Tạp chí Xây Dựng Đảng – Vi-rút chia rẽ thế giới

Chuyện không của riêng ai

Phiên họp thứ 47 của HĐNQ LHQ ngày 13-7 thông qua một nghị quyết do các nước châu Phi cùng đưa ra giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống. Đây là nghị quyết đầu tiên của HĐNQ LHQ sau ngày nước Mỹ và cả thế giới sục sôi vì cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd trong tay cảnh sát vào tháng 5 năm ngoái. Nghị quyết là lời kêu gọi hợp tác khẩn cấp ở mức độ toàn cầu, chung tay đẩy lùi “vi-rút” nguy hiểm đang gây chia rẽ thế giới nói chung và “bào mòn” xã hội của từng quốc gia nói riêng.

Có thể nói khi nhắc đến phân biệt chủng tộc, không thể không nhắc tới nước Mỹ – mảnh đất đa chủng tộc nhất trên thế giới, cũng là nơi vấn nạn này rõ rệt và gay gắt hơn bất cứ đâu. Là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ, nhưng tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người da màu vẫn âm ỉ cho dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”. Tháng 5-2020, vụ việc người đàn ông da màu bị viên cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn tới tử vong đã khiến cả nước Mỹ chìm trong biểu tình và hỗn loạn. Người gốc Phi chỉ chiếm 13% dân số Mỹ nhưng lại chiếm tới 36% số nạn nhân bị cảnh sát bắn dù họ không hề tàng trữ vũ khí trong người hay có ý định chống trả. Bạo lực nhằm vào người gốc Á cũng không phải là chuyện hiếm, song kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những vụ kỳ thị, tấn công người gốc Á tăng lên đáng kể.

Hình ảnh những người da đen bị đối xử thô bạo xuất hiện trên truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội tại Mỹ. Những con số biết nói trong đại dịch COVID-19 cho thấy rõ nét nhất sự phân biệt này, khi người da màu trở thành nhóm gánh chịu nhiều hậu quả nhất của đại dịch. Nguyên nhân do xã hội Mỹ là một hệ thống phân cấp mà ở đó các chính sách luôn có lợi cho người da trắng và bất lợi hơn đối với người da màu, đặc biệt người gốc Phi.Tạp chí Xây Dựng Đảng - “Vi-rút” chia rẽ thế giới

Theo các số liệu thống kê, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong vì đại dịch cao gấp đôi so với người da trắng và tương tự người Mỹ gốc La-tinh hoặc bản địa (Anh-điêng) cũng đối mặt với nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 lần so với người da trắng. Số lượng bác sĩ da màu chỉ chiếm 5% trong số nhân viên y tế tại Mỹ, trong khi vấn đề đăng ký và phân bổ vắc-xin cũng có sự phân biệt rõ rệt. Ngoài ra, người da màu chủ yếu làm các công việc chân tay, tiếp xúc trực tiếp với nhiều người, khiến họ trở thành đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Điều kiện sống chật chội trong khi đa phần họ không có đủ tiền chi trả để được chăm sóc y tế vào lúc cần thiết nhất. Phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất Mỹ: từ trường học, công sở, tòa án, cho đến ngành cảnh sát… Đó là những nơi mà người ta thấy dường như người da trắng luôn nắm các vị trí chủ chốt, ra quyết định. Và nếu ở đâu đó có một số người da màu giữ được vị trí tương tự thì con đường để tới đó là sự nỗ lực gấp hơn nhiều lần các đồng nghiệp da trắng.

