Trường Tiểu học Định Công: Một số biện pháp rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp 1 – Công đoàn – Cổng thông tin điện tử Quận Hoàng Mai

PHẦN THỨ NHẤT: ĐẶT VẤN ĐỀ

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Chữ viết xuất hiện là bước ngoặt trong lịch sử văn minh của loài người. Chữ viết trở thành một công cụ vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá, văn minh của từng dân tộc. Nhờ có chữ viết mà thông tin của con người được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chữ viết là một trong những công cụ giao tiếp thuận lợi và quan trọng nhất của con người. Chưa cần biết nội dung văn bản đó viết như thế nào nhưng nếu chữ viết rõ ràng, đẹp thường làm cho người đọc có cảm tình ngay.

Con người không phải từ khi cắp sách đến trường đã biết viết chữ mà phải trải qua một quá trình rèn luyện rất kiên trì. Từ xa xưa đã có tấm gương rèn luyện của ông Cao Bá Quát – một người nổi tiếng “văn hay chữ tốt”. Từ một người viết xấu đến mức không ai đọc được, nhưng nhờ có lòng kiên trì luyện tập mà ông trở thành một người có tài viết đủ các loại chữ, mà chữ nào cũng đẹp, cũng rõ ràng.

Học tập tấm gương của người xưa, nhiều năm nay, trong các trường tiểu học đã thực hiện tốt phong trào “Vở sạch – Chữ đẹp”. Ngay từ khi bắt đầu vào học lớp 1, học sinh đã được giáo viên rèn viết chữ. Như chúng ta đã biết, đối với học sinh tiểu học, việc rèn cho các em “viết đúng, viết đẹp” là một vấn đề rất quan trọng. Bởi vì, chữ viết có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các em. Ngoài ra, việc rèn chữ viết sẽ rèn luyện cho học sinh những phẩm chất tốt như: tính cẩn thận, kiên trì, tính kỉ luật và óc thẩm mĩ.

Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi người giáo viên tiểu học. Để làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên phải có sự tìm tòi, nghiên cứu và khổ luyện sao cho chữ viết của cô đúng là mẫu của trò. Đồng thời phải tìm ra các biện pháp hướng dẫn các em rèn chữ viết sao cho hiệu quả. Đối với học sinh lớp 1, các em vừa mới từ mầm non lên, bước đầu mới làm quen với cách viết cỡ chữ nhỡ ở học kì I và cỡ chữ nhỏ ở học kì II, kỹ năng viết chữ của các em còn rất nhiều hạn chế. Các em đang quen với hoạt động vui chơi là chính, lên lớp 1 các em lại phải học là chính và viết bài là hoạt động bắt buộc ngày nào học sinh cũng phải thực hiện. Qua đó, ta thấy chữ viết của học sinh lớp 1 là hết sức quan trọng.Vì vậy, giáo viên dạy lớp 1 phải tăng cường rèn luyện chữ viết cho học sinh để làm tiền đề cho các lớp trên. Đó chính là lí do tôi thực hiện đề tài “Một số biện pháp rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp 1”.

II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu đề tài này, mục đích của tôi hướng tới là trên cơ sở đánh giá thực trạng và mức độ thành công của việc rèn chữ viết cho học sinh lớp 1; Xác định nguyên nhân thành công và từ đó nâng cao chất lượng chữ viết ở lớp 1 nói riêng, ở trường tiểu học nói chung.

III. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

– Nghiên cứu các vấn đề lí luận làm cơ sở cho đề tài.

– Tìm hiểu thực trạng chữ viết của học sinh lớp 1 trong lớp mình phụ trách và trong trường mình, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Từ đó, tìm ra các biện pháp hữu hiệu để rèn chữ viết cho học sinh đạt hiệu quả cao.

Tìm hiểu nhận thức, sự quan tâm của cha mẹ học sinh về việc rèn chữ viết của con mình.

IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Phương pháp rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp 1.

2. Phạm vi nghiên cứu:

Nghiên cứu thực trạng việc áp dụng phương pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp 1 tại trường Tiểu học nơi tôi công tác.

V. GIẢ THIẾT KHOA HỌC

Nếu trong quá trình dạy học, giáo viên biết áp dụng những biện pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp 1 như trong đề tài này một cách phù hợp thì chất lượng chữ viết của học sinh sẽ được nâng lên râ rệt.

V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

– Phương pháp đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

– Phương pháp điều tra.

– Phương pháp luyện tập, thực hành

VI. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

Tôi nghiên cứu đề tài này vào năm học 2018-2019.

