Bệnh sán chó (hay còn gọi là bệnh giun đũa chó mèo) là một bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam. Đây là một bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể được điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta có thể chủ quan đối với bệnh. Vậy đâu là các thuốc trị sán chó thường được bác sĩ sử dụng? Những điều nào chúng ta cần lưu ý khi sử dụng thuốc?
Sán chó và các thuốc điều trị đặc hiệu
Bệnh sán chó mắc phải do con người nuốt phải trứng giun Toxocara (bao gồm Toxocara canis ở chó và Toxocara cati ở mèo) thông qua việc tiếp xúc với chó mèo nhiễm bệnh. Hoặc ăn phải thực phẩm bẩn có chứa trứng giun, thịt chó mèo nhiễm bệnh chưa được nấu chín.
Sau khi vào cơ thể trứng giun nở ra trong ruột non và ấu trùng có thể di chuyển trong máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Bao gồm gan, tim, phổi, não, cơ hoặc mắt. Khi ấu trùng giun di chuyển trong máu đến các cơ quan sẽ gây ra tình trạng viêm từ đó gây ra các tổn thương cho các cơ quan chúng đi qua.
Đối với những trường hợp mắc bệnh sán chó với các triệu chứng ( dấu hiệu bị sán chó ) nhẹ có thể không cần phải điều trị do bệnh có thể tự giới hạn. Tuy nhiên ở những bệnh nhân có triệu chứng từ trung bình đến nặng thì có thể được điều trị đặc hiệu với các thuốc diệt ký sinh trùng như:
– Albendazol 400 mg x 2 /ngày x 5 ngày
– Mebendazol 100-200 mg x 2/ngày x 5 ngày
– Ivermectin 200 µg/kg/ngày 1 liều duy nhất
Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được điều trị hỗ trợ với các thuốc giúp giảm đau, kháng viêm, giảm ho, rối loạn tiêu hoá…tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Albendazole
Albendazole là thuốc dùng trong điều trị các bệnh nhiễm giun và động vật đơn bào thuộc nhóm Benzimidazole. Thuốc thường được dùng theo đường uống dạng viên nén 200mg hoặc 400mg
Albendazole là thuốc điều trị bệnh sán chó được sử dụng phổ biến nhất. Albendazole vô cùng hiệu quả đối với bệnh. Liều các bác sĩ thường dùng là từ 10 – 15 mg/kg trong 5,7,14 hoặc 21 ngày tùy theo triệu chứng lâm sàng của bệnh.
Albendazole có thể được uống trong bữa ăn, đặc biệt có thể dùng kèm thức ăn có chứa chất béo để giúp cơ thể hấp thụ thuốc tốt hơn. Có thể nhai hay nghiền thuốc và uống với nước.
Chống chỉ định
Albendazole chống chỉ định với các bệnh nhân có tiền sử dị ứng các thuốc thuộc nhóm benzimidazole hoặc bất kỳ các thành phần nào của thuốc.
Lưu ý ở phụ nữ mang thai và cho con bú
Theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thì Albendazole thuộc nhóm C theo danh mục các thuốc dành cho phụ nữ mang thai nên chính vì vậy cần phải rất thận trọng khi sử dụng Albendazole ở phụ nữ mang thai. Chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp có thể mang lại lợi ích vượt trội cho bệnh nhân. Phụ nữ khi có thai thì cần phải tham khảo thật kỹ với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Tuy nhiên theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) về việc sử dụng Albendazole ở phụ nữ mang thai để điều trị sán chó. Các bằng chứng hiện tại cho thấy không có sự khác biệt về dị tật bẩm sinh ở những phụ nữ vô tình được điều trị bằng albendazole trong các chiến dịch phòng ngừa hàng loạt so với những người không sử dụng.
Ngoài ra Albendazole còn là một thuốc được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho phép sử dụng trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ
Đối với phụ nữ đang cho con bú thì theo các nghiên cứu hiện tại vẫn chưa rõ liệu Albendazole có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó cũng cần phải rất thận trọng khi dùng Albendazole ở phụ nữ đang cho con bú.
