Cây xanh không những giúp không gian sống gần gũi với tự nhiên mà còn đem lại nguồn không khí trong lành cho gia đình. Dưới đây là một số loại cây giúp làm sạch không khí cực tốt nên trồng trong nhà.
1. Cây lưỡi hổ
Loại cây này được mệnh danh là loại cây dành cho phòng ngủ, nó giúp sản sinh ra khí O2 thanh sạch cho gia đình vào ban đêm, khả năng này hầu như các loài cây khác không có được (ban đêm, thực vật cây cối thực hiện quá trình hô hấp, hấp thu O2 và thải ra CO2). Cây không cần quá nhiều ánh sáng và nước nên phù hợp đặt ở nhiều góc trong nhà. Thêm vào đó kiểu lá đơn, cứng của loại cây này còn tượng trưng cho sự mạnh mẽ, sẽ rất ấn tượng khi dùng trong trang trí.
Đọc bài viết Trồng ngay cây lưỡi hổ trong nhà để hấp thụ 107 loại độc tố, đuổi xui xẻo, hút tài lộc để thấy hết lợi ích của cây lưỡi hổ.
2. Cây tuyết tùng
Cây tuyết tùng hay còn gọi là cây bách Nhật Bản thường được trồng làm cây bonsai cỡ nhỏ trang trí trong nhà. Tại Nhật Bản, cây tuyết tùng là loài cây được người ta coi là vô cùng thiêng liêng. Người ta tin rằng các linh hồn của người chết và của các vị thần đều sống ở bên trong cây.
Về công dụng, loài cây này giúp không khí trong nhà tươi mát, cung cấp độ ẩm, loại bỏ bụi bẩn. Thậm chí, chúng còn giúp bạn giảm bớt triệu chứng đau đầu và đau nửa đầu. Tuyết tùng đòi hỏi trồng ở nơi có bóng mát và được tưới nước thường xuyên.
3. Cây sống đời
Cây sống đời hay còn gọi là cây lá bỏng có nguồn gốc từ Madagascar. Khác hẳn với bề ngoài giản đơn của nó, cây sống đời có rất nhiều lợi ích bất ngờ. Nó tích nước trong phần thân lá và có tác dụng điều hòa không khí trong nhà bạn, thích hợp trồng tại nơi có không khí khô thoáng. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không tưới cây quá nhiều nước và đặt ở nơi đón nhiều ánh sáng nhé.
4. Cây họ cam quýt
Cây họ cam quýt là loài cây lí tưởng để trồng trong nhà. Khi chúng ra hoa, mùi hương tỏa ra vô cùng dễ chịu. Ngoài ra cây cũng có khả năng hút ẩm, lá cây chứa một lượng lớn các chất chữa bệnh, diệt khuẩn cho môi trường xung quanh cây. Bạn nên trồng cây ở nơi nhiều ánh sáng, tưới nước thường xuyên và giữ cho đất luôn khô thoáng.
5. Cây Lan Ý
Cây Lan Ý tại Việt Nam còn được gọi là cây bạch môn, huệ hòa bình hoặc vĩ hoa trắng. Loài cây này còn có ý nghĩa tượng trưng cho “niềm hạnh phúc của phụ nữ”, tức là nếu bạn trồng loại cây này thì hạnh phúc và tình yêu sẽ tràn ngập khắp căn nhà đấy. Hơn thế nữa cây Lan Ý không chỉ có khả năng hút ẩm, mà còn cân bằng không khí và tiêu diệt các tế bào nấm mốc trong nhà nữa.
6. Cây cà phê
Cây cà phê là loài cây ưa bóng râm và cần được tưới nước thường xuyên. Nó có tác dụng hấp thụ lượng hơi ẩm dư thừa, điều hòa không khí, tạo ra thứ mùi dễ chịu trong căn phòng khi ra hoa. Vì vậy nếu có một cây cà phê trong phòng thì thật tuyệt vời phải không nào?
7. Cây dây nhện
Cây dây nhện luôn có khả năng quang hợp dưới ánh sáng tối thiểu. Nó hấp thụ nhanh các chất độc từ không khí như Carbon monoxide, Formaldehyde, xăng và Styrene. Ngoài ra, nó còn có thể chuyển hóa chất khí gây ung thưtrong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid. Một chậu cây nhỏ là đủ để làm sạch không khí trong không gian 200m2 đấy!