Phần thứ Hai: GIẢI QUYẾT VĂN ĐỀ

I. CƠ SỞ KHOA HỌC

1. C ơ s lí lu n:

Từ ngàn xưa, trong nền văn hóa của dân tộc, chữ viết đã được ông cha ta rất coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta có những nhận xét: “Văn như Siêu, chữ như Quát” mà đó chính là câu nói được truyền từ đời này qua đời khác để ca ngợi tài năng của con người và cũng là tấm gương cho những thế hệ sau học tập. Hay ta thường dùng thành ngữ “Văn hay chữ tốt” để khen những học trò giỏi và nhắc nhở những học trò chưa giỏi bằng câu: “Văn dai như chão, chữ vuông như hòm”. Rõ ràng chữ viết cũng được coi trọng chẳng kém gì nội dung văn chương. Chữ viết đẹp, dễ xem sẽ gây được thiện cảm cho người đọc. Mặt khác, chữ viết phần nào phản ánh ý thức rèn luyện, óc thẩm mỹ và tính nết của con người.

Sinh thời, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người”. Như vậy ta thấy nét chữ thể hiện tính cách con người và thông qua rèn chữ viết để giáo dục tính cách con người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, tính kỉ luật, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và bạn đọc bài vở của mình. Ngày nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin, dù đã có rất nhiều các phương tiện in ấn hiện đại song chữ viết vẫn được coi trọng, dạy chữ cũng là để dạy người.

2. C ơ s th c ti n

Việc rèn chữ viết cho học sinh luôn được coi trọng ở bậc tiểu học. Vì mục tiêu của dạy học Tiếng Việt trong trường tiểu học là rèn cho học sinh 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Thế nhưng hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp nhằm rèn luyện chữ viết cho học sinh đạt được chưa cao. Vậy nên, giáo viên cần phải quan tâm hơn nữa để tìm ra các biện pháp hữu hiệu, đồng thời thực hiện các biện pháp đó để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh nói riên và chất lượng học tập của học sinh nói chung.

Nghiên cứu đề tài này, mục đích của tôi hướng tới là trên cơ sở đánh giá thực trạng và mức độ thành công của việc rèn chữ viết cho học sinh lớp 1; Xác định nguyên nhân thành công và từ đó nâng cao chất lượng chữ viết ở lớp 1 nói riêng, ở trường tiểu học nói chung.

II. THỰC TRẠNG:

Năm học 2018-2019, tôi được phân công trực tiếp giảng dạy lớp 1. Khi nhận lớp, tôi rất lo lắng vì không biết sẽ dạy các em như thế nào để sau khi học xong lớp 1, các em biết đọc thông, viết thạo. Tôi biết rằng các em vừa mới từ bậc Mầm non lên với hoạt động vui chơi là chính thì giờ đây hoạt động học ở trường Tiểu học là hoạt động chủ đạo. Hàng ngày, viết là một hoạt động không thể thiếu được của một người học sinh nhưng thời gian đầu, rất nhiều em chỉ biết “vẽ nét chữ” chứ không phải “viết”. Ngay từ những buổi đầu học các nét cơ bản, tôi đã mạnh dạn phân loại đối tượng học sinh vì cũng có một số em được phụ huynh cho đi học lớp tiền tiểu học, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp để rèn chữ viết cho học sinh lớp mình.

Giữa học kì I, tôi đã khảo sát chữ viết của lớp qua vở luyện chữ. Kết quả như sau:

Bảng 1:

Loại

Số HS

A

B

C

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

55

10

18.2

30

54.5

15

27.2

Kết quả bảng trên cho thấy tỉ lệ chữ viết loại A còn ít, loại C còn khá nhiều. Nhiều em còn chưa nắm chắc điểm đặt bút, điểm dừng bút, độ cao, độ rộng, khoảng cách các con chữ

Bảng 2:

Tổng số học sinh

Học sinh viết đúng cỡ

chữ

Học sinh viết đúng nét cơ bản

55

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

25

45.4

27

49.0

Kết quả ở bảng 2 cho thấy, hầu hết chữ viết của học sinh không đồng đều, sai quy định về kích thước, sai các hình nét cơ bản. Số em viết sai cỡ chữ và sai các nét cơ bản còn nhiều.

* Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên:

Đa số học sinh khi bước vào lớp, các em mới làm quen với các nét cơ bản. Nhiều em thời gian đầu còn chưa ghi nhớ hết tên các âm trong bảng chữ cái. Các em chỉ mới viết ở mức độ tương đối, ghi nhớ các nét cơ bản còn chưa chắc chắn, nét chữ còn vụng về. Tốc độ viết còn rất chậm, kĩ thuật viết và việc điều khiển cây bút chưa thành thục. Một số em có tính hiếu động chỉ lo viết nhanh cho xong mà không chú ý đến viết đúng, viết chuẩn. Đa phần các em còn thiếu kiên trì, khó khăn trong việc thực hiện đúng các động tác đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Do vậy, các em thường viết sai các nét nối từ con chữ này sang con chữ kia; điểm đặt bút, dừng bút chưa đúng; viết không đúng độ rộng con chữ mà còn viết chữ dãn ra hoặc co lại; không tự ước lượng khoảng cách giữa chữ này với chữ kia; ghi dấu thanh, dấu phụ không đúng vị trí; đặc biệt các em chưa có kĩ thuật viết liền nét; chưa nắm chắc luật chính tả nên còn viết sai.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến chữ viết cũng như việc học tập của các em.

