Nhẫn nại, nhẫn nhịn


Nhẫn nại, nhẫn nhịn

Cũng theo Từ điển này, thì ngược lại với Nhẫn nại là nôn nóng, là nóng vội, là sốt ruột. Ngược lại với Nhẫn nhịn là hung hăng, là vội vàng, là phải làm bằng được với mọi giá, bất chấp hậu quả.

Như thế, chỉ cần qua các định nghĩa ta thấy ngay được Nhẫn nại và Nhẫn nhịn là hai đức tính cực kỳ quan trọng, nó đòi hỏi phải có quá trình luyện tập, rèn giũa. Ngay từ lúc nhỏ, nếu ta được cha mẹ luyện cho tính nhẫn nại, nhẫn nhịn thì lớn lên sẽ tránh được những hiểm nguy và tạo ra nhiều cơ hội để ta thăng tiến cuộc đời mình.

P. Osmans đã đánh giá rất cao sự nhẫn nhịn với cách nhìn hết sức logic và nhân bản về những khó khăn mà con người gặp phải trên bước đường đời khi ông viết: “Sự nhẫn nhịn không phải là sự bạc nhược, nó chỉ cốt để xác thực điều này: Phần lớn những chướng ngại vật mà ta thường gặp đều rắn chắc hơn cái đầu của ta” (La résignation n’est pas une forme de la faiblesse. Elle est une certitude: La plupart des obstacles sont plus durs que notre tête). Chúng ta cần biết ơn Osmans về sự khẳng định này của ông. Nó giúp ta tỉnh táo để không “lấy trứng chọi đá”, không “tự lấy đá ghè vào chân mình”, mà ta tìm cách khác, vẫn có hiệu quả mà tránh được những tai nạn, những tai biến, những “phản ứng phụ” do những phút nóng giận, những phút “mất khôn”, những phút “thiếu thận trọng, thiếu bình tĩnh, thiếu bình an trong tâm” gây nên những tai họa từ nhỏ đến lớn.

Khi càng lớn, càng trưởng thành, ta càng yêu quý cái định đề triết học của Osmans là: Nhẫn nhịn không phải là bạc nhược, càng không phải là hèn kém, mà trên thực tế nhẫn nhịn chính là sự khôn ngoan tuyệt đỉnh.

Trong các bài giảng của Đức Đạt Lai Lạt ma, người đã được giải Nobel Hòa bình thế giới và của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã được đề nghị nhận giải Nobel Hòa bình thế giới, ai cũng nhận thấy cái ý chính, ý chủ đạo của các vị đó là: Tâm bình an, hay Tâm an lạc, hay Bình an trong tâm trí ngay bây giờ (Now) và tại đây (Here) mới chính là cái sức mạnh giúp con người vượt mọi chông gai, mọi bất hạnh ở đời.

Đại thi hào Pháp François de La Rochefoucauld (1613-1680) đã nói rất đúng: “Sự can đảm đem lại sức mạnh, nhưng chính sự nhẫn nhịn mới giữ cho tâm hồn được yên tĩnh” (Le courage donne la force, mais la résignation seule laisse l’âme dans la calme). Mà ta đã biết được sức mạnh của tâm bình an, của an tĩnh tâm hồn trong cuốn sách mới được phát hành có tên “Sức mạnh của tĩnh tâm” của tác giả Hải Hoa, do nhà xuất bản Thanh niên phát hành, đã có những gợi ý sau:

– Ta cần gặp được cái Tôi tĩnh tâm để chống lại những lo lắng, bất an, những chán chường tuyệt vọng, những cay đắng mệt mỏi.

– Ta cần tìm được Chốn tĩnh lặng riêng cho tâm hồn mình để vẫn thấy bình tâm khi: trước mắt là vực thẳm, tạm thời chịu thiệt thòi, chịu ấm ức bị vu oan, vu vạ, trước mắt là đau khổ tủi nhục, đói khát thiếu thốn, xấu hổ.

Khi tham khảo thêm ta thấy: đại thi hào Nga Pushkin đã từng viết: “Tất cả hạnh phúc nhân gian đều nằm trong sự bình yên nội tâm”, Đức Đạt Lai Lạt Ma viết: “Không có hạnh phúc nhân gian nào sánh nổi với tâm bình an”, ta càng thấy vững tin vào sức mạnh nội tại trong mỗi con người chúng ta khi biết rèn luyện ý chí nhẫn nhịn trong một tâm thế vững vàng của tâm bình an.

Trong cuộc sống hàng ngày, dù bất kỳ công việc gì, trong thời gian nào, không gian nào đi chăng nữa thì sự nhẫn nhịn vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động và suy nghĩ khôn ngoan, uyên bác, già dặn kinh nghiệm.

