Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý giá, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, là một hành động nhân văn mang đậm tính văn hóa Việt Nam, thể hiện sâu sắc đạo lý “Thương người như thể thương thân”.
Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Khoa học chứng minh, khi cho máu sẽ loại bỏ được một lượng sắt dư thừa tích lũy trong cơ thể, làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm thiểu bệnh tim mạch.. Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn; giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Thông thường, cơ thể con người thay thế máu trong vòng 48 giờ sau khi cho, và tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng 4 – 8 tuần. Quá trình bổ sung có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, cũng như làm việc hiệu quả hơn.
Một số điều bạn cần lưu ý khi hiến máu tình nguyện
1. Điều kiện để được hiến máu là gì?
– Người tham gia hiến máu phải thực sự khỏe mạnh, không mắc các bệnh cấp tính, mạn tính. Không có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường truyền máu.
– Phải đủ tuổi: từ 18 đến 60.
– Cân nặng: từ 45 kg (với nam) và 42 kg (với nữ) trở lên.
– Mạch và huyết áp bình thường, nhịp tim bình thường
-Lưuý: + Phụ nữ đang mang thai, đang trong thời kì kinh nguyệt, đang cho con bú thì không được hiến máu.
+ Người khỏe mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ ko ảnh hưởng tới sức khỏe. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu toàn phần là 12 tuần.
2. Trước khi hiến máu
Với những người sức khỏe bình thường đủ điều kiện để hiến máu thì cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp trước ngày hiến máu. Khoảng một tuần trước khi hiến máu cần ăn uống đủ chất, không nên bỏ bữa, không uống rượu bia, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, hạn chế thức khuya, đảm bảo giấc ngủ sâu và đủ giấc.
Buổi tối trước ngày đi hiến máu cần chú ý: Không ăn nhậu quá khuya, không uống rượu bia và các chất kích thích; Không nên ăn các món ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ và ngủ đủ giấc 7- 8 tiếng/đêm.
Buổi sáng ngày đi hiến máu: Bạn nên ăn nhẹ trước khi đi, hạn chế thức ăn béo ngọt; chuẩn bị chứng minh thư nhân dân và giấy tờ tùy thân khác.
3. Trong khi hiến máu
Bạn nên nghỉ ngơi trước khi làm thủ tục hiến máu. Thư giãn, tránh căng thẳng, có thể nghe nhạc nhẹ để giảm bớt lo lắng hoặc trò chuyện với những người xung quanh để nhận được những kinh nghiệm và chia sẻ từ mọi người. Trong thời gian lấy máu nếu thấy bất cứ biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, đau buốt ở vị trí kim tiêm thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
4. Ngay sau khi hiến máu
Chỉ được đứng dậy và rời khỏi vị trí khi được sự đồng ý của nhân viên y tế. Nếu có biểu hiện chóng mặt buồn nôn nhẹ nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, có thể uống một chút nước ấm có pha đường hoặc uống trà gừng. Ấn nhẹ vào miếng bông bịt tại vị trí mũi kim lấy máu, đợi khi máu không chảy ra thì bỏ miếng bông đi, không nên bỏ miếng bông quá sớm sẽ gây chảy máu. Nếu thấy chảy máu thì ngay lập tức ấn miếng bông xuống bịt chặt vị trí lấy máu, xin thêm miếng bông khô để thay, tuyệt đối không sử dụng bông ướt. Chỉ giữ nhẹ miếng bông và ấn xuống không nên day mạnh miếng bông dễ làm bầm tím quanh vị trí lấy máu. Nếu xuất hiện bầm tím thì không nên lo lắng, lấy đá chườm nhẹ trên vết bầm. Sau hai ngày vết bầm tím sẽ nhạt dần, chườm ấm tại vị trí này. Sau khoảng 1 tuần vết bầm tím sẽ hết.
5. Sau khi hiến máu
Bạn cần ăn uống và nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục dần, không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi; ăn uống đầy đủ và tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho máu như: thịt bò, gan, trứng, sữa, quả bơ, măng cụt, cà rốt, cà chua,…Nếu cần thiết có thể sử dụng các sản phẩm chứa Sắt và acid folic, vitamin B12 rất tốt cho quá trình tạo máu. Nếu ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể hiến máu lại sau 3-4 tháng.