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP 1

Theo tôi, chữ viết không phải là năng khiếu bẩm sinh sẵn có của con người mà viết đẹp hay xấu phụ thuộc phần lớn vào quá trình rèn luyện. Quá trình đó lại phụ thuộc vào bản thân người học và phụ thuộc phần nhiều vào người trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo quá trình rèn luyện đó. Vậy trong quá trình rèn luyện chữ viết cho học sinh cần rèn luyện cho các em những gì? Đó là chúng ta tiếp tục củng cố kĩ thuật viết các nét cơ bản và nâng cao tốc độ viết, độ nét của chữ…

Từ suy nghĩ đó, đồng thời qua thực tế dạy học sinh luyện viết, tôi đã rút ra được một số giải pháp và tôi đã áp dụng thực tế vào việc rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp tôi khá thành công. Các giải pháp đó như sau:

1. Tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh để xây dựng phong trào “ Vở sạch- chữ đẹp ”:

1.1. Mục tiêu:

Tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh về phong trào “Vở sạch chữ đẹp” nhằm làm cho phụ huynh hiểu được ý nghĩa, tác dụng của việc rèn chữ viết cho học sinh đồng thời mong muốn có sự giúp sức, sự động viên từ phía phụ huynh để chữ viết của học sinh ngày càng tiến bộ.

1.2. Cách tiến hành:

Giáo viên tuyên truyền cho cha mẹ học sinh biết về vai trò quan trọng của việc giữ vở sạch – viết chữ đẹp, hướng dẫn phụ huynh trong việc mua sắm sách vở, bút viết, bao bìa sách vở; phổ biến các tiêu chuẩn cụ thể khi xếp loại vở sạch chữ đẹp hàng tháng.

Hàng tuần, hàng tháng, từng học kỳ giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo tình hình học tập và rèn luyện chữ viết của học sinh qua sổ liên lạc điện tử để phụ huynh có kế hoạch kèm cặp con thêm ở nhà.

2. Xây dựng phong trào “ V ở sạch – chữ đẹp” ngay từ đầu năm học:

2.1. Mục tiêu:

Để xây dựng thành công phong trào “Vở sạch – chữ đẹp”, ngay từ đầu năm, giáo viên phải tuyên truyền để cho học sinh hiểu tầm quan trọng của việc rèn chữ, giữ vở từ đó học sinh sẽ có ý thức hơn trong việc thực hiện phong trào.

2.2. Cách tiến hành:

Vào đầu năm học tôi tiến hành kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của của học sinh, hướng dẫn học sinh nên dùng loại vở nào, dùng loại bút chì, bút mực nào để luyện viết, hướng dẫn các em các tiêu chuẩn cần phấn đấu để đạt danh hiệu “Vở sạch- chữ đẹp”.

Có thể cho các em xem một số bài viết của các anh chị ở các lớp trên đã đạt giải cao trong các kỳ thi “Viết chữ đẹp” cấp trường.

Cần thường xuyên khảo sát phân loại học sinh ngay từ đầu năm để có định hướng kèm cặp những học sinh còn viết chữ xấu.

Đối với học sinh có năng khiếu và chữ viết khá đẹp, giáo viên phải có định hướng từ đầu và phải luôn chú ý theo dõi, kèm cặp nhắc nhở để học sinh luôn ghi nhớ, cố gắng thường xuyên bởi vì hơn ai hết giáo viên là người trực tiếp dạy dỗ, quan tâm học sinh hàng ngày nên có điều kiện uốn nắn, khắc phục kịp thời.

Dạy tốt phân môn Tập viết, Chính tả trong chương trình Tiểu học để nâng cao chất lượng chữ viết cho các em.

3. Khắc sâu biểu tượng về chữ mẫu:

3.1. Mục tiêu:

Rèn cho học sinh kĩ năng quan sát, phân tích, so sánh chữ mẫu …

3.2. Cách tiến hành:

Để thực hiện tốt yêu cầu này, khi giới thiệu về biểu tượng của chữ viết, giáo viên cần tập cho các em có thói quen biết kết hợp mắt nhìn, tai nghe, tay luyện tập. Điều này giúp học sinh chủ động phân tích hình dáng, kích thước cấu tạo chữ, tìm sự giống nhau và khác nhau của chữ cái đang học và chữ cái đã học trước đó trong cùng một nhóm bằng thao tác so sánh tương đồng. Bởi lẽ, mẫu chữ là đồ dùng trực quan ở tất cả các bài tập viết. Đây là điều kiện đầu tiên để các em viết đúng.

Điều cần lưu ý ở đây là mẫu chữ cần đúng theo quy định, rõ ràng và đẹp. Mẫu chữ phải có tác dụng giúp cho học sinh quan sát, từ đó tạo điều kiện để các em phân tích hình dáng, kích thước và các nét cơ bản cấu tạo chữ viết trong bài tập viết.