8. Cây hương đào
Cây hương đào hay còn gọi là cây sim, là biểu tượng của hòa bình và vui vẻ. Trong quá khứ, người ta tin rằng loài cây này rất linh thiêng và nó có thể giúp người già có lại tuổi trẻ, khiến người lữ khách có thêm năng lượng và tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, loại cây này còn có thể lọc ra không khí sạch cho căn nhà của bạn bằng cách tiết ra chất kháng khuẩn từ lá và hoa, giúp tiêu diệt vi khuẩn trong không khí.
9. Cây nguyệt quế
Nguyệt quế là loài cây bụi sống lâu năm, có mùi thơm, xuất xứ tại các quốc gia thuộc vùng Địa Trung Hải, thích hợp ở những vùng đất ẩm ướt có bóng râm. Từ lâu, người ta vẫn coi nguyệt quế hồng là biểu tượng của “vinh quang và chiến thắng”. Có nguồn gốc từ vùng đất cận nhiệt đới nên loài cây này thích hợp không khí ẩm, bóng râm và nước ấm. Chúng hấp thụ độ ẩm trong không khí, tạo nên môi trường thoáng đãng.
10. Cây thường xuân
Là loại cây được các nhà khoa học của NASA đưa vào danh sách những “bộ máy” lọc khí tốt nhất. Loại cây này rất hiệu quả trong việc làm sạch không khí và làm mát không gian. Ưu điểm dễ trồng và không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Sự mảnh mai, mềm mại của loại cây thường xuân rất phù hợp để trang trí nhà. Bạn có thể trồng ở các chậu treo bên hàng rào hoặc ở khu vực phòng ăn, cầu thang… nó sẽ góp phần cho ngôi nhà của gia đình thêm tươi tắn, mềm mại.
Trong vòng sáu giờ cây sẽ loại bỏ 58% phân tử nấm mốc và 60% các chất độc trong không khí.
11. Cây cọ cảnh
Cây cọ cảnh là một trong những loại cây thanh lọc không khí tốt nhất. Nó được xem như là một “bộ máy” lọc amoniac, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may và thuốc nhuộm, một cách hiệu quả. Cọ cảnh dễ trồng, sống được trong bóng râm thời gian dài, không cần chăm sóc bón phân cầu kì tỉ mỉ tuy nhiên nó lại hơi khó tạo dáng cho đẹp.
12. Cây trầu bà
Cây trầu bà vừa và nhỏ có thể để trên nóc tủ, trên bàn làm việc, treo cạnh cửa sổ để cành lá rủ xuống nhẹ nhàng. Trầu bà là một trong những cây nội thất phổ biến nhất. Cây giúp làm sạch không khí trong nhà. Để cây cạnh các thiết bị điện tử sẽ hấp thụ các chất phóng xạ phát ra từ máy tính, TV, máy in,…
Cây trầu bà rất dễ sống và có tốc độ phát triển, sinh trưởng nhanh.
13. Cây nha đam
Cây nha đam được nhiều người biết đến với chức năng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh nhưng làm sạch không khí rất hiệu quả thì ít người biết đến. Đặc biệt nó còn có khả năng hiển thị lượng ô nhiễm trong không khí vượt quá mức cho phép qua những đốm nâu trên thân cây.
Có thể trang trí chậu nha đam trên bàn làm việc, phòng tắm, nhà ăn đều phù hợp.
14. Cây dương xỉ
Cây dương xỉ được ví như một trong những máy lọc không khí hiệu quả nhất, cây hoạt động đặc biệt tốt trong việc loại bỏ formaldehyde. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó có thể loại bỏ kim loại độc hại như thủy ngân và asen.
15. Cây vạn niên thanh
Cây vạn niên thanh sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, vào mùa đông lá không héo úa nên được coi là loài cây cát tường vì thế được mọi người ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Không những thế cây còn giúp làm sạch formaldehyde trong bầu không khí và rất dễ trồng.
Theo Thethaovanhoa