Trải nghiệm lớp 7 ở Mỹ

Cách đây một năm, gia đình tôi chuyển sang Mỹ sinh sống. Một trong những mối bận tâm hàng đầu là tìm trường học cho con gái chuẩn bị lên lớp 7. Qua tư vấn của những người bạn sống ở Mỹ lâu năm, tôi đã tìm được trường trung học cơ sở công có tên Tilden Middle School ở thành phố Rockville, bang Maryland.

Ở Mỹ, hầu hết các trường đều được xếp hạng về chất lượng trên thang điểm 10. Những trường có xếp hạng từ 8 trở lên là trường tốt. Tilden Middle School được 9/10.

Theo luật, các khu dân cư có đủ trường lớp cho trẻ em và bắt buộc phải học đúng tuyến, nên khu dân cư nào có trường tốt cũng kéo theo giá bất động sản cao hơn nơi khác.

Cũng theo luật, trẻ em có bằng chứng cư trú tại địa phương là được học miễn phí đúng tuyến ở trường công. Bằng chứng này là hợp đồng thuê nhà hoặc giấy tờ sở hữu nhà do bố mẹ đứng tên, kết hợp với giấy khai sinh của con. Với đầy đủ giấy tờ, con tôi được nhận vào học tại một trong những trường công tốt nhất ở Mỹ.

Trường của con tôi cách nhà chừng hơn 5 phút đi xe riêng. Hàng ngày có xe buýt đưa đón miễn phí tại khu dân cư mà học sinh đăng ký.

Mỗi năm học, ngôi trường có trên dươi 800 học trong 3 khối lớp 6, 7 và 8. Để đáp ứng số lượng học sinh này, cơ sở vật chất trường là hai tầng rộng rãi, với hàng chục phòng học nhỏ, căng tin rộng, một phòng thi đấu thể thao lớn có mái che chứa 2 sân bóng rổ, một phòng học nhạc, các sân tennis, sân cỏ ngoài trời đa mục đích cho bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục, quanh sân cỏ là đường chạy.

Trước khi năm học bắt đầu, nhà trường gửi thư mời phụ huynh đến trường làm quen với đội ngũ giáo viên.

Từ hiệu trưởng cho đến các giáo viên bộ môn khoảng hơn 20 người đón tiếp phụ huynh thân mật, lịch sự và thuyết trình về bản thân cũng như chương trình giáo dục của nhà trường. Buổi gặp không có màn kêu gọi đóng góp quỹ lớp, quỹ trường vì ngân sách bang lấy từ thuế của dân đã lo đủ cho hoạt động của trường.

Ngày khai giảng chỉ là một ngày băt đầu năm học mới, diễn ra bình thường. Không có mít tinh, lễ lạt ồn ào, không có lãnh đạo địa phương đến dự, phát biểu, hô hào.

Giờ học hàng ngày của con tôi là từ 8h15 sáng đến 3h chiều. Con học 8 môn là toán, tiếng Anh, lịch sử, sức khỏe, thể dục, nấu ăn, ghita, làm phim. Môn tiếng Anh ở đây là dành cho người bản ngữ, không phải là một ngoại ngữ. Ba môn cuối là các môn tự chọn. Thời khóa biểu ngày nào cũng học cả 8 môn như ngày nào.

Các môn tự chọn khác dành cho học sinh là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, nghệ thuật, jazz, đàn dây, tham gia dàn hợp xướng, hoặc biên tập kỷ yếu nhà trường.

Lớp học của từng khối không chia lớp ngồi cố định như kiểu Việt Nam. Họ chia theo tên học sinh, mỗi lớp tối đa 27 em. Ví dụ, các học sinh có họ bắt đầu là các chữ cái P, Q, R, S sẽ nằm trong cùng một danh sách lớp. Nhưng lớp này không ngồi tập trung trong một căn phòng cố định rồi học hết môn này đến môn khác trong đó.

Hàng ngày, lớp này sẽ học toán vào tiết 1 ở một phòng học, sau đó tiết 2 di chuyển đến phòng khác để học tiếng Anh, rồi tiếp đến tiết 3 lại đi sang một phòng khác để học lịch sử… Giữa các tiết có 4 phút để nghỉ và di chuyển.

Sở dĩ nhà trường bố trí như vậy vì các phòng học đều được trang bị cho phù hợp với từng bộ môn. Cách làm này hợp lý ở chỗ những phòng học toán có đầy đủ các dụng cụ về toán, các phòng học lịch sử có đầy đủ bản đồ, sách vở về lịch sử. Các trang thiết bị này sẽ nằm ổn định trong phòng học nhiều năm trời, việc nâng cấp, thay thế cũng dễ dàng.

