Hiểu rõ bản chất công thức và cẩn thận với các lỗi sai đáng tiếc sẽ giúp học sinh xử lý tốt dạng toán về diện tích hình vuông, hình chữ nhật.
Bài toán tính diện tích là nội dung cơ bản, phổ biến ở mảng hình học, Toán lớp 3. Tuy nhiên, do mới làm quen về chủ đề này, nhiều học sinh chưa nắm rõ bản chất cũng như dễ mắc lỗi cơ bản khi làm bài. Để nắm chắc kiến thức hơn trong dạng bài này học sinh hãy tham khảo ngay phần bài giảng chi tiết của cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Toán tại Hocmai.vn nhé.
Kiến thức tổng quát về bài toán tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật.
- Bản chất của đơn vị Xăng-ti-mét vuông
Đối với khối học sinh tiểu học, khi học Toán cần có những hình ảnh trực quan và đơn giản nhất ngay từ các vấn đề nhỏ để tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
Với mục đích để học sinh hiểu được cách xây dựng công thức tính diện tích, cô Hoa đã cung cấp kiến thức về đơn vị sử dụng tính diện tích cơ bản nhất: Xăng-ti-mét vuông.
Khái niệm: Xăng-ti-mét vuông là diện tích của một hình vuông với độ dài cạnh bằng 1cm.
Viết tắt: cm2
Quy ước: Xăng-ti-mét vuông – cm2 là đơn vị để đo diện tích.
- Diện tích hình vuông
Xác định công thức: Để tính diện tích hình vuông, ta chia hình thành các hình vuông nhỏ có cạnh bằng 1cm. Vậy, diện tích hình vuông đã cho sẽ bằng đổng diện tích các hình vuông nhỏ (diện tích bằng 1cm2) cộng lại.
- Diện tích hình vuông = Tổng các hình vuông đơn vị (diện tích bằng 1cm2).
- Tổng các hình vuông đơn vị = Số hình vuông ở 1 hàng ngang x Số hình vuông ở 1 hàng dọc (= chiều dài cạnh x chiều rộng cạnh của hình vuông lớn)
Ví dụ: Tính diện tích hình vuông có cạnh là 5 cm
Ta có: 5 x 5 = 25 (cm2).
Kết luận: Muốn tính diện tích hình vuông, ta lấy số đo một cạnh nhân với chính nó.
S.ABCD = a x a (ABCD là hình vuông, a là độ dài một cạnh).
Minh họa hình vuông có cạnh 5 cm
- Diện tích hình chữ nhật
Xác định công thức: Tương tự cách tính diện tích hình vuông, ta chia nhỏ hình chữ nhật thành các hình vuông có diện tích bằng 1cm2.
- Diện tích hình chữ nhật = Tổng các hình vuông đơn vị (diện tích bằng 1cm2).
- Tổng các hình vuông đơn vị = Số hình vuông ở 1 hàng ngang x Số hình vuông ở 1 hàng dọc (= chiều dài x chiều rộng của hình chữ nhật)
Xét ví dụ: Tính diện tích hình chữ nhật có chiều dài bằng 5cm, chiều rộng bằng 4cm. Vậy, diện tích hình chữ nhật cần tìm bằng 5 x 4 = 20cm2.
Kết luận: Muốn tính diện tích hình chữ nhật, ta lấy chiều dài nhân chiều rộng của hình đó.
SCDEG = a x b (CDEG là hình chữ nhật có chiều dài cạnh bằng a, chiều rộng bằng b)
- Công thức suy rộng
Từ các công thức tìm được, Cô Hoa cũng hướng dẫn học sinh cách suy ngược công thức để phục vụ cho các bài tính toán ngược (biết diện tích, yêu cầu tính các cạnh):
Chiều dài = Diện tích : Chiều rộng
Chiều rộng = Diện tích : Chiều dài
Các lỗi sai thường gặp và lưu ý khi làm bài toán tính diện tích
Với kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy, từng gặp nhiều sai sót trong bài làm của học sinh, cô Hoa đã tổng hợp một số lưu ý để học trò tránh được những sai lầm này:
1 – Các đại lượng phải cùng đơn vị đo: Đối với các bài toán đơn giản, đề bài thường cho sẵn các đại lượng cùng đơn vị, tuy nhiên ở một số bài toán khó hơn, học sinh cần lưu ý kiểm tra đơn vị đo các cạnh (đại lượng) có cùng đơn vị hay chưa, nếu chưa ta cần đổi để đưa chúng về cùng đơn vị với nhau.
2 – Ghi sai đơn vị tính: Vì đơn vị đo của diện tích với độ dài chỉ khác nhau một chút ở kí hiệu mũ ( 2) trên đầu, vì thế học sinh cần cẩn thận kiểm tra cách ghi đơn vị đã đúng hay chưa, không được bỏ qua phần ghi đáp số đầy đủ đơn vị.
Trên đây là bài giảng chi tiết và cách tính, bản chất công thức và một số lưu ý giải toán về diện tích.
Thông qua video bài giảng về diện tích hình vuông và hình chữ nhật, cô Nguyễn Thị Hoa mong muốn giúp học sinh hiểu được bản chất của phép tính, tránh học thuộc máy móc gây nhầm lẫn khi học thêm nhiều các loại công thức khác nhau.
Nắm vững cơ sở lý thuyết tính toán còn giúp học sinh hiểu sâu, kỹ lưỡng để nhanh chóng thích nghi với các dạng toán hình học nâng cao hơn.