Dự kiến, sở sẽ trình kế hoạch này với UBND TP vào giữa tháng 3-2022.
Dự kiến tương tự năm 2020
Cũng theo vị cán bộ trên, về cơ bản sở sẽ đề xuất với UBND TP là các quy định, hình thức thi, môn thi tuyển sinh lớp 10 sẽ tương tự như kỳ thi năm 2020. Trong đó, số môn thi vào lớp 10 vẫn là ngữ văn, toán và ngoại ngữ.
Riêng những học sinh có đăng ký thi vào lớp 10 chuyên thì sẽ thi thêm môn thứ 4 là môn chuyên. Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm ba bài thi và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0.
Sở GD-ĐT TP cho hay đối tượng được dự thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn TP là học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi quy định.
Như vậy, học sinh không có hộ khẩu TP.HCM nhưng học THCS ở TP.HCM vẫn được dự thi. Thí sinh sẽ được đăng ký ba nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập bình thường, 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên, 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp.
Thời điểm này, nhiều học sinh và giáo viên lớp 9 ở TP.HCM cho biết họ rất sốt ruột vì UBND TP.HCM chưa công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023.
“Em đọc trên báo thấy rất nhiều tỉnh thành đã công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 10, nhưng TP.HCM thì vẫn chưa có thông tin gì. Một số bạn của em đang hy vọng năm nay Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp tục xét tuyển vào lớp 10. Em vẫn muốn thi tuyển vì em ước mơ vào lớp 10 chuyên văn. Em nghĩ chỉ có thi tuyển mới có kết quả chính xác và công bằng, nhất là tuyển sinh vào lớp 10 chuyên” – T.H.N., học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), nói.
Nhiều giáo viên lớp 9 ở TP.HCM cũng cho rằng thi tuyển vào lớp 10 là phương án tốt nhất, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn số lượng thí sinh dự thi như hiện nay.
“Chúng tôi đang nỗ lực dạy học để học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng để tham dự kỳ thi tuyển. Năm trước, do dịch bệnh nên TP.HCM phải thay đổi phương án tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển. Và kết quả xét tuyển thực sự là chưa phản ánh chính xác trình độ học sinh. Nhiều học sinh thực lực giỏi nhưng lại rớt khi đăng ký vào các trường THPT tốp đầu. Năm nay, tôi không muốn tình trạng này lặp lại” – thầy Hòa, giáo viên môn toán ở TP Thủ Đức, nêu ý kiến.
Học sinh Hà Nội hồi hộp
Tới thời điểm hiện tại, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sở vẫn chưa trình UBND TP Hà Nội về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023 mặc dù báo cáo về công tác phát triển giáo dục và đào tạo TP Hà Nội có nêu “Tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023 sẽ giữ ổn định như năm học trước”.
Báo cáo trên cũng dự kiến năm nay Hà Nội có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp THCS. Trong số này, có khoảng 100.000 học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT. Trong nhiều năm nay, Hà Nội duy trì phương án tổ chức một kỳ thi chung trên toàn thành phố cho THPT khối không chuyên và khối chuyên. Trong đó, khối không chuyên sẽ làm bốn bài thi: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và một trong số các môn thi: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, hóa học, sinh học (môn thi thứ 4 sẽ công bố sau).
Tuy chưa công bố phương thức tuyển sinh chính thức nhưng báo cáo “giữ ổn định” khiến nhiều người, trong đó có giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh, hiểu như vậy là sẽ thi bốn môn. Việc này đang gây xôn xao với nhiều ý kiến không đồng tình từ phía giáo viên, phụ huynh học sinh ở Hà Nội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng hệ thống Trường Marie Curie (Hà Nội) – cho rằng lứa học sinh lớp 9 năm nay hứng trọn ba năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Phần lớn thời gian của các năm học này học sinh phải học trực tuyến ở nhà, chất lượng dạy học bị hạn chế. Hiện ở các trường, thầy cô giáo cũng đang lo lắng vô cùng chưa biết làm sao để khắc phục, nâng chất lượng dạy học cho học sinh cuối cấp khi nhiều trường học phải thu hẹp số học sinh học trực tiếp vì lây lan dịch.
Theo một phó hiệu trưởng trường THCS thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), thông tin chưa chính thức về việc “sẽ thi 4 môn” trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khiến phụ huynh, học sinh hoang mang và giáo viên cũng rất lo lắng.
Ông Đặng Việt Hà – hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) – cũng bày tỏ quan điểm kỳ thi nhằm mục đích sàng lọc để tuyển sinh thì không nhất thiết phải thi nhiều môn như xét tốt nghiệp.
Còn bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), thì cho rằng “bỏ môn thi thứ 4” là cần thiết. Vì so với các năm học trước, ảnh hưởng của dịch COVID-19 với năm học này nặng nề nhất. Học sinh lớp 9 khu vực nội thành Hà Nội gần như ở nhà học trực tuyến hết học kỳ 1. Học kỳ 2 được đến trường bập bõm, không ổn định. Vì thế nên quyết định thi ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ để học sinh tập trung ôn tập cho tốt. Thi ba môn, mục tiêu của kỳ thi vẫn đảm bảo mà giảm áp lực cho cả học sinh và các nhà trường…