Có thể nói, phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề riêng của nước Mỹ hay của người da trắng nói chung, mà là của cả thế giới. Tại nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, những người gốc Phi phải sống trong tình cảnh nghèo đói và phải đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm, cũng như tham gia hoạt động chính trị và các quyền cơ bản khác của con người. Nạn phân biệt chủng tộc cực đoan dựa trên tư tưởng thúc đẩy chủ nghĩa dân túy, phân biệt đối xử và đề cao chủ nghĩa thượng đẳng da trắng đang bùng phát tại nhiều nơi tại châu Âu, kéo theo “làn sóng” bài ngoại chủ yếu nhằm vào những người di cư và tị nạn, người Hồi giáo hay người Do Thái. Tại châu Âu, nhiều đảng cực hữu dân túy tìm cách giành sự ủng hộ của cử tri với những tuyên bố kích động tư tưởng kỳ thị chủng tộc, chống người nhập cư và chống lại chủ nghĩa đa văn hóa. Trong khi đó phân biệt chủng tộc còn xuất hiện ngay trong lòng châu Phi hay châu Á khi không thiếu những dân tộc tỏ ra “kẻ cả”, xem thường những dân tộc khác.

Căn bệnh khó chữa

Phân biệt chủng tộc có lẽ xuất phát từ niềm tin rằng các nhóm người sở hữu những đặc điểm hành vi khác nhau tương ứng với ngoại hình và có thể được phân chia dựa trên sự vượt trội của chủng tộc này so với chủng tộc khác. Những quan điểm này có thể ở dạng hành động xã hội, thực tiễn hoặc tín ngưỡng, hệ thống chính trị, trong đó các chủng tộc khác nhau được xếp hạng là vượt trội hoặc kém hơn, dựa trên những đặc điểm, khả năng hoặc phẩm chất được thừa nhận chung.

Từ trước tới nay, người ta đã phân tích và tranh cãi về nguồn gốc của nạn kỳ thị chủng tộc, về tính chính đáng của các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng. Nhưng dù tranh cãi theo hướng nào, chúng ta cũng phải thừa nhận nó là hậu quả từ một lịch sử phân biệt đối xử của người da trắng đối với người da màu. Một điểm đáng chú ý của Nghị quyết vừa được HĐNQ LHQ thông qua cũng nhấn mạnh tình trạng buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương là nguồn gốc và biểu hiện chính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Tổ tiên của những cư dân gốc Phi đã từng bị bắt làm nô lệ, bị xem như món hàng mua qua bán lại, vì thế, họ bị chia cách với gia đình, bị tách khỏi cấu trúc cộng đồng dân tộc, bị cắt đứt khỏi gốc rễ quê hương và mất liên hệ với cội nguồn văn hoá. Người da màu với lịch sử khó khăn của mình vẫn là nhóm người yếu thế trong con mắt của nhiều người khác. Tỷ lệ thất học, đói nghèo và tội phạm trong cộng đồng người da màu luôn cao hơn so với các nhóm người khác. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống và bạo lực liên quan tới sắc tộc ngày nay bắt nguồn từ việc các quốc gia không có sự thừa nhận chính thức về trách nhiệm của mình đối với việc các chính phủ trong quá khứ đã từng tham gia hoặc trục lợi từ hoạt động buôn bán nô lệ châu Phi xuyên Đại Tây Dương và chủ nghĩa thực dân. Bản thân lịch sử phân biệt chủng tộc trên nước Mỹ bắt đầu từ thời mua bán nô lệ da đen cách đây khoảng 400 năm. Người da đen đã bị đối xử vô cùng tồi tệ trong suốt thời gian dài cho tới năm 1964 khi Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) được thông qua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu về lao động có tay nghề cao hơn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, châu Âu và các nơi khác đã khiến làn sóng thu hút lao động nước ngoài gia tăng. Tuy nhiên điều này làm gia tăng sự phẫn nộ của những người địa phương ở những quốc gia không được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Sự thù ghét có nguyên nhân và cũng không phải vô cớ. Những người nước ngoài nhập cư có lối sống khác biệt văn hoá và mọi thứ đều ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, họ luôn đòi hỏi được cư xử như người bản địa, dẫn đến suy nghĩ phân biệt đối xử, thù ghét từ những người dân địa phương. Mối lo ngại thay đổi văn hóa cũng lớn không kém mối lo ảnh hưởng tới việc làm hay an ninh, khiến một bộ phận người dân bản địa phản đối người nhập cư. Phân biệt chủng tộc gia tăng và việc chính quyền thiếu phương tiện đối phó đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của phe hữu theo chủ nghĩa dân túy và chống nhập cư. Điển hình trong câu chuyện Brexit, một trong những nguyên nhân khiến 52% cử tri Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) được cho là một phần có tâm lý “thù ghét” người di cư, kể cả người di cư từ các quốc gia khác trong EU, coi đây như mối đe dọa đến việc làm và an ninh của người dân Anh. Không ít đảng dân túy ở châu Âu khi tranh cử đã nêu khẩu hiệu “giành lại đất nước mình”. Chiến thắng của các đảng dân túy cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu trong vài năm trở lại đây gắn liền với làn sóng bài ngoại và phân biệt chủng tộc, chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư, gây chia rẽ, bất ổn xã hội trầm trọng.