Trong một cuốn sách cổ phương Đông, người ta đã nói rất rõ, rất dễ hiểu: “Nhẫn nhịn là của báu của thân mình, chẳng biết nhẫn nhịn là cái họa của thân mình” (Nhẫn thị thân chi bảo, bất nhẫn thân chi họa). Chỉ cần nêu một vài thí dụ sau đây sẽ thấy rõ cái họa của sự nóng giận, không biết nhẫn nhịn:

– Cô giáo Lan là một giáo viên mẫu giáo giỏi, phương pháp dạy tốt, nhiệt tình với trẻ, chỉ phải mỗi tội nóng tính, hay nói thẳng. Một lần gặp một em học sinh rất hư con nhà có thế lực, nói mãi không được, cô đã đánh mấy cái vào mông. Đứa bé gào khóc om xòm, cha mẹ cháu đến gặp Hiệu trưởng làm ầm ĩ, gây áp lực để nhà trường sa thải cô giáo Lan bằng được. Ai cũng thương cho Lan, nhưng vì nhà trường đã chịu sự giúp đỡ tài chính nhiều năm của phụ huynh cháu bé, nên Lan đành chịu thiệt thòi, bị mất việc, đành phải về quê ăn bám cha mẹ.

– Kỹ sư K là một người thẳng thắn, hay nói thẳng, tuy có chuyên môn vững vàng nhưng không thấy được đề bạt, cất nhắc bao giờ. Mọi người tử tế đều khuyên K nên suy nghĩ chín chắn và mềm mỏng hơn khi góp ý với lãnh đạo của viện từ trên xuống dưới, sẽ có lợi cho việc góp ý của mình hơn. K thản nhiên tuyên bố: “Rồi các ông xem, cây ngay không sợ chết đứng”. Thế rồi, “cây ngay không sợ chết đứng” bị điều lên cơ sở 2, anh chán nản bỏ việc. Sau khi Thanh tra Bộ về làm việc, giám đốc đi tù, K được gọi đi làm lại, nhưng anh đã hết nhiệt tình với chuyên môn, ở nhà sản xuất nông nghiệp. Thế là chỉ vì không biết mềm mỏng, hỏng cả một sự nghiệp chuyên môn.

Một danh ngôn cổ phương Đông khác rất nổi tiếng đã từng được lấy làm đề thi Tú tài của thế kỷ trước, đó là câu: “Nhẫn nhịn được cái sự tức giận một lúc, sẽ tránh được cái lo âu trăm ngày” (Nhẫn đắc nhất thời chi khí, đắc bách nhật chi ưu). Những việc ta thường gặp hàng ngày đã chỉ rõ: có khi cái sai, cái ác, cái không thật, cái giả dối ngang nhiên tồn tại mà muốn đấu tranh để loại trừ nó cũng không phải dễ dàng. Phải có thời gian, phải có nhiều người tán đồng mới có kết quả tốt được. Trong thời gian chờ đợi đó phải hành xử khôn ngoan, tránh cho việc mất đoàn kết nội bộ, tránh việc có hại cho cá nhân người dám đấu tranh. Đây là một nguyên tắc sống khôn ngoan, nên câu danh ngôn từ hàng ngàn năm trước để lại vẫn thấy đúng, vẫn thấy sáng tỏ cho tất cả chúng ta.

Để bổ sung kiến thức trong quá trình rèn luyện kỹ năng sống nhẫn nại, sống nhẫn nhịn, ta cần tham khảo thêm mấy nguyên tắc sống quan trọng đã được các danh ngôn thời trước tổng kết để đưa vào danh sách “Những túi khôn”. Đó là ý kiến của học giả G. Herbert (1543-1633), ông viết: “Một người khôn ngoan không bao giờ màng đến những gì mình không thể có” (A wise man cares not for what he cannot have). Đây là một mệnh đề triết học cực kỳ quan trọng, nó soi sáng cho ta trong suốt cuộc đời. Biết bao cảnh “cười ra nước mắt” vì “trèo cao ngã đau”, vì “đũa mốc chòi mâm son” xảy ra ở cả thế kỷ trước, xảy ra ở thế kỷ này, mà nguyên nhân chính là không biết mình là ai, mình đang ở đâu, mình sẽ đi đến đâu. Phải hiểu rõ quy luật “Cây cao thì gió càng lay / Càng cao danh vọng càng dày gian nan” (Ca dao Việt nam).

Cho nên cứ phấn đấu hết sức, cứ nỗ lực hết sức, còn cái kết quả thu được đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy cần phải nhẫn nại, nhẫn nhịn, tự bằng lòng với cái mình đang có. Đừng đứng núi này trông núi kia mà đâm ra suốt đời thèm khát, đau khổ.

Cần tham khảo kỹ câu danh ngôn: “Cứ biết đủ là sẽ thấy hạnh phúc, không cầu cạnh ham muốn thì luôn giữ được cái phẩm giá của mình” (Tri túc tâm thương lạc, vô cầu phẩm tự cao). Câu này rất chuẩn, vì làm gì có ai biết được có bao nhiêu tiền là đủ, là hơn được người khác. Cứ thèm khát mãi thì cứ khổ sở mãi, chẳng khi nào được yên lòng. Còn suốt đời cứ cầu cạnh, nhờ vả để mong tiến thân thì được chẳng thấy đâu, chỉ mang cái nhục vào người.

Khép lại bài viết, nên nhớ đến câu danh ngôn thú vị của người Pháp cổ: “Mưu mẹo của người không có mưu mẹo, chính là sự kiên nhẫn” (La ruse de qui est sans ruse, c’est la patience).