Thiến hóa học là cách thiến sử dụng thuốc ức chế tình dục để giảm ham muốn nhưng không loại bỏ các cơ quan đối với đối tượng phạm tội tình dục, đặc biệt lạm dụng tình dục trẻ em.
Trong y học, để điều trị các loại ung thư phụ thuộc hormone (hormone-dependent cancer), như ung thư nội mạc tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, u xơ tử cung… các bác sĩ cùng thường sử dụng phương pháp thiến hóa học.
Hiện nay, thiến hóa học trên thế giới được tiến hành bằng đường uống hoặc đường tiêm thêm nhiều hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone. Điều này sẽ khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục, thậm chí có thể làm biến mất luôn cả suy nghĩ về tình dục.
Hoặc một biện pháp khác cũng có thể được áp dụng là tiêm hormone sinh dục nữ để giảm hormone sinh dục nam testosterone.
Người bị thiến hóa học sẽ phải tiêm thuốc hàng tháng. Sau khi ngưng sử dụng thuốc hoàn toàn có thể tìm lại bản năng.
Trong quá trình sử dụng thuốc để thiến hóa học, người dùng có thể gặp phải những tác dụng phụ như bốc hỏa, ngực đau, ngực phát triển to hơn bình thường, mất hoàn toàn khả năng tình dục, giảm lượng cơ, mệt mỏi, giảm cân và giảm cholesterol tốt trong cơ thể.
Một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Tại châu Á, Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong áp dụng luật thiến hóa học.
Tại Mỹ, bác sĩ dùng chất medroxyprogesterone acetate để thực hiện thiến hóa học cho người phạm tội tình dục trong hơn 50 năm. Quy trình này không gây vô sinh và không có hiệu quả vĩnh viễn.
Hiện, ít nhất 8 bang và vùng lãnh thổ ở Mỹ (gồm California, Florida, Guam, Iowa, Louisiana, Montana, Wisconsin và Alabama) cho phép buộc một số tội phạm tình dục phải dùng thuốc ức chế testosterone như là điều kiện của việc phóng thích hoặc giám sát. Tuy vậy, việc áp dụng luật thiến hóa học trong thực tiễn không thường xuyên. Trong tháng 6/2019, bang California chỉ có hai người đang bị quản chế được thiến hóa học.
Có nên áp dụng thiến hoá học ở Việt Nam?
Thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội ngày 27/5/2020, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nêu đề xuất áp dụng thiến hoá học ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đề xuất thiến hoá học với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ tốn kém và không đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, khi áp dụng hình phạt này, cần phải tính toán đến chi phí không nhỏ để duy trì việc tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể xuống mức trước tuổi dậy thì, giảm nhu cầu tình dục. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học y tế Hàn Quốc năm 2013, chi phí tiêm thuốc và giám sát mỗi ba tháng một lần với một người lên đến 5 triệu won mỗi năm (gần 95 triệu đồng).
“Đồng thời, nhà chức trách phải dự tính đến những tác dụng phụ của thiến hoá học, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phải chịu hình phạt và gia đình họ phải chăm sóc”, bà Hồng cho biết.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng thiến hóa học không phải là phương án hay để phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục. Bởi lẽ người phạm tội về tình dục đối với trẻ em, hầu hết đều bị phạt tù ở mức rất nghiêm khắc. Vậy làm thế nào để thiến hóa học người đang chấp hành hình phạt tù? Hơn nữa người đang chấp hành hình phạt tù thì không thể xâm hại trẻ được nữa”, luật sư Thanh nêu quan điểm.