Bên cạnh đó, chữ mẫu của giáo viên khi viết bảng sẽ giúp cho học sinh nắm được thứ tự viết các nét của chữ cái, cách nối các chữ cái trong một chữ nhằm đảm bảo yêu cầu viết liền mạch, viết đúng tốc độ.

Khi viết mẫu giáo viên phải viết chậm, đúng quy tắc, vừa viết vừa phân tích cho học sinh nắm được. Khi viết mẫu, giáo viên cần tạo điều kiện để cho học sinh nhìn thấy tay của giáo viên viết từng nét chữ.

Ngoài ra, giáo viên cần lưu ý chữ viết của mình khi chữa bài, chấm bài của học sinh. Chữ viết của giáo viên trong lúc này cũng được coi là chữ mẫu, vì thế giáo viên cần có ý thức viết chữ đúng mẫu, đẹp, rõ ràng.

4. Hướng dẫn tỉ mỉ nội dung và yêu cầu về kĩ năng:

4.1. Mục tiêu:

Hướng dẫn tỉ mỉ nội dung và yêu cầu về kĩ năng nhằm giúp học sinh nắm vững về cấu tạo chữ, quy trình viết, nắm vững được luật chính tả,…

4.2. Cách tiến hành:

Giáo viên cần dẫn dắt học sinh tiếp xúc với chữ ghi vần, chữ ghi tiếng sẽ học bằng hệ thống một số câu hỏi, từ việc hỏi về các nét cấu tạo chữ cái, độ cao, kích thước chữ cái đến việc so sánh nét giống nhau và nét khác biệt giữa các chữ cái đã học với chữ cái đang phân tích.

Chẳng hạn, khi dạy chữ ghi vần yêu chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Chữ ghi vần yêu được cấu tạo bởi các con chữ nào? Nêu độ cao của các con chữ, điểm đặt bút, điểm dừng bút?….

Với những câu hỏi khó, giáo viên cần định hướng câu trả lời cho các em. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn học sinh phân tích cấu tạo chữ viết, chuẩn bị cho giai đoạn luyện tập viết chữ tiếp theo.

Việc viết chính tả rèn cho học sinh biết quy tắc và có thói quen viết chữ ghi tiếng Việt đúng với chuẩn. Chính tả cùng với Tập viết, Tập đọc giúp cho người học chiếm lĩnh được nội dung của môn Tiếng Việt, là công cụ để giao tiếp, tư duy và học tập. Viết đúng chính tả giúp cho học sinh có điều kiện để sử dụng Tiếng Việt đạt hiệu quả cao trong việc học tập các bộ môn văn hóa. Việc luyện viết chính tả liên tục kết hợp với ôn tập các quy tắc chính tả, học sinh sẽ có khả năng viết đúng các chữ ghi tiếng Việt, rèn luyện cho học sinh tính kỉ luật, tính cẩn thận, óc thẩm mĩ đồng thời bồi dưỡng lòng yêu quý tiếng Việt, chữ Việt, biểu thị tình cảm qua chữ viết.

Để thực hiện tốt việc luyện chữ trong giờ Chính tả, trước hết giáo viên phải nắm rõ các lỗi chính tả cụ thể của từng học sinh. Qua kiểm tra tôi thấy học sinh thường phạm các lỗi chính tả sau:

+ Lẫn lộn giữa dấu hỏi và dẫu ngã.

+ Nhầm lẫn giữa i, y; giữa các vần dễ lẫn như ưa với uơ, uya với ua.

+ Viết sai các phụ âm đầu như c với k, ng với ngh, g với gh, d với gi.

Để học sinh khắc phục được những lỗi trên, trước hết giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát âm đúng các từ đó.

Rút ra các tiếng, các từ khó mà học sinh dễ viết sai trong bài chính tả để phân tích cụ thể về cấu tạo chính tả và hướng dẫn học sinh viết đúng.

Cho học sinh học thuộc luật ghi chính tả:

+ Viết k với các âm, vần bắt đầu bằng i, e, ê; viết c với các âm, vần bắt đầu bằng các âm còn lại trong bảng chữ cái.

+ Viết gh, ngh với các âm, vần bắt đầu bằng i, e, ê; viết g, ng với các âm, vần bắt đầu bằng các âm còn lại trong bảng chữ cái.

Chọn bài chính tả theo khu vực: ở mỗi địa phương, học sinh do ảnh hưởng của phương ngữ nên thường mắc một số lỗi đặc trưng. Do đó, trước khi dạy, giáo viên cần phải tiến hành điều tra để nắm lỗi chính tả phổ biến của học sinh, từ đó lựa chọn nội dung giảng dạy cho phù hợp.

Một nhiệm vụ nữa trong giờ chính tả là việc đánh giá, nhận xét kết quả bài viết của học sinh. Giáo viên phải thường xuyên chữa bài, nhận xét, sửa chữa ngay các lỗi chính tả cụ thể, tỉ mỉ của từng học sinh, đồng thời lưu ý cho các học sinh khác.

