Mental Breakdown là gì? Mental Breakdown là bệnh gì? Hãy cùng các thầy cô trường THPT Sóc Trăng tìm hiểu nhé.
Mental Breakdown là gì?
Mental Breakdown là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một giai đoạn căng thẳng tinh thần hoặc bệnh tật xảy ra đột ngột. Trong giai đoạn này, bạn không thể hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Hay đơn giản hơn Mental Breakdown còn được gọi là suy sụp tinh thần.
Cùng tìm hiểu về căn bệnh suy sụp tình thần này nhé!
Suy sụp tinh thần hay khủng hoảng tinh thần – là một tình trạng rối loạn lo âu của con người. Đây còn là một thuật ngữ chung dùng để miêu tả những người không có khả năng quản lý những cảm xúc căng thẳng, âu lo hoặc bất an, để cho những triệu chứng này vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tình trạng suy sụp tinh thần có thể xảy đến với một người khi người đó đối mặt với những hoàn cảnh, biến cố hoặc sự kiện có tính chất gây căng thẳng tột độ, chẳng hạn như tai nạn nghiêm trọng hoặc nỗi đau mất người thân. Tuy vậy, suy sụp tinh thần cũng có thể là kết quả của một sự dồn nén và tích tụ quá nhiều những cảm giác căng thẳng và bất an không được giải tỏa, thường là những áp lực liên quan đến công việc, tài chính, các mối quan hệ, hoặc những mâu thuẫn hoặc khó khăn gặp phải trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như thất nghiệp hoặc ly hôn. Những sự lo lắng, căng thẳng và bất an không được giải tỏa có thể tích tụ trong một người suốt thời gian dài cho đến khi đạt đến một đỉnh điểm mà ở đó, người đó không còn khả năng chịu đựng chúng, mất tập trung nghiêm trọng trong công việc và không còn có thể sinh hoạt một cách bình thường như trước.
Những biểu hiện và triệu chứng của bệnh suy sụp tinh thần
Có nhiều dấu hiệu khác nhau giúp chúng ta nhận biết một người bị suy sụp tinh thần. Người này thường có những biểu hiện hoặc thay đổi về mặt tinh thần, cảm nhận, hoặc thậm chí thay đổi cả tính cách sau biến cố gây suy sụp. Tuy vậy, những biểu hiện và triệu chứng về mặt thể chất vẫn luôn là những dấu hiệu dễ thấy nhất. Những dấu hiệu này có thể thay đổi tùy từng người và tùy vào nguyên nhân gây suy sụp tinh thần, bao gồm:
Cảm giác cô lập: người bị suy sụp tinh thần thường không có hứng thú gặp gỡ hoặc giao tiếp với gia đình, người thân hay bạn bè như mọi khi; họ rút lui khỏi gần như mọi hoạt động thường ngày của cuộc sống.
Mất khả năng tập trung: họ không thể tập trung trong công việc, dễ bị phân tán sự chú ý hoặc lo ra.
Hay buồn rầu, ủ rũ hoặc tâm tính thất thường: thường xuyên chán nản hoặc trầm cảm; dễ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức; hay có những cơn bốc đồng cảm xúc như giận dữ, sợ hãi hoặc la khóc không lý do.
Suy nghĩ tiêu cực và tự ti: chán ghét bản thân và cảm thấy cô độc, muốn cách ly bản thân mình khỏi mọi sự.
Thường xuyên bị ảo giác: người bị suy sụp tinh thần dễ hồi tưởng lại biến cố đã khiến họ suy sụp hoặc những sự kiện có tính chất gây sang chấn tâm lý.
Có xu hướng tự làm tổn thương bản thân: thường xuyên có những suy nghĩ liên quan đến cái chết, tự tử, hoặc tự làm cho bản thân bị thương như một cách để giải tỏa những nỗi lo lắng bất an.
