Trật khớp vai: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và cách phòng tránh

Trật khớp vai là chấn thương thường gặp ở người trẻ tuổi, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chấn thương có thể dẫn đến các biến chứng như hạn chế tầm vận động của vai, sai lệch khớp xương bả vai tái diễn, thậm chí cứng khớp vai gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống.

Khớp vai nằm trong nhóm khớp lớn và là khớp có biên độ vận động lớn nhất, linh hoạt nhất của cơ thể, giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chi trên. Cấu tạo khớp vai gồm chỏm cầu (đầu trên xương cánh tay) tiếp khớp với mặt khớp lõm (ổ chảo) của xương vai trong một bao xơ (bao khớp) chứa chất lỏng (dịch khớp).

Đây là bộ phận thực hiện rất nhiều hoạt động từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc nên dễ gặp tình trạng chấn thương. Trật hay sai khớp (lệch, chệch, sái hay sai) chính là chấn thương vai phổ biến nhất, chiếm khoảng 50-60% tổng số các loại trật khớp, thường gặp ở nhóm người trẻ tuổi.

Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai hay sai khớp vai (tên tiếng Anh là Dislocated Shoulder) là tình trạng chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo xương bả vai, gây biến dạng khớp. Chệch khớp bả vai khiến người bệnh cảm thấy đau đớn và mất vận động bình thường của khớp tạm thời.

Ngoài ra, tình trạng khớp vai bị trật nhiều lần có thể gây nên các tổn thương ở dây chằng, làm trầm trọng hơn tình trạng trật khớp ở vùng vai. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy xem qua bài viết trật khớp vai tái hồi của chúng tôi để biết thêm thông tin về nguyên nhân và cách điều trị phù hợp với tình trạng mạn tính này.

Các dạng trật khớp vai điển hình

Dựa vào vị trí của chỏm xương cánh tay so với ổ chảo xương vai, tình trạng lệch/trật khớp bả vai được chia thành 3 loại chính: (1)

  • Trật vai ra trước: chiếm 95% các trường hợp trật khớp ở vùng vai. Chỏm xương bị lật ra trước ổ chảo xương vai, có thể hướng xuống dưới hoặc vào trong, gồm các dạng chỏm ngoài mỏm quạ (còn gọi là bán trật), chỏm dưới mỏm quạ, chỏm trong mỏm quạ và chỏm dưới xương đòn.
  • Trật vai xuống dưới ổ chảo: cánh tay quật ngược lên phía trên. Trường hợp này ít gặp.
  • Trật vai ra sau: Vì có xương bả vai án ngữ nên trường hợp này rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp. Thường do ngã chống tay trong tư thế khép vai hoặc bị động kinh, điện giật.

Dấu hiệu trật khớp vai thường gặp

Ths.BS Trần Anh Vũ Nam cho biết, người bệnh có thể nhận biết khớp vai bị trật thông qua các triệu chứng như:

  • Không cử động được khớp vai, đau, thậm chí xuất hiện các cơn đau vai dữ dội khi cố gắng cử động sau chấn thương;
  • Khớp vai bị trật gây biến dạng, khu vực quanh vùng vai và cánh tay bị sưng, bầm tím hoặc tê bì phía dưới cổ bàn tay

Nguyên nhân gây trật/sái khớp vai

Trật khớp xương bả vai không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây đau đớn và giảm khả năng hoạt động của người bệnh. Nếu không kịp thời xử lý có thể để lại các di chứng vĩnh viễn khiến giảm/mất chức năng khớp vai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống. Đáng lưu ý, đây là tình trạng khá phổ biến, ai cũng có nguy cơ mắc chấn thương này. Việc nắm những yếu tố nguy cơ giúp bạn kiểm soát, phòng ngừa chấn thương dễ dàng. (5)

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai khớp vai gồm:

  • Tai nạn lao động: Những công việc đòi hỏi nâng, bê, vác những đồ vật nặng bằng cổ vai gáy;
  • Tai nạn giao thông: Va đập mạnh trong tai nạn giao thông;
  • Chấn thương khi tập luyện, chơi thể thao: Những môn thể thao có tính đối kháng cao như bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu… hoặc các môn thể thao mạo hiểm như lướt ván, xe đạp địa hình…;
  • Tai nạn sinh hoạt: Ngã chống tay, đập vai do ngã cầu thang, ngã sàn nhà do trơn trượt… khiến vùng vai bị ảnh hưởng trực tiếp.

Biến chứng chệch khớp bả vai nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời

Ths.BS Trần Anh Vũ cho biết, vai chứa mô liên kết gồm cơ bắp và dây chằng, chính cấu trúc này phối hợp chặt chẽ giúp khớp xương vai nằm gọn trong ổ chảo. Khi cấu trúc này bị tổn thương, tình trạng trật khớp xương có thể trở nên phức tạp hơn và dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương các mạch máu và dây thần kinh ở vai;
  • Vai mất khả năng vận động linh hoạt;
  • Mất ổn định khớp vai, người bệnh dễ trật khớp vai tái diễn.

Điều trị sái khớp vai như thế nào?

