Phương pháp luyện viết đúng, viết đẹp cho học sinh lớp 1
“Nét chữ – Nết người”, đối với các em nhỏ đặc biệt là những em học sinh bắt đầu vào lớp 1, việc rèn luyện viết chữ là một việc rất qua trọng. Việc rèn luyện chữ viết không chỉ giúp các em viết đẹp mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn, sự chịu khó và chăm chỉ. Để các em có được nét chữ đẹp, sự chỉ bảo của giáo viên trên lớp là không đủ, quý phụ huynh cũng nên quan tâm và hướng dẫn trẻ. Sau đây, mời các thầy cô giáo và quý phụ huynh tham khảo phương pháp luyện viết đúng, viết đẹp cho học sinh lớp 1.
Dạy học sinh viết đúng, viết đẹp thành thạo các nét cơ bản.
Công đoạn đầu tiên, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm được các thuật ngữ dòng kẻ trong vở ô li, vở Tập viết, tập tô chữ, trên bảng con, bảng lớp. (Ví dụ như đường kẻ 1,2…đường kẻ đậm. Oli 1,2….)
Tiếp theo, hướng dẫn cho học sinh nắm chắc và viết tốt các nét cơ bản của chữ; nắm được tên gọi và cấu tạo của từng nét cơ bản bao gồm: Nét ngang, nét sổ, nét xiên trái, nét xiên phải, nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu (là kết hợp của nét móc xuôi và nét móc ngược), nét cong hở phải, nét cong hở trái, nét cong khép kín, nét khuyết trên, nét khuyết dưới, nét thắt.
Việc nắm chắc cách viết, viết đúng, viết đẹp, thành thạo các nét cơ bản, nắm được cấu tạo của từng chữ cái giúp cho việc nối các nét thành chữ cái sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó, dạy học sinh cách xác định tọa độ của điểm đặt bút và điểm dừng bút phải dựa trên khung chữ làm chuẩn. Hướng dẫn học sinh hiểu điểm đặt bút là điểm bắt đầu khi viết một nét trong một chữ cái hay một chữ.
Điểm dừng bút là vị trí kết thúc của nét chữ đa số điểm kết thúc ở 1/2 ô li. Riêng đối với con chữ o vì là nét cong tròn khép kín nên điểm đặt bút trùng với điểm dừng bút.
Để chữ viết không bị rời rạc, đứt nét giáo viên cần nhấn mạnh hơn chỗ nối nét, nhắc các em viết đều nét, liền mạch đúng kĩ thuật
Dạy cách rê bút
Rê bút là nhấc nhẹ đầu bút nhưng vẫn chạm vào mặt giấy theo đường nét viết trước hoặc tạo ra việt mờ để sau đó có nét viết khác đè lên.
Từ rê được hiểu theo nghĩa di chuyển chậm đều đều, liên tục trên bề mặt của giấy, do vậy giữa đầu bút và mặt giấy không có khoảng cách. (Cái này có thể hiểu là không được nhấc bút).
Dạy cách lia bút
Lia bút là dịch chuyển đầu bút từ điểm dừng này sang điểm đặt bút khác, không chạm vào mặt giấy. Khi lia bút, ta phải nhấc bút lên để đưa nhanh sang điểm khác, tạo một khoảng cách nhất định giữa đầu bút và mặt giấy.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh về quy trình viết một chữ cái, rèn kĩ thuật nối chữ, viết liền mạch người giáo viên cần lưu ý sử dụng các thuật ngữ trên cho chính xác.
Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh viết chữ m, giáo viên hướng dẫn như sau:
Đặt bút giữa hai đường kẻ dọc, cao 2/3 đơn vị chữ viết nét móc đến đường kẻ đậm, tiếp tục đưa lên viết nét móc thứ 2, viết liền mạch với nét móc 2 đầu, dừng bút ở giữa ĐVC. Độ rộng giữa gia nét xổ là 1,5 ĐV
Rèn viết đúng trọng tâm các nhóm chữ
Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo nét và mối quan hệ về cách viết các chữ cái, để học sinh viết đúng kĩ thuật, viết đẹp, nắm chắc mẫu chữ.
Giáo viên chia chữ viết thành các nhóm và xác định trọng tâm đại diện cho mỗi nhóm chữ gồm những nét nào, những nét chữ nào học sinh hay viết sai, học sinh gặp khó khăn gì khi viết các nhóm chữ đó để khắc phục nhược điểm giúp học sinh viết đúng và đẹp mẫu chữ trong trường tiểu học cỡ vừa như sau:
Nhóm 1: Gồm các chữ: m, n, u, ư, i, t, v,r, p
Với nhóm này, các lỗi học sinh hay mắc là viết chưa đúng nét nối giữa các nét, nét móc thường hay bị đổ nghiêng, nét hất lên thường bị choãi chân ra không đúng.