Hướng dẫn cho các em tự đánh giá lẫn nhau để tìm ra lỗi sai của bạn và cùng nhau sửa lỗi.

Như vậy, việc luyện viết thông qua tiết chính tả sẽ là một mắt xích quan trọng trong quá trình rèn luyện chữ viết cho học sinh nhằm đạt hiệu quả cao.

5. Khắc sâu quy trình viết các nét cơ bản:

5.1. Mục tiêu:

Giúp học sinh củng cố, nhớ lại và nắm chắc các nét cơ bản.

5.2. Cách tiến hành:

Từ những nét cơ bản, các chữ cái sẽ được tạo thành. Nếu học sinh viết nét cơ bản không đúng, không đẹp thì việc viết xấu, viết sai là điều không tránh khỏi.

Vě vậy, tôi luôn củng cố lại cho các em cách viết các nét cơ bản. Chú ý điểm đặt bút, dừng bút.

Chẳng hạn với nét khuyết xuôi và nét khuyết ngược, học sinh không được rèn viết ngay từ đầu thì sẽ viết lệch, xấu sẽ dẫn đến những chữ được tạo bởi hai nét đó như: h, l, k, g, y, cũng không được đẹp và đây cũng là hai nét khó mà học sinh thường lúng túng khi viết.

Chú ý nét khuyết phải tròn, thon đầu, không quá to, cũng không nhỏ quá hoặc không bị vuông đầu và đặc biệt điểm gặp nhau phải ở đường kẻ ngang hai từ dưới lên (với nét khuyết xuôi), đường kẻ ngang một (với nét khuyết ngược).

6. Phân loại chữ viết theo nhóm:

6.1. Mục tiêu:

Phân loại chữ viết theo nhóm giúp học sinh nắm vững hình dáng, cấu tạo, quá trình viết chữ cái, so sánh được cách viết các con chữ, tìm ra điểm giống nhau và khác nhau, độ cao. Từ đó học sinh nắm chắc cách viết và các em sẽ viết được chuẩn hơn.

6.2. Cách tiến hành:

Để thuận tiện cho công việc giảng dạy và học sinh dễ dàng hơn trong lúc tập viết, tôi đã phân loại chữ cái theo các nhóm.

Vì vậy tôi thường cho các em luyện thêm cách viết trong các tiết Hướng dẫn học ở buổi chiều. Tôi luôn luôn hướng dẫn các em luyện viết bảng con trước rồi mới cho viết vở. Trong quá trình luyện viết, tôi luôn cho học sinh nhận xét bài cho bạn, tìm ra ưu điểm và nhược điểm ở bài của bạn, sau đó giáo viên sẽ uốn nắn, sửa chữa các lỗi cho học sinh rồi yêu cầu học sinh đó viết lại con chữ đó.

Khi học sinh viết các con chữ đúng mẫu, thì việc hướng dẫn các em viết nối nét cũng rất quan trọng. Học sinh biết cách nối nét thì bài viết mới rõ ràng và đẹp hơn, mới đảm bảo tốc độ viết ở những lớp trên.

7. Coi trọng mối quan hệ giữa âm và chữ viết, cách đặt dấu thanh, dấu câu:

7.1. Mục tiêu:

Củng cố cho học sinh mối quan hệ giữa âm và chữ viết (phát âm thế nào thì viết như vậy), quy tắc đặt dấu thanh, dấu câu.

7.2. Cách tiến hành:

Tâm lý học sinh tiểu học thường thiếu tính kiên trì luyện tập, khó thực hiện các động tác đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đặc biệt là học sinh lớp 1. Trong khi đó, việc rèn luyện các thao tác tập viết chữ lại đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo cao.

Để khắc phục nhược điểm này cho học sinh, giáo viên cần nắm vững các thao tác kĩ thuật viết từng con chữ và thường xuyên rèn luyện để có kĩ năng viết chữ thành thạo, đúng, đẹp để viết mẫu cho học sinh, đồng thời hướng dẫn thật cụ thể về:

– Cấu tạo các âm trong vần, các vần trong tiếng và các tiếng trong câu.

– Các nét viết, độ cao, khoảng cách giữa các con chữ.

– Thao tác viết mẫu.

Để việc dạy chữ viết không đơn điệu, chúng ta cần phân tích tìm ra mối quan hệ giữa âm và chữ viết, tức là giữa đọc và viết.

Vì thế, trong tiến trình dạy tập viết, nhất là tập viết những âm mà địa phương dễ nhầm lẫn, chúng ta cần đọc mẫu.

Việc viết đúng sẽ củng cố việc dạy đọc đúng và ngược lại, đọc đúng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo viết đúng.

Có rất nhiều học sinh đặt dấu thanh sai, điều đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng bài viết của các em.

