Những kẻ thái nhân cách được cho là luôn thích thao túng đầu óc và hành động của người khác, đồng thời hết sức nhẫn tâm trước đối tượng mà chúng đang chơi đùa. Có vẻ như trong đầu óc của những người này luôn tồn tại rối loạn nghiêm trọng về cảm xúc, dẫn đến các hành vi chống đối xã hội của chúng.
Từ lâu, thái độ này được các chuyên gia về thần kinh học diễn giải rằng do những kẻ tâm thần bị “đứt” dây thần kinh sợ hãi. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu mới cho thấy những cá nhân này có thể vẫn trải nghiệm trạng thái cảm xúc đó, nhưng lại thiếu năng lực nhận ra và phản ứng trước các mối nguy cơ.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Psychological Bulletin, các chuyên gia của Đại học Tự do Amsterdam và Đại học Radboud Nijmegen (Hà Lan) đã phân tích mối quan hệ giữa sự sợ hãi và chứng thái nhân cách ở người trưởng thành.
Trong nhiều thập niên, giả thuyết thiếu trạng thái cảm xúc sợ hãi này luôn được xem là “yếu tố nguyên nhân quan trọng nhất” dẫn đến các hành vi thách thức nguy hiểm của những người bị thái nhân cách. Những dạng rối loạn cảm xúc nằm trong số các dấu hiệu phân biệt người bị thái nhân cách với các nhóm rối loạn thần kinh khác. “Bệnh thái nhân cách là tình trạng rối loạn nhân cách nghiêm trọng với đặc điểm vô cảm với cảm xúc của người khác, tính cách dối trá và thường cho mình có quyền trước người khác, cũng như thường thực hiện những hành vi bốc đồng, vô trách nhiệm, đầy khinh suất”, theo nhóm nghiên cứu.
Nhóm chuyên gia đã tạo ra mô hình nhằm tách rời các cơ chế của não bộ có liên quan đến khả năng tự động phát hiện và phản ứng trước các mối đe dọa đến từ những trải nghiệm có ý thức như sự sợ hãi, đồng thời xem lại các cuộc nghiên cứu từ năm 1806 trở lại đây.
Thông qua quá trình phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện một ít chứng cứ ủng hộ ý tưởng cho rằng những người bệnh thái nhân cách có thiếu sót trong não, nhưng đồng thời cũng gặp vấn đề khi cần phát hiện những mối đe dọa từ bên ngoài. Theo các chuyên gia, báo cáo mới cung cấp chứng cứ xác thực đầu tiên cho thấy các quá trình ý thức và vô thức đều có thể bị ảnh hưởng trong một cá nhân rối loạn nhân cách.
Bên cạnh những ứng dụng trong việc tìm hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động não bộ của người bị thái nhân cách, mô hình này còn có thể áp dụng để nghiên cứu những rối loạn về tâm trạng và cảm giác bị trầm cảm.