Bạn có thể xem thêm: Đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?
5. Hạ đường huyết gây ớn lạnh
Hạ đường huyết là tình trạng nồng độ đường trong máu của bạn giảm xuống thấp hơn mức an toàn, dẫn tới thiếu hụt glucose cho cơ thể hoạt động, gây rối loạn. Nguyên nhân thường do người bị đái tháo đường có chế độ ăn và dùng thuốc thiếu cân bằng. Mặc dù hiếm gặp nhưng những người không mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể bị hạ đường huyết. Khi đó, cơ thể sẽ có cảm giác ớn lạnh cùng các triệu chứng phổ biến như:
- Lo lắng, cáu gắt
- Run tay chân, chóng mặt
- Mệt mỏi
- Đổ mồ hôi, da lạnh ẩm
- Cảm thấy đói cồn cào
- Buồn nôn
- Mắt nhìn mờ
- Tim đập nhanh
Hạ đường huyết cần điều trị ngay lập tức để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường. Nếu trong giai đoạn mới phát triệu chứng, bạn có thể bổ sung đường đơn giản bằng cách ăn kẹo, uống nước trái cây hoặc soda có đường. Nếu bạn có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, hãy tự ý thức cũng như báo cho người thân biết về tình trạng của bản thân. Khi đi khám bệnh, cho dù không bị đái tháo đường, bạn cũng nên tham vấn ý kiến bác sĩ. Nếu không được xác định để điều chỉnh, hạ đường huyết nặng có thể khiến bạn bị co giật hoặc bất tỉnh.
Bạn có thể xem thêm: Tập thể dục kiểm soát đường huyết.
6. Cơ thể quá gầy
Cơ thể quá gầy hay còn gọi là suy dinh dưỡng, dùng chỉ tình trạng thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết. Suy dinh dưỡng có thể xảy ra do khả năng tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng kém, mắc bệnh lý ảnh hưởng việc hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc bị rối loạn ăn uống như chán ăn. Nếu không cân bằng các chất dinh dưỡng, các chức năng cơ thể có thể không hoạt động đúng. Khi không đủ lượng chất béo để duy trì thân nhiệt trước điều kiện nhiệt độ thấp, bạn có thể bị ớn lạnh. Ngoài ra, các triệu chứng khác của suy dinh dưỡng là:
- Hay mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Cơ thể yếu ớt
- Khó tập trung
- Sắc da nhợt nhạt
- Phát ban
- Tim đập nhanh
- Ngất xỉu hoặc choáng váng
- Cảm giác châm chích hoặc tê bì các khớp và tứ chi
- Ở phụ nữ có thể bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc vô sinh
Suy dinh dưỡng là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.
7. Ớn lạnh do tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn bị lạnh run người nhưng không sốt, có thể đó là do tác dụng phụ của một số loại thuốc (đơn lẻ hoặc kết hợp). Dùng thuốc sai liều cũng gây ra cảm giác ớn lạnh, từ thuốc kê toa, không kê toa đến thực phẩm chức năng.
Hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc nhằm nắm được thông tin về tác dụng phụ. Nếu nghi ngờ nguyên nhân của những cơn ớn lạnh là các thuốc bạn đang sử dụng, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết. Nếu có các triệu chứng bất thường hay nghiêm trọng, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám.
8. Phản ứng do cảm xúc
Ớn lạnh có thể xảy ra nếu bạn có phản ứng cảm xúc sâu sắc hoặc mãnh liệt trước một tình huống. Sợ hãi hoặc lo lắng là hai nguyên nhân thường gặp nhất khiến bạn cảm thấy lạnh người. Đôi khi, bạn cũng có cảm giác này nếu được trải nghiệm những thông tin sâu sắc theo hướng tích cực, chẳng hạn như nghe nhạc hoặc nghe các bài diễn thuyết truyền cảm hứng.