Cách khắc phục: Cho học sinh luyện viết nét sổ có độ cao 2 ô li, sau đó mới viết nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu có độ cao 2 ô li thật đúng, thật thẳng.
Khi học sinh viết thành thạo các nét đó, cho học sinh ghép các nét thành chữ. Khi ghép chữ luôn chú ý điểm đặt bút, điểm dừng bút, độ cao, độ rộng của mỗi nét để chữ viết cân đối, đẹp.
Nhóm 2: Gồm các chữ: b, l, h, k, y
Các lỗi hay mắc: Học sinh hay viết sai điểm giao nhau của nét, chữ viết còn cong vẹo.
Cách khắc phục: Trước tiên cho học sinh viết nét sổ có độ cao 5 ô li một cách ngay ngắn, thành thạo để rèn tư thế cầm bút chắc chắn cho học sinh. Sau đó dạy học sinh viết nét khuyết trên có độ cao 5 ô li, độ rộng trong lòng 1 ô li.
Để giúp học sinh viết đúng điểm giao nhau của các nét khuyết, hướng dẫn học sinh đặt một dấu chấm nhỏ vào sát đường kẻ dọc, trên dòng kẻ ngang 2 của li thứ tư và rèn cho học sinh luôn đưa bút chìtừ điểm bắt đầu qua đúng chấm rồi mới đưa bút lên tiếp viết nét khuyết trên có độ rộng bằng 1 li. Tương tự như vậy, dạy học sinh viết nét khuyết dưới có độ cao 5 ô li, độ rộng 1 ô li.
Khi dạy viết chữ h, hướng dẫn Viết nét khuyết trên trước, từ điểm dừng bút của nét khuyết trên ở ĐK ngang 1 rê bút viết tiếp nét móc hai đầu có độ cao 2 li, độ rộng 1 li dừng bút ở ĐK ngang 2. Tương tự như vậy với các chữ còn lại.
Nhóm 3: Gồm các chữ: o, ô, ơ,a, ă, â, c, x, d, đ, q, g, e, ê, s
Các lỗi học sinh hay mắc: viết chữ o chiều ngang quá rộng hoặc quá hẹp, nét chữ không tròn đều đầu to, đầu bé, chữ o méo. Hầu hết các em viết chữ o xấu.
Cách khắc phục: Để viết được đúng và đẹp nhóm chữ này thì cần phải viết chữ o đúng và đẹp tròn theo quy định.
Giáo viên cho học sinh chấm 4 điểm vuông góc đều nhau như điểm giữa 4 cạnh của hình chữ nhật và từ điểm đặt bút của con chữ o viết một nét cong tròn đều đi qua 4 chấm thì sẽ được chữ o tròn đều và đẹp. Sau đó, hướng dẫn học sinh ghép với các nét cơ bản khác để tạo thành chữ.
Để chữ viết không bị rời rạc, đứt nét phải nhấn mạnh hơn chỗ nét nối, nhất là chỗ rê bút, từ điểm dừng bút của con chữ vừa viết, rê bút lên viết liền mạch đến đâu mới được nhấc bút.
Ở phần đầu học chữ ghi âm, học sinh đã được hướng dẫn rất kĩ về độ cao, độ rộng của từng nét chữ, con chữ. Quý thầy cô có thể tham khảo ngay bài viết về các lỗi học sinh thường mắc phải tại đây Khi dạy sang phần vần tuy không cần hướng dẫn quy trình viết từng chữ song giáo viên vẫn cần thường xuyên cho học sinh nhắc lại độ cao các chữ cái, những chữ cái nào có độ cao bằng nhau, nét nối giữa các chữ cái trong một chữ ghi tiếng, khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng (bằng một con chữ o).
Khi hướng dẫn học sinh viết chữ nét thanh, nét đậm, giáo viên vừa viết mẫu vừa nói rõ quy trình viết (viết như quy trình), chỉ khác bằng một mẹo nhỏ để học sinh dễ làm theo.
Chú ý, viết các nét rê lên đưa nhẹ tay hơn một chút tạo nét thanh bé, nét kéo xuống theo chiều đầu ngòi bút chìtạo nét đậm hơn nét thanh một chút. Đối với bút mực học sinh cần viết úp ngòi xuống, cổ tay, cánh tay để vuông góc.
Với học sinh trung bình, yếu, chỉ yêu cầu các em viết đúng cỡ chữ, thẳng hàng, ngay ngắn, đều nét, liền mạch. Đối với học sinh khá giỏi, yêu cầu ở mức độ cao hơn các em viết được chữ nét thanh, nét đậm.
Nét chữ có độ mịn, mượt, không sần sùi. Chữ viết thẳng đứng, các nét chữ song song với nhau, đều nét, liền mạch, ngay ngắn và sạch đẹp.
“Khi dạy học sinh cỡ chữ nhỏ cũng thường xuyên luyện theo cách đó giúp các em nhớ lâu và viết đều nét, liền mạch, đúng độ cao, độ rộng các chữ cái”.