Theo Bác sĩ Trần Anh Vũ, trong chữa trị, nguyên tắc chung là kéo nắn rồi băng bất động trong khoảng 2-4 tuần đối với tình trạng mới gặp chấn thương. Những trường hợp người bệnh trật khớp trong thời gian dài, khớp vai bị trật tái đi tái lại nhiều lần có thể được chỉ định phẫu thuật. Những hướng điều trị trật khớp bả vai bao gồm: (2)

1. Nắn sai khớp vai

Phương pháp điều trị này được áp dụng cho những trường hợp trật khớp mới. Lúc này, bác sĩ thực hiện một vài thao tác nhẹ nhàng để nắn chỏm xương cánh tay trở về vị trí ban đầu trong hõm khớp ổ chảo. Tùy vào mức độ sưng và đau, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nên dùng thuốc giãn cơ hay thuốc an thần cho phù hợp, không cần gây mê khi tác động nắn trật khớp. Khi chỏm xương cánh tay về vị trí ban đầu, các triệu chứng đau sẽ giảm thiểu rõ rệt.

2. Phẫu thuật

Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp vai mất vững do giãn/yếu các dây chằng hoặc do tổn thương xương, sụn viền khớp vai, có nguy cơ tái phát chấn thương mặc dù đã phục hồi, tăng cường chức năng. Đặc biệt, trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, người bệnh sẽ phải tiến hành mổ nếu dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương.

Phương pháp phẫu thuật được ưa chuộng nhất hiện nay chính là phẫu thuật nội soi. Các bác sĩ sẽ sử dụng một số dụng cụ chuyên biệt cùng một máy quay (camera) nhỏ đưa vào trong khớp qua vết mổ nhỏ. Phẫu thuật này thường được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân. Sau mổ, bác sĩ có thể tiêm thêm một số loại thuốc giúp ngăn chặn tạm thời các tín hiệu thần kinh gây đau ở vai, giúp giảm đau lên đến 10-12 giờ sau phẫu thuật.

3. Cố định

Bác sĩ sẽ sử dụng một loại áo/nẹp hoặc túi treo tay đặc biệt để giữ vai của người bệnh ổn định từ vài ngày đến khoảng 3 tuần. Thời gian người bệnh áo/nẹp hoặc túi treo tay phụ thuộc vào mức độ chấn thương.

4. Thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ, giúp người bệnh bớt cảm giác đau đớn, thoải mái hơn trong thời gian điều trị và hồi phục chấn thương.

5. Phục hồi chức năng

Người bệnh cần phải thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể dần khôi phục tầm vận động của khớp vai, cũng như sức mạnh và sự ổn định cho khớp vai. (3)

“Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn tập luyện của bác sĩ điều trị để có kết quả hồi phục tốt nhất, tránh vận động quá sớm hoặc vận động sai cách vì có thể khiến khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hơn” – Bác sĩ Trần Anh Vũ khuyến cáo.

Cách phòng tránh chấn thương trật vai

Thống kê cho thấy, hơn 90% trường hợp trật khớp tái diễn nhiều lần sau lần chệch khớp vai lần đầu tiên, đa số ở những người trẻ tuổi do nhu cầu hoạt động vai nhiều. Khi khớp vai bị trật nhiều lần sẽ gây rách rộng các cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp, lâu ngày dẫn đến khuyết xương, gãy mảnh xương, viêm chóp xoay vai, rách gân cơ chóp xoay khiến khớp vai lỏng lẻo, mất đi chức năng vận động, khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. (4)

Bác sĩ Trần Anh Vũ khuyến cáo, khi gặp chấn thương, người bệnh nên tuân thủ một số lưu ý sau đây:

  • Tuân thủ thời gian bất động khớp vai, thực hiện các bài tập phục hồi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ;
  • Luyện tập nâng cao sức mạnh và sự dẻo dai của vai thường xuyên, cần khởi động kỹ khi tập thể dục và chơi thể thao, tránh vận động quá mức;
  • Khi nhận thấy các dấu hiệu của trật xương vai tái hồi, bạn cần đến ngay cơ sở y tế có các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để được chẩn đoán và hướng dẫn phác đồ điều trị tốt nhất, tránh để tổn thương kéo dài hoặc không điều trị đúng cách dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Trung tâm Phẫu thuật khớp – Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh triển khai dịch vụ phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn cho chấn thương trật hay chệch khớp vai nói riêng và các bệnh lý cơ xương khớp nói chung. Với hệ thống phòng mổ hiện đại, trang bị hệ thống máy móc tân tiến hàng đầu thế giới như máy nội soi công nghệ 3D độ phân giải cao, hệ thống máy phẫu thuật robot Artis Pheno (Siemens), máy X-quang thế hệ mới, máy chụp CT 128 dãy, máy cộng hưởng từ hạt nhân MRI…; quá trình phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ xương khớp tại Việt Nam, BVĐK Tâm Anh là nơi được hàng triệu người bệnh tin tưởng lựa chọn trong khám và điều trị bệnh lý/chấn thương cơ xương khớp.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp – Y học thể thao BVĐK Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 1800 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789
  • Fanpage:
    • https://www.facebook.com/benhvientamanh

Trên đây là các kiến thức tổng quan về sai/trật khớp vai. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích về Kiến thức Ngoại Cơ Xương Khớp từ các chuyên gia y tế hàng đầu của Bệnh viện Tâm Anh tại đây.