Có một nỗi đau mang tên trầm cảm là cuốn sách của PGS Nguyễn Phương Hoa, chuyên gia tâm lý lâm sàng. Sách do Anbooks và NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Sách ra mắt tại tọa đàm ở TP.HCM vào sáng 8-12.
“Cả nhà đều nói tôi giả vờ”
“Một đứa trẻ 10 tuổi muốn chết thì không hề bình thường. Bố nói tôi giả vờ, cả nhà đều nói tôi giả vờ, mẹ thì đau khổ. Ai cũng nghĩ tôi là một đứa trẻ giận lẫy, thích gây chú ý. Đến tuổi dậy thì, tình trạng của tôi càng nặng nề.
May mắn là bà nội tôi, một người lớn lên trong nền văn hóa phong kiến, lại hiểu cho tôi. Bà khuyên can mọi người đừng nói tôi giả vờ, nếu không tôi sẽ phát điên mất.
Bà cháu tôi không tâm sự nhiều, nhưng bà chăm sóc tôi bằng những hành động quan tâm nhỏ nhất, mua cho tôi những chiếc bánh, ngồi kể cho tôi chuyện ngày xưa. Sau này, tôi nhận ra đó chính là một cách bà ‘trị liệu’ cho tôi. Tôi rất biết ơn bà”.
Đó là lời kể của một cô gái giấu tên, làm việc trong ngành sách, trong buổi tọa đàm về cuốn sách Có một nỗi đau mang tên trầm cảm. Những chia sẻ của cô được đơn vị phát hành sách ghi hình lại.
Cô gái không muốn công khai danh tính vì có quá nhiều nỗi sợ, nhất là sợ mẹ mình đau khổ.
Tác giả Có một nỗi đau mang tên trầm cảm là PGS Nguyễn Phương Hoa, chuyên gia tâm lý lâm sàng và cũng là một người mẹ có con trai trầm cảm. Cuốn sách được phát triển từ Khi mây đen kéo tới, tác phẩm đầu tiên của tác giả về bệnh trầm cảm và do chính con trai chị thuyết phục mẹ viết.
Quá trình đồng hành cùng con trai trong nhiều năm đã cho tác giả cơ hội “làm việc với thân chủ 24/24”. Nhưng với tư cách chuyên gia, chị không phải là người trực tiếp chữa bệnh cho con mình vì có quá nhiều quyền lợi gắn với bệnh nhân, không đủ khách quan.
Mặc dù vậy, trải nghiệm đặc biệt ấy giúp PGS Phương Hoa đúc kết các phương pháp quý giá cho một chuyên gia tâm lý và những kinh nghiệm sống thấm thía cho một người mẹ.
“Mẹ ơi, con sắp nhảy xuống”
Tác giả Phương Hoa thẳng thắn trải lòng về tình trạng bệnh của con trai mình. Chuyện đã qua 6 năm nhưng chị vẫn còn nhớ như in. Bước ngoặt diễn ra khi một lần, khi đang học ở nước ngoài, con trai chị gọi điện về cho mẹ và nói: “Mẹ, con đang ở trên nóc nhà và con sắp nhảy xuống”.
Trong vòng 2 giờ căng thẳng ấy, chị Phương Hoa cố gắng trò chuyện với con trai để con bình tâm lại. Cuối cùng, chị đã thuyết phục được con trai từ bỏ ý định. Sau đó, anh về nước, cùng mẹ đi khám, được chẩn đoán “tâm thần phân liệt” và cho thuốc.
Vì bệnh, người con trai từ bỏ ngành kỹ sư hóa ở nước ngoài, một ngành rất nặng. Anh trở về nước điều trị, nhưng việc dùng thuốc không có tác dụng, thậm chí làm tăng triệu chứng bệnh.
Đi khám lại ở Singapore, anh được chẩn đoán “trầm cảm”. Nhưng thuốc phải mua ở Singapore vì chưa có ở Việt Nam. Trải qua nhiều lần điều trị, anh trở lại với việc học.
“Câu chuyện kể lại chỉ gói gọn trong vài câu nhưng là một hành trình dài và mệt mỏi của người bệnh và gia đình. Mất rất nhiều năm khám bệnh, chẩn đoán và điều trị, con trai tôi mới vượt qua được trầm cảm”, PGS Phương Hoa nói về biến cố đã qua 6 năm trước.
“Tôi nghĩ mình là người mẹ đau khổ nhất thế giới”
Bày tỏ sự đồng cảm với chị Hoa vì cũng có con trầm cảm, một người mẹ là khán giả trong tọa đàm nói: “Có những lúc tôi nghĩ mình là người mẹ đau khổ nhất trên thế giới này. Tôi muốn đưa con sang Singapore khám, mong một bác sĩ nào đó sẽ với con tôi là cháu đã thoát khỏi trầm cảm”.
Con của chị Hoa và nữ khán giả vẫn nằm trong nhóm những bệnh nhân may mắn vì có sự tin tưởng, lắng nghe và hết mực đồng hành của gia đình, đặc biệt người mẹ. Nhiều người trẻ đã vấp phải sự hoài nghi, quy kết từ chính gia đình, như cô gái ở đầu bài. Điều này khiến họ cô độc và bơ vơ trên hành trình đối mặt với bệnh trầm cảm.
PGS Phương Hoa nhiều lần nghe bệnh nhân trẻ nói rằng họ không thể chia sẻ vì bố mẹ không biết lắng nghe. Để đồng hành được, chị cho biết người cha người mẹ phải thật kiên nhẫn. Đôi khi hàng giờ chỉ để nghe vài câu từ con là chuyện bình thường.
Chị và con trai thường dùng phương pháp viết để trò chuyện nếu thấy khó nói thành lời hoặc không đủ thời gian. Nhưng quá trình đó đòi hỏi sự kiên nhẫn khủng khiếp, vì chính chị Hoa, một chuyên gia về trầm cảm, cũng từng bị con trai hờn trách: “Mẹ không có trái tim à? Sao mẹ không đoái hoài gì đến con?”.
Với cô gái trong câu chuyện đầu tiên, bên cạnh sự thấu hiểu của bà nội, cô cũng phải trải qua nhiều năm trời dùng thuốc điều trị. Sau đó, cô tìm đến niềm đam mê với sách như một cách “trị liệu” và khá thành công với công việc viết lách.