Xét cho cùng, mỗi dân tộc đều ít nhiều mang tâm lý phân biệt theo quy luật, nước mạnh xem thường nước yếu, dân tộc phát triển khinh rẻ dân tộc kém phát triển hơn. Và nếu xét theo qui mô nhỏ hơn, nhưng lại mang tính chung hơn là nhóm phát triển hơn coi khinh nhóm kém phát triển; người mạnh hơn, khôn hơn xem thường người yếu thế hơn, kém trí hơn. Có một hiện tượng đáng chú ý là khi một nhóm người bị khinh miệt, chính họ lại có nguy cơ gia tăng lòng phân biệt chủng tộc đối với các nhóm thấp kém hơn, như một cách tự nâng mình lên để giải toả sự ẩn ức. Nhưng nhìn chung, có thể nói nguyên nhân chính yếu khiến người ta dễ khinh thường người khác hay dân tộc khác là vì họ cho rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn, dân tộc mình tiến bộ, văn minh hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có dân tộc nào thông minh thượng đẳng bên cạnh những dân tộc thấp kém trí tuệ hay không? Thước đo phát triển công nghệ, khoa học – kỹ thuật khiến nhiều người lầm tưởng về thuyết tiến hoá và ngành di truyền học. Trong khi đó, tiêu chuẩn văn minh tiến bộ lại do chính những người, những nước có sức mạnh về quân sự và khoa học- kỹ thuật phát triển tự đặt ra. Do đó, xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của tình trạng phân biệt chủng tộc chính là thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị, tự tôn thờ bản thân. Tư duy này ăn sâu vào hành động xã hội, thực tiễn, tín ngưỡng hoặc hệ thống chính trị, cội nguồn dẫn đến sự khác biệt trong việc phân bổ của cải, phúc lợi xã hội cho các nhóm người khác nhau. Sự khác biệt này lại càng trở nên sâu sắc giữa các quốc gia khi có sự chênh lệch rõ ràng về trình độ phát triển và quản lý.

Nước Mỹ thời gian qua sục sôi với những phong trào chống phân biệt chủng tộc, kéo theo những hệ lụy bất ổn xã hội, cho thấy sống tại một đất nước đa sắc tộc cũng không có nghĩa là sự đa dạng sắc tộc ấy được trân trọng và đánh giá đúng. Khi mà những tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng chưa bị xóa bỏ, cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới, nơi mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, cũng như có tiềm năng để đóng góp mang tính xây dựng cho sự phát triển và thịnh vượng của xã hội, sẽ là một chặng đường dài đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa.

Xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của tình trạng phân biệt chủng tộc chính là thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị, tự tôn thờ bản thân. Tư duy này ăn sâu vào hành động xã hội, thực tiễn, tín ngưỡng hoặc hệ thống chính trị, cội nguồn dẫn đến sự khác biệt trong việc phân bổ của cải, phúc lợi xã hội cho các nhóm người khác nhau. Sự khác biệt này lại càng trở nên sâu sắc giữa các quốc gia khi có sự chênh lệch rõ ràng về trình độ phát triển và quản lý.