Lưu ý ở trẻ em
Theo hướng dẫn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thì Albendazole là một thuốc có thể được sử dụng ở trẻ em trên 1 tuổi. Tuy nhiên liều Albendazole dùng ở trẻ em có thể thấp hơn so với người lớn.
Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải
Các tác dụng phụ của Albendazole có thể gặp, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn
- Đau bụng, đau đầu
- Sốt
- Phát ban
- Tiêu chảy
Nếu khi sử dụng thuốc và gặp phải những triệu chứng trên thì các bạn cần phải rất cần phải chú ý và báo lại ngay cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí thích hợp.
Mebendazole
Giống với Albendazole thì Mebendazole cũng là một thuốc điều trị giun sán được sử dụng phổ biến. Không chỉ là thuốc điều trị bệnh sán chó mà Mebendazole còn được dùng trong điều trị giun móc, giun kim,….
Mebendazole thường sẽ được sử dụng trong điều trị bệnh giun đũa chò mèo với thể bệnh ấu trùng di chuyển nội tạng.
Chống chỉ định
Mebendazole chống chỉ định với các bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với thuốc
Lưu ý ở phụ nữ mang thai và cho con bú
Cũng giống với Albendazole thì Mebendazole theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thuộc nhóm C theo danh mục các thuốc dành cho phụ nữ mang thai. Nên chính vì vậy cần phải rất thận trọng khi sử dụng Mebendazole ở phụ nữ mang thai. Chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp có thể mang lại lợi ích vượt trội cho bệnh nhân.
Đối với phụ nữ đang cho con bú thì theo các nghiên cứu hiện tại vẫn chưa rõ liệu Mebendazole có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Tuy nhiên WHO phân loại Mebendazole là một thuốc có thể sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú.
Lưu ý ở trẻ em
Nên hạn chế sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 2 tuổi do vẫn chưa có các nghiên cứu chứng minh được tính an toàn của thuốc.
Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải
Các tác dụng phụ của mebendazole có thể gặp, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn
- Đau bụng, đau đầu
- Tiêu chảy
- Giảm bạch cầu
- Buồn ngủ
Đặc biệt là sử dụng Mebendazole đường toàn thân có thể gây tăng men gan. Do đó các bệnh nhân nếu có bệnh về gan thì cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Nếu khi sử dụng thuốc và gặp phải những tác dụng phụ trên thì các bạn cần phải rất cần phải chú ý và báo lại ngay cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí thích hợp.
Ivermectin
Khác với Albendazole và Mebendazole là 2 thuốc thường được sử dụng. Ivermectin lại là một thuốc điều trị bệnh sán chó khá ít được sử dụng.
Nguyên nhân do Ivermectin không khuyên dùng vì hiệu quả kém đối với bệnh. Do đó Ivermectin đa phần chỉ được dùng thay thế trong các trường hợp không thể sử dụng 2 loại thuốc trên.
Xem thêm: Hiểu đúng về lây nhiễm bệnh sán chó
Các thuốc điều trị hỗ trợ khác
Ngoài việc điều trị đặc hiệu thì việc điều trị các triệu chứng cho người bệnh cũng rất quan trọng. Tùy theo các triệu chứng của bệnh nhân sẽ được điều trị các thuốc khác nhau như:
- Giảm ngứa, giảm dị ứng với các thuốc kháng Histamin H1,
- Kháng viêm với steroid,…
- Thuốc giảm ho
- Giảm rối loạn tiêu hóa,
- ……
Sán chó là một bệnh không quá khó để điều trị. Nếu mắc bệnh các bạn cần đến ngay bác sĩ để có thể được điều trị đúng cách. Tuyệt đối không được tự ý mua các thuốc trị sán chó mà không có đơn thuốc của bác sĩ.