng gần một năm, trẻ làm sao phát triển bình thường được?
Nô đùa, vận động cần thiết cho sẹ phát triển của trẻ như cơm ăn, nước uống
Con ở nhà, bố mẹ thành giáo viên bất đắc dĩ, “đánh vật” với trẻ từng buổi học trực tuyến. Đến khi con biết đọc, viết, làm toán, tưởng chừng có thể thở phào, phụ huynh mới thấy thiếu thiếu. “Họ có thể bỏ thời gian để đồng hành với con học kiến thức nhưng kiếm đâu ra cộng đồng bạn bè cùng lứa tuổi như ở trường học để con có tuổi thơ đúng nghĩa”, ông Khang nhận định.
Dưới góc độ tâm lý, PGS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, thực tế cho thấy học sinh ở nhà quá dài khi trở lại trường cũng gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học… Thậm chí, một số em có hành vi, cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khoẻ tâm thần.
“Không chỉ học sinh, chính giáo viên, người quản lý trường học cũng có những cảm xúc không tích cực trong công việc như: áp lực thành tích trong nhiệm vụ, khối lượng công việc quá tải… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm. Nhưng thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức và thành tích khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần”, ông Nam nói.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tái khẳng định việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, và cho rằng không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường.
Ông Phu cũng khẳng định phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.
Mặt khác, tìm hiểu của phóng viên cho thấy, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc phòng dịch trong trường học cũng không có nội dung nào đề cập đến việc trẻ phải tiêm vắc xin mới được đi học trực tiếp.
Đến thời điểm này, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cả nước đều chưa được tiêm vắc xin nhưng rất nhiều địa phương đã cho học sinh lứa tuổi này đến trường, trong đó có TP.HCM. Chính vì vậy, việc Hà Nội vẫn chưa cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường với lý do chờ tiêm vắc xin là một quyết định được đánh giá là quá thận trọng.