Ở nội dung chương trình giáo dục văn học phổ thông, học sinh sẽ được dạy 6 phương thức biểu đạt trong văn bản đó là: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và hành chính công vụ. Vậy miêu tả là gì? Quý vị hãy tham khảo bài viết sau đây để hiểu hơn về phương thức biểu đạt này.
Văn miêu tả là gì?
Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,…làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường được bộc lộ rõ nhất.
Đặc điểm của văn miêu tả
– Văn miêu tả là loại văn mang tính thông báo thẩm mĩ. Đó là sự miêu tả thể hiện được cái mới mẻ, cái riêng trong cách quan sát, cách cảm nhận của người viết.
– Trong văn miêu tả, cái mới, cái riêng phải gắn với cái chân thật.
– Ngôn ngữ trong văn miêu tả giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, âm thanh.
– Muốn miêu tả được, trước hết người ta phải biết quan sát, rồi từ đó nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh,… để làm nổi bật lên những đặc điểm tiêu biểu của sự vật.
Phương pháp làm văn miêu tả
Bên cạnh giải đáp miêu tả là gì, chúng tôi sẽ đưa ra cách thức để làm một bài văn