Khi dạy tập viết tôi hướng dẫn học sinh cách ghi từng loại dấu:

  • Các dấu thanh ghi ở trên hoặc dưới âm chính (VD: bó đũa, học hỏi,…)
  • Các dấu móc của các con chữ ư, ơ cần đặt nhỏ và đặt bên trái con chữ đó.
  • Các dấu mũ của các con chữ ă, â, ô cần đánh rõ nét, cân đối trên đầu con chữ.

Ngoài ra, các dấu câu (dấu chấm, dấu phẩy,…) cần đánh rõ ràng.

Rèn kỹ năng đánh dấu thanh, giáo viên không chỉ rèn luyện thường xuyên trong các giờ Tập viết mà còn theo dõi, nhắc nhở trong các giờ chính tả và các giờ học khác. Dấu thanh được đặt vào âm chính của tiếng.

Ví dụ: Đối với tiếng “trường” sau khi viết các chữ cái tr, u, o, ng, từ điểm dừng bút của chữ cái ng ta lia bút lên trên đánh dấu móc của các con chữ ư, ơ và cuối cùng là đánh thanh huyền trên con chữ ơ.

Trong quá trình dạy Luyện viết, tôi định hướng rõ tiết học này cần luyện nhóm nét cơ bản nào? Cần luyện chữ ghi âm, ghi tiếng nào ? Dựa vào tiết học trước để định hướng cách chọn chữ , chọn nét cơ bản dạy cho phù hợp với tiết học sau, đồng thời chỉnh sửa ngay những lỗi cơ bản mà tiết trước các em còn sai nhiều. Sau khi luyện tốt phần trên, tôi mới chọn một đoạn văn hoặc bài thơ tương đồng với nội dung luyện tập cho học sinh vận dụng để luyện viết vào vở. Sau một tiết luyện viết, tôi thu vở để nhận xét, chữa bài cẩn thận để các em biết bài của mình còn sai những lỗi gì, để từ đó yêu cầu học sinh sửa lỗi và giáo viên cũng biết được mức tiến bộ của học sinh, định hướng cho tiết học sau.

Ví dụ : Lớp học có nhiều em viết sai lỗi chữ C viết hoa và một số nét cơ bản như nét khuyết trên, khuyết dưới… Tôi sẽ cho học sinh luyện viết nhóm nét cơ bản là các nét khuyết (khuyết trên, khuyết dưới). Từ đó, học sinh vận dụng luyện viết các tiếng có chứa các nét mà học sinh còn viết sai. Cuối cùng, tôi cho học sinh vận dụng viết đoạn văn hoặc 1 khổ thơ (khổ thơ 2 bài Quà của bố – sách Tiếng Việt 1, tập 2)

8. Tạo sự gần gũi, thân thiện giữa thầy và trò:

8.1. Mục tiêu:

Giúp học sinh cảm thấy thầy cô luôn là người đồng hành cùng mình, từ đó học sinh tự tin, chăm chỉ và hứng thú hơn trong việc rèn chữ viết.

8.2. Cách tiến hành:

Giáo viên phải thực sự gương mẫu trong việc rèn chữ viết thể hiện qua cách trình bày bảng, lời nhận xét trong vở học sinh. Giáo viên viết như thế nào thì học sinh viết như thế đó.

Chính vì vậy, người giáo viên phải có đức tính kiên trì, tận tình. Sự nhiệt tình, chu đáo của giáo viên là một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công của giờ dạy Tập viết.

Chữ viết của giáo viên được xem là một bản chính giúp học sinh “bắt chước” để luyện viết. Vì học sinh lớp 1 chủ yếu viết dựa vào quan sát chữ mẫu của giáo viên. Là một người giáo viên nói chung và một người giáo viên tiểu học nói riêng thì việc rèn chữ, luyện viết của các thầy cô giáo là một việc làm thường xuyên và cần thiết.

Việc viết mẫu của giáo viên là một thao tác trực quan trên bảng lớp, giúp học sinh nắm được quy trình viết từng nét của chữ cái. Do vậy giáo viên phải viết chậm, đúng theo quy tắc chữ viết. Giáo viên phải bao quát lớp, nhiệt tình, tận tụy và rất chịu khó theo dõi nắm sát tình hình chữ viết của các em để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Giáo viên chữa những lỗi học sinh sai phổ biến, hướng dẫn kỹ lại cách viết của chữ cái đó để học sinh khắc sâu cách viết một lần nữa.

Ngoài ra, tôi còn phân cho những học sinh viết chữ xấu ngồi gần học sinh có chữ viết đẹp và hướng cho các em học tập lẫn nhau, nhắc nhở nhau cùng tiến bộ.

Những học sinh nào còn quá yếu tôi cho các em lên ngồi bàn trên để tiện việc theo dõi và hướng dẫn.

Đối với một số em có chữ viết còn xấu, giáo viên cầm tay hướng dẫn cho học sinh viết một đến hai chữ đầu tiên. Giáo viên cho học sinh tự nhận xét chữ viết của mình và bạn, biết tự tham gia chữa lại chỗ sai.

