Giải Lịch sử 4 Bài 25: Quang Trung đại phá quân Thanh (Năm 1789) giúp các em học sinh lớp 4 hệ thống lại những kiến thức lý thuyết trọng tâm, cùng gợi ý trả lời các câu hỏi trong SGK Lịch sử 4 trang 60, 61, 62, 63.
Qua đó, giúp các em củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải Lịch sử lớp 4 thật thành thạo. Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án bài 25 Lịch sử 4 cho học sinh của mình. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Lý thuyết bài Quang Trung đại phá quân Thanh (Năm 1789)
1. Nguyên nhân
- Cuối năm 1788, mượn cớ giúp nhà Lê, quân Thanh sang xâm chiếm nước ta.
- Nguyễn Huệ liền lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung, kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh.
2. Diễn biến
- Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, Quang Trung chỉ huy quân ra Tam Điệp, chia thành 5 đạo quân tiến ra Thăng Long.
- Đêm mồng 3 tết năm Kỉ Dậu (1789), quân ta kéo tới sát đồn Hà Hồi, vây kín đồn khiến quân Thanh hoảng sợ và xin hàng.
- Mờ sáng mồng 5 tết, quân ta tấn công đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh bắn đại bác dữ dội nhưng quân ta vẫn tìm cách xông vào như bão. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Quân Thanh chết nhiều vô kể và bỏ chạy về phía Thăng Long.
- Tiếp đó, quân ta đánh mạnh vào đồn Đống Đa khiến tướng giặc phải thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị nghe tin báo hoảng sợ cùng đám tàn quân vượt sông Hồng chạy về phương Bắc
3. Kết quả và ý nghĩa
- Kết quả: Quân Thanh hoảng loạn, bỏ chạy về nước. Quân ta hoàn toàn giành thắng lợi.
- Ý nghĩa: Đánh bại quân xâm lược của nhà Thanh, bảo vệ nền độc lập cho dân tộc.
Giải bài tập SGK Lịch sử 4 trang 63
Câu 1
Dựa vào lược đồ hình 1, em hãy kể lại trận Ngọc Hồi, Đống Đa.
Trả lời:
Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (tháng 1 năm 1789), Quang Trung chỉ huy quân ra đến Tam Điệp (Ninh Bình). Quân sĩ được lệnh ăn Tết trước, rồi chia thành 5 đạo quân tiến ra Thăng Long.
Chủ tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị biết được tin đó nhưng có ý khinh thường.
Đêm mồng 3 Tết năm Kỉ Dậu (1789), quân ta kéo tới sát đồn Hà Hồi (cách Thăng Long 20km về phía nam) mà giặc vẫn không hề biết. Vào lúc nửa đêm, quân ta vây kín đồn Hà Hồi, Quang Trung bắc loa gọi. Tướng sĩ dạ rầm trời. Quân Thanh trong đồn hoảng sợ xin hàng.
Mờ sáng mồng 5 Tết, quân ta tấn công đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh bắn đại bác ra dữ dội, khói lửa mù mịt. Quân ta ghép các mảnh ván thành tấm lá chắn, lấy rơm dấp nước quấn ngoài, rồi cứ 20 người một tấm tiến lên. Vua Quang Trung cưỡi voi chỉ huy. Tới sát cửa đồn, quân ta bỏ lá chắn xông vào như vũ bão. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Quân giặc chết nhiều vô kể Đồn Ngọc Hồi bị mất, tàn quân Thanh bỏ chạy về phía Thăng Long, bị quân ta phục kích tiêu diệt.
Cũng vào mờ sáng mồng 5 Tết, quân ta đánh mạnh vào đồn Đống Đa (Hà Nội). Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Xác giặc chất thành gò đống. Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo, hoảng sợ cùng đám tàn quân vượt qua sông Hồng chạy về phương Bắc.
Quân ta toàn thắng.
Câu 2
Em biết thêm gì về công lao của Nguyễn Huệ – Quang Trung trong việc đại phá quân Thanh?
Trả lời:
Ngay sau khi đại phá quân Thanh ở trận Ngọc Hồi – Đống Đa, vua Quang Trung tìm cách xóa bỏ thù hằn bằng việc chiêu hàng, nuôi dưỡng hàng vạn tù binh nhà Thanh và thu dọn, cúng tế chiêu hồn quân Thanh; thực thi chính sách hòa giải với cường quốc phương Bắc và triều cống, xin phong vương. Bằng một kế sách ngoại giao khôn khéo, mua chuộc được các cận thần nhà Thanh (Phúc Khang An, Hoà Thân…), Nguyễn Huệ đã được vua Thanh chấp nhận cầu phong để nhà Tây Sơn chính thức thay thế nhà Lê làm chủ Đại Việt.