UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh khối 1 đến 6 tới trường học trực tiếp từ ngày 6/4. Như vậy, sau gần 1 năm dừng đến trường, học trực tuyến tất cả học sinh tiểu học, lớp 6 trên toàn thành phố sẽ được đi học
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp nhưng trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Lần này, các trường học sẽ tổ chức ăn bán trú và dạy 2 buổi/ngày để phụ huynh thuận lợi trong việc đưa đón, tránh tình trạng “chạy sô” đón con vất vả.
Học sinh lớp 1- 6 của Hà Nội đi học trực tiếp từ ngày mai (6/4) ảnh: Quỳnh Anh
Hà Nội yêu cầu các nhà trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT cũng như Sở Y tế Hà Nội. Các nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống giáo viên, học sinh là F0.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.
Trả lời PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trước khi trình phương án lên UBND TP, Sở GD&ĐT đã lấy ý kiến phụ huynh để làm căn cứ.
Kết quả, khoảng 75% phụ huynh đồng ý phương án cho con đi học. UBND thành phố cũng phê duyệt phương án cho học sinh từ khối 1-6 đến trường từ ngày 6/4.
Trước khi đón học sinh đi học, Sở GD&ĐT sẽ họp với Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về việc chuẩn bị các phương án, xử lý tình huống phát sinh trong quá trình dạy học.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Hà Nội, sau khi học sinh tiểu học, lớp 6 trên toàn thành phố tới trường, ngành yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho trẻ tới trường. Do các cơ sở giáo dục mầm non đóng cửa từ gần một năm nay nên các nhà trường cần có thời gian chuẩn bị rà soát lại cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đồ dùng học tập cũng như xây dựng phương án, kịch bản đón trẻ rồi mới mở cửa trường.
Có thể kéo dài năm học
Tin Hà Nội cho học sinh tiểu học, khối 6 đến trường khiến nhiều phụ huynh phấn khởi. Một số phụ huynh mong muốn Hà Nội sớm cho trẻ mầm non đi học vì đây là đối tượng thiệt thòi, dừng hẳn sự tương tác với bạn bè, cô giáo gần trọn 1 năm qua.
Chị Nguyễn Bích Trâm có con học ở Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) nói rằng, hẳn đây sẽ là tin vui nhất đối với cả cha mẹ lẫn con. Gần một năm con ở nhà, cuộc sống gia đình xáo trộn vì bố mẹ phải sắp xếp để vừa trông con vừa làm việc.
Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đa số phụ huynh mong muốn con được đến trường, chỉ một số ít có tâm lý gần kết thúc năm học nên học trực tuyến cho xong. Tuy nhiên, nhiều giáo viên nhận định việc đến trường bất cứ khi nào cũng đều tốt cho trẻ.
“Điều nhà trường lo lắng là học sinh nhỏ tuổi ở nhà quá lâu, quen thuộc với người thân trong gia đình, nay tách và đến lớp sẽ có sự bỡ ngỡ. Hơn nữa, học trực tuyến, trẻ tiểu học mới chỉ học 90 phút/ ngày đối với lớp 1, 2,5 tiếng/ ngày đối với các khối lớp khác nên khi đến trường, nhà trường cũng sẽ cân đối, tính toán đưa chương trình học dần dần, không gây áp lực cho các em.
Giáo viên sẽ dành thời gian đưa trẻ đi thăm quan trường lớp, hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh, thư viện, khu vui chơi. Phụ huynh được đề nghị làm công tác tư tưởng, tâm lý cho con như trò chuyện, nói cho con biết ở trường có gì, học tập khác biệt ra sao để trẻ không bị bất ngờ”, bà Hương nói.
“Các trường dừng học trực tiếp kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do đó, Hà Nội đang tính toán đến phương án đề xuất với Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian năm học. Các nhà trường được yêu cầu xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT nói.