Nắm rõ tồn tại của từng học sinh: học sinh yếu và sai phần nào thì giáo viên giao việc cho học sinh để luyện tập về phần đó. Chẳng hạn: Học sinh sai cách viết nét thẳng thì giáo viên yêu cầu học sinh luyện viết các chữ có nét thẳng; học sinh viết sai nét cong thì giáo viên cho học sinh luyện viết các chữ có nét cong…

Đối với những em có chữ viết đúng mẫu và đẹp, giáo viên hướng dẫn các em luyện viết chữ thanh đậm. Khi luyện viết, viết các nét từ trên xuống thì ta cần đè đậm để tạo thành nét đậm, đưa các nét từ dưới lên thì ta viết nhẹ tay hơn để tạo thành nét thanh.

Giáo viên thường xuyên giáo dục học sinh nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chữ viết qua các hình thức như: nêu gương các bạn đạt thành tích trong các kỳ thi viết chữ đẹp ở lớp, trường,…

Dựa vào đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học là hay bắt chước. Vì thế, ngay từ đầu năm học, tôi đã phân loại học sinh, đối với học sinh viết chữ tốt, tôi luôn chú trọng, nhân rộng. Những bài viết đẹp, tôi trưng bày cho học sinh cả lớp xem để học tập. Tôi giới thiệu các bài viết của những học sinh đạt giải qua các kỳ thi viết chữ đẹp cho học sinh tham khảo. Kể cho học sinh nghe gương rèn chữ viết của ông Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. Từ đó giáo dục các em sự tin tưởng, lòng say mê, ham thích viết chữ đẹp.

9. Quan tâm rèn chữ viết cho học sinh ở tất cả các môn còn lại như Toán, Tự nhiên và xã hội,…

9.1. Mục tiêu:

Giúp học sinh có ý thức viết đúng, viết đẹp ở tất cả các môn học, từ đó học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc luyện viết.

9.2. Cách tiến hành:

Việc rèn luyện chữ viết không phải chỉ thực hiện trong phân môn Tập viết và Chính tả mà phải thực hiện ở các môn học khác nhau như viết chữ số trong môn Toán, viết vở ghi đầu bài. Rèn chữ cho các em không chỉ ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Đối với học sinh lớp 1, việc rèn chữ lại càng khó vì các em vừa từ Mầm non lên nên mức độ viết chỉ mang tính tương đối chưa vững chắc. Để rèn chữ viết cho các em trong những môn học khác có hiệu quả, tôi đã phân chia các chữ cần luyện viết theo từng nhóm chữ có nét tương đồng để giúp các em có thể viết chữ đúng và đẹp trong các môn học khác.

Yêu cầu học sinh rèn chữ viết ở nhà theo nội dung bài học Tiếng Việt, (khoảng 4-5 câu trong bài tập đọc) giáo viên thường xuyên kiểm tra, nhận xét, tuyên dương những học sinh viết chữ đẹp; khuyến khích, động viên những học sinh tiến bộ (dù sự tiến bộ nhỏ); uốn nắn, sửa sai những học sinh còn sai sót.

Yêu cầu học sinh thực hiện đúng quy định từ đầu năm trong việc lùi ô để viết thứ ngày tháng, viết tiêu đề của môn học cũng như việc kẻ ngắn khi hết bài, kẻ dài khi hết ngày, hết môn… cũng như tư thế ngồi viết, cách cầm bút:

– Tư thế ngồi viết: Khi viết cần phải ngồi ngay ngắn:

+ Lưng thẳng, không tì ngực vào bàn,

+ Hai chân để song song thoải mái;

+ Đầu hơi cúi;

+ Mắt cách vở khoảng 25cm – 30cm;

+ Tay phải cầm bút;

+ Tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ vở.

– Cách cầm bút:

+ Khi viết, cầm bút bằng tay phải, cầm bằng 3 ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa;

+ Khi viết, dùng ba ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cán bút nghiêng về bên phải; cổ tay, khuỷu tay và cánh tay cử dộng mềm mại, thoải mái;

+ Không nên cầm bút tay trái.

+ Các chữ viết liền mạch, không nhấc bút từng nét, từng chữ cái.

Bên cạnh đó giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về những mặt tồn tại trong chữ viết của học sinh để phụ huynh cùng rèn luyện với các em; tổ chức cho học sinh thi đua giữa các nhóm, đôi bạn cùng tiến; tổ chức thi viết chữ đẹp vòng lớp.

10. Quan tâm đến cơ sở vật chất:

10.1. Mục tiêu:

Đảm bảo mọi điều kiện cần thiết và thuận lợi nhất về cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học tập của học sinh.

10.2. Cách tiến hành:

Khi thấy các điều kiện về cơ sở vật chất như: bàn, ghế, bảng, ánh sáng, không đảm bảo các yêu cầu phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, giáo viên cần tham mưu kịp thời với Ban giám hiệu, Hội phụ huynh, các đoàn thể trong nhà trường để có biện pháp khắc phục kịp thời.