Trong giờ học, thày cô tận tình giảng bài, tích cực trả lời các câu hỏi. Các buổi học cũng sôi nổi vì các học sinh được khuyến khích phát biểu quan điểm cá nhân, tranh luận lịch sự, cởi mở.

Nếu hết tiết học, có học sinh nào chưa hiểu bài, thày cô sẽ hẹn gặp riêng trong khoảng thời gian 20 phút dành cho chuẩn bị bài sau tiết 2, hoặc trước giờ ăn trưa.

Giờ ăn trưa của trường là từ 12h đến 12h30. Các học sinh thường mang đồ ăn tự mình chuẩn bị từ nhà và ngồi ăn cùng nhau trong căng tin. Nếu muốn mua đồ ăn của căng tin, giá cho suất ăn của học sinh lớp 7 là 2,5 đôla. Học sinh của hộ gia đình thu nhập thấp được ăn miễn phí, nếu cung cấp bằng chứng về thu nhập cho nhà trường. Trường giữ bí mật về điều này để tránh học sinh bị kỳ thị.

Hết một ngày học, thường học sinh có ít hoặc không có bài tập. Việc giao bài tập về nhà phụ thuộc nhiều vào phong cách dạy của từng thày cô. Trong cùng bộ môn toán, có 3 thày, cô khác nhau cùng dạy một lớp, có người giao bài về nhà nhưng có người không giao. Mặc dù vậy, bài về nhà thường học sinh chỉ làm tối đa trong 15 phút là xong. Chỉ có các môn toán, tiếng Anh, lịch sử là có bài tập về nhà.

Với lịch học như vậy, học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và đọc sách. Cũng cần nói thêm việc đọc sách là một yêu cầu bắt buộc của nhà trường. Con tôi nói quy định của trường đối với học sinh lớp 7 là một năm đọc ít nhât 25 cuốn sách.

Thư viện công cộng gần nhà tôi cho mượn sách miễn phí. Hàng tuần con đến đổi sách. Sau khi đọc xong, theo quy định, con viết ít nhất 10 báo cáo nộp nhà trường, trong đó nói lên nội dung tóm tắt của sách và những điểm đáng nhớ hay các đoạn trích dẫn quan trọng, ấn tượng.

Với lịch học khá thư thái như vậy nên con tôi rất vui, có nhiều thời gian thực hiện các thú vui cá nhân như làm bánh, vẽ tranh, hoạt động thiện nguyện. Con tâm sự rằng sang Mỹ con mới thực sự có thời gian vui chơi và cười.

Một năm học được chia làm 4 nửa học kỳ, gọi là 4 quarter. Cứ hết một quarter dài 9 tuần, học sinh sẽ thi các môn, ngoài ra không có thi hết học kỳ 1 và hết học kỳ 2.

Trong năm học, có các bài kiểm tra nhanh gọi là quiz. Tùy từng môn mà có nhiều hay ít quiz. Môn lịch sử có 1 quiz trong một tuần, còn môn toán có 3 quiz trong một quarter. Tất cả điểm của các quiz và bài thi quarter sẽ được tính toán để xếp hạng về học sinh trong các môn. Hạng A là cao nhất.

Nếu học sinh đạt hạng A hết trong các môn, gọi là straight A, sẽ nhận thư khen của hiệu trưởng. Thành tích đó sẽ tạo thuận lợi để học sinh xin học hoặc xin học bổng ở các bậc cao hơn sau này. Nhờ chăm chỉ nên con tôi liên tục được straight A.

Ngược lại, cũng có một số ít học sinh có kết quả học tập thấp. Các học sinh này cần phải học thêm vào dịp hè tại trường với chi phí khoảng 200 đôla, do gia đình chi trả.

Tuy nhiên, số học sinh đó không đáng kể vì tỉ lệ hoàn thành các lớp học ở Tilden Middle School lên đến hơn 95,5%.

Bên cạnh lịch học nhẹ nhàng, thiết thực, hàng năm các học sinh còn tham gia và 6 hoạt động ngoại khóa hay lễ hội, giúp các em hiểu biểu về lịch sử, văn hóa Mỹ, cũng như nâng cao tinh thần vì cộng đồng hay từ thiện.

Hết năm học, các em hưởng kỳ nghỉ dài nhất là nghỉ hè, dài 3 tháng. Ngoài ra, còn có nghỉ đông và nghỉ xuân, mỗi kỳ kéo dài 1 tuần.

Một năm trải nghiệm lớp 7 ở một trường Mỹ chưa phải là nhiều, song những ấn tượng ban đầu với con tôi và gia đình tôi là rất tốt đẹp.

Phạm Trọng Thức

Theo Reatimes.vn