1.Tổng quan bệnh Ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng là bệnh phát sinh do sự biến đổi ác tính niêm mạc miệng phủ toàn bộ khoang miệng. Ung thư khoang miệng bao gồm: Ung thư môi (gồm môi trên, môi dưới, mép), lợi hàm trên, lợi hàm dưới, khe liên hàm, khẩu cái cứng, lưỡi (phần di động), niêm mạc má và sàn miệng.
Ung thư khoang miệng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng và là một trong 10 ung thư phổ biến nhất. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì khoảng 53% bệnh nhân ung thư khoang miệng có biểu hiện bệnh lan tràn tại vùng hoặc di căn xa tại thời điểm chẩn đoán.
Ung thư khoang miệng thường gặp ở tuổi từ 50-70 với tỷ lệ nam/nữ khoảng 2,5/1. Trên 90% bệnh nhân ung thư khoang miệng xuất hiện ở tuổi trên 45 và tăng ổn định đến 65 tuổi sau đó lại giảm dần.
2.Nguyên nhân bệnh Ung thư khoang miệng
Nguyên nhân ung thư khoang miệng chưa được biết rõ, tuy nhiên có rất nhiều yếu tố được xác định là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
- Thuốc lá: Thuốc lá có liên quan đến hầu hết các ung thư khoang miệng ở nam và hơn nửa số ung thư khoang miệng ở nữ. Chỉ có khoảng 2-10% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không hút thuốc lá. Mọi hình thức sử dụng thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng (dạng xì gà, tẩu, thuốc lá dạng nhai (chewing), thuốc lá dạng hít (snuff) và hút thuốc lá ngược đầu). Xì gà, hút tẩu có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn thuốc lá thông thường, hút tẩu còn làm tăng nguy cơ ung thư môi.
- Rượu: Uống rượu cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư khoang miệng. Chỉ có dưới 3% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không uống rượu. Rượu và thuốc lá có tác dụng hiệp đồng với nhau. Một yếu tố đơn độc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại, chúng có thể tăng gấp 15 lần.
- Nhai trầu: Người nhai trầu có nguy cơ ung thư khoang miệng cao gấp 4-35 lần người không có thói quen này. Nhai trầu có liên quan tới bạch sản – một tổn thương tiền ung thư. Thành phần trầu bao gồm lá trầu, vỏ cau, vôi, rễ cây… được nhai hoặc nghiền trong cối, tạo nên một dung dịch màu đỏ thường đọng lại ở lợi hàm dưới trong quá trình nhai trầu. Miếng trầu thường cọ xát vào môi, niêm mạc má là lợi hàm dưới. Một số trường hợp còn dùng thêm một chút thuốc lào chà xát lên răng và lợi hàm, sau đó bỏ đi hoặc tiếp tục nhai lẫn với miếng trầu. Như vậy, khi nhai trầu niêm mạc miệng phải chịu đồng thời tác động cơ học và hóa học.