Người bị suy sụp tinh thần thường có những triệu chứng như:
Mất ngủ: họ thường dành nhiều thời gian suy nghĩ về những điều tiêu cực, gây ra tình trạng khó ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ.
Mệt mỏi, kiệt sức: việc thường xuyên lo lắng và mất ngủ khiến người suy sụp tinh thần bị sa sút về mặt sức khỏe, không còn năng lượng cho các hoạt động thường ngày của cuộc sống.
Hay đau ốm: cơ thể mệt mỏi kiệt quệ khiến người bị suy sụp dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm và nhiều loại bệnh tật khác.
Nhức đầu: những cơn đau đầu và chóng mặt thường xuyên cũng là một dấu hiệu giúp nhận biết một người bị suy sụp tinh thần.
Đau cơ: người suy sụp tinh thần cũng có nguy cơ bị đau hoặc cứng cơ. Triệu chứng này chủ yếu xuất hiện ở cơ hàm hoặc cơ lưng.
Các vấn đề về đường ruột: các cơn co thắt bất thường ở bao tử và ruột.
Rối loạn nhịp tim: người bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng dễ mắc phải các cơn khó thở, tức ngực hoặc tim đập nhanh.
Đổ mồ hôi: bàn tay ướt và sệt, cơ thể toát mồ hôi nóng hoặc lạnh.
Trong vài trường hợp, tình trạng suy sụp tinh thần là biểu hiện của những chứng tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rối loạn lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), cần đến sự can thiệp điều trị từ những nhà chuyên môn.
Làm sao để vượt qua khủng hoảng tinh thần?
Nếu bạn nhận thấy một người thân của mình hoặc bản thân mình có những biểu hiện của tình trạng suy sụp tinh thần trầm trọng, hãy tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý ngay lập tức.
Suy sụp tinh thần hoàn toàn có thể được khắc phục và chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị bao gồm tư vấn tâm lý hoặc thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn và hạn chế những tác nhân gây căng thẳng hoặc lo âu. Ăn uống và tập thể dục điều độ, ngủ nghỉ đủ giấc và đúng giờ chính là vài giải pháp đơn giản và hiệu quả mà bạn có thể tự mình thực hiện để vượt qua cơn suy sụp và lấy lại sự cân bằng cho tinh thần.
Một chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe thể chất để chống lại bệnh tật, giúp cho tâm trí sáng suốt và đẩy lùi dần những rủi ro về mặt tinh thần. Cần hạn chế các loại thực phẩm hoặc đồ uống chứa chất kích thích như caffeine – điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và dễ ngủ hơn.
Tập thể dục điều độ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Chưa kể, việc dành thời gian vận động cơ thể hợp lý giúp chúng ta sử dụng thời gian một cách hiệu quả và có lợi cho bản thân thay vì lãng phí thời gian cho những suy nghĩ tiêu cực và lo âu. Các hoạt động tập thể hoặc các môn thể thao đồng đội khuyến khích chúng ta giao tiếp và tương tác với mọi người, giảm thiểu cảm giác bị cô lập, giúp cho tinh thần chúng ta phấn chấn và tự tin hơn. Việc vận động cơ thể cũng giúp chúng ta cải thiện giấc ngủ, tái tạo năng lượng hiệu quả cho các hoạt động thường ngày của cuộc sống.
Bạn cũng có thể học hỏi các kỹ thuật thư giãn – chẳng hạn như thiền định và các bài tập hít thở – để áp dụng cho bản thân mỗi khi cảm thấy căng thẳng hoặc xuống tinh thần trong công việc hoặc trong cuộc sống hàng ngày.
Hãy luôn chăm sóc và lưu tâm đến sức khỏe bản thân, nhận biết các dấu hiệu của tình trạng suy sụp tinh thần ngay khi chúng xuất hiện để kịp thời hành động hoặc tìm đến sự trợ giúp từ những người có chuyên môn.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Tổng hợp