IV. MỘT SỐ KẾT QU ĐẠT ĐƯỢC:

Sau một thời gian ngắn áp dụng những biện pháp nêu trên trong quá trình rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp tôi phụ trách, tôi thấy đã có những chuyển biến rõ rệt so với đầu năm như sau:

– Chất lượng chữ viết được nâng dần lên rõ rệt, chữ viết của nhiều em đã đúng mẫu, đều nét, rõ ràng.

– Học sinh rất có ý thức trau dồi chữ viết.

– Chữ viết của học sinh tiến bộ nhìn thấy rõ rệt sau mỗi tuần học. Đến thời điểm cuối tháng 12 của năm học 2018-2019, nhiều học sinh lớp tôi có chữ viết đúng và đẹp, trình bày sạch sẽ, gọn gàng, khoa học.

* Kết quả kiểm tra chất lượng chữ viết của học sinh lớp tôi trong tháng 10, 11, 12 năm 2018 như sau:

Xếp loại chữ

Tháng 10(55h/s)

Tháng 11(55h/s)

Tháng 12(54h/s)

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Loại A

10

18.2

20

36.4

25

46.3

Loại B

34

61.8

26

47.2

25

46.3

Loại C

11

18.1

9

16.3

4

7.4

Với kết quả đạt được như trên, tôi đã mạnh dạn trao đổi kinh nghiệm rèn chữ viết cho học sinh lớp mình với các giáo viên trong khối và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao.

Các giáo viên trong khối 1 trường tôi đã áp dụng các biện pháp nêu trên vào việc rèn luyện chữ viết cho học sinh bước đầu có những kết quả đáng khích lệ.

Sau đây là kết quả “Vở sạch chữ đẹp” những tháng tiếp theo của lớp tôi đã đạt được qua quá trình vận dụng những biện pháp nêu trên .Thật vậy, kết quả rất khả quan và có thể còn cao hơn nữa, từ tháng 1 đến tháng 3 cụ thể như sau:

Xếp loại chữ

Tháng 1(54h/s)

Tháng 2(54h/s)

Tháng 3(54h/s)

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Loại A

29

53.7

31

57.4

38

70.3

Loại B

21

38.8

20

37.03

14

25.9

Loại C

4

7.4

3

5.5

2

3.7

PHẦN THỨ BA: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

I . KẾT LUẬN

Rèn chữ không những đơn thuần để chữ viết chuẩn, đúng, đẹp mà cũng là để rèn người nữa. Giáo viên giúp học sinh rèn chữ viết cũng chính là để rèn nhân cách cho các em, giúp các em giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Vì vậy, để việc rèn luyện chữ viết cho học sinh đạt hiệu quả cao, trước hết người giáo viên phải có lòng nhiệt tình, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm. Đồng thời trong quá trình rèn chữ viết cho học sinh, giáo viên cần chú ý những vấn đề sau:

Rèn luyện chữ viết cho học sinh là một quá trình lâu dài, không nên nóng vội. Cần tôn trọng cá tính của học sinh, đi từ cái dễ đến cái khó, từ cái chưa đạt đến cái đạt được, không đốt cháy giai đoạn dễ gây cho học sinh tính cẩu thả sau này.

Trong quá trình rèn luyện chữ viết phải quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh, gây hứng thú, tránh ép buộc làm cho học sinh nhàm chán.

Tìm hiểu ngôn ngữ địa phương là một việc làm cần thiết nhằm rút ra những lỗi phương ngôn phổ biến để điều chỉnh cho học sinh viết đúng chính tả.

Việc rèn luyện chữ viết cần phải được thực hiện ở tất cả các môn học.

Kết hợp với phụ huynh học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện chữ viết khi học sinh học ở nhà.

Chữ viết của giáo viên phải đẹp, đúng mẫu, đúng chuẩn là một tấm gương để học sinh noi theo.Vì vậy, mỗi giáo viên phải luôn rèn chữ, rèn cách trình bày bảng khoa học.

Thường xuyên rèn luyện để học sinh luôn có ý thức đẩy mạnh nâng cao và duy trì phong trào giữ vở sạch, viết chữ đẹp.

II . KHUYẾN NGHỊ

* Đối với Phòng và Sở GD-ĐT:

– Tiếp tục duy trì cuộc thi “Viết chữ đẹp” hàng năm để tạo phong trào thi đua rèn chữ trong các nhà trường.

* Đối với nhà trường:

– Đẩy mạnh phong trào giữ “ Vở sạch chữ đẹp”. Kết thúc mỗi năm học, nhà trường nên giữ lại những bộ vở có chữ viết đẹp để lưu lại phòng Truyền thống của nhà trường làm chuẩn để kích thích phong trào “Vở sạch chữ đẹp” cho năm học tiếp theo.

– Tăng cường tổ chức các hình thức ngoại khóa thi viết đẹp, viết nhanh để động viên, khuyến khích học sinh luyện viết.

Quận Hoàng Mai