Ngứa lòng bàn tay là bệnh gì? Làm sao để điều trị? • Hello Bacsi

Cùng tìm hiểu ngứa bàn tay là bệnh gì, các nguyên nhân phổ biến gây ngứa lòng bàn tay và cách điều trị tình trạng này trong bài viết sau.

7 nguyên nhân phổ biến gây ngứa lòng bàn tay

Ngứa lòng bàn tay (hay còn gọi là ngứa gan bàn tay) đặc biệt khó chịu vì nó ảnh hưởng đến hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống. Bạn có thể bị ngứa khu vực này do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

1. Bị ngứa lòng bàn tay do khô da

ngứa lòng bàn tay do khô da

Khô da có thể gây kích ứng, khiến lòng bàn tay bị ngứa và khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn rửa tay quá nhiều hoặc dùng xà phòng có hoạt chất tẩy rửa mạnh. Nó cũng có thể xuất phát từ yếu tố môi trường (như thời tiết khô, lạnh, độ ẩm không khí thấp…).

2. Bệnh chàm

Bệnh chàm là tình trạng viêm da gây ngứa, đỏ, phồng rộp và nứt nẻ da. Trong đó, một dạng chàm đặc biệt được gọi là chàm tổ đỉa thường tạo ra những mụn nước nhỏ khiến lòng bàn tay bị ngứa và sưng hoặc ngứa ở bàn tay và cả bàn chân.

Bạn có nguy cơ cao bị bệnh chàm ở tay nếu làm việc trong một số ngành nghề cần tiếp xúc thường xuyên với hóa chất hoặc các khu vực ẩm ướt như:

  • Phục vụ
  • Quét dọn, vệ sinh
  • Làm tóc
  • Chăm sóc sức khỏe
  • Thợ cơ khí

Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh cũng có nguy cơ bị chàm da cao hơn người khác.

3. Ngứa lòng bàn tay do viêm da tiếp xúc

ngứa lòng bàn tay do viêm da tiếp xúc

Tiếp xúc quá nhiều lần với các chất gây kích ứng da tay có thể dẫn đến phản ứng dị ứng, gây ngứa gan bàn tay. Tình trạng này được gọi là viêm da tiếp xúc. Hiện tượng tay bị ngứa có thể xuất hiện từ 48-96 giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Một số chất gây dị ứng hoặc kích thích gây ngứa tay hoặc ngứa trong lòng bàn tay phổ biến bao gồm:

  • Kim loại (ở nhẫn hoặc các loại trang sức khác)
  • Nước hoa
  • Găng tay cao su
  • Xà phòng
  • Chất khử trùng
  • Thuốc sát trùng
  • Bụi và đất

4. Ngứa lòng bàn tay do bệnh vảy nến

Bạn có thể bị ngứa bàn tay bàn chân do bệnh vảy nến. Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, xảy ra khi các tế bào da tăng trưởng không kiểm soát. Thông thường, các tế bào da cũ sau khi chết sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh vảy nến, quá trình tăng sinh và tái tạo tế bào da diễn ra quá nhanh, khiến các tế bào cũ và mới tích tụ, chồng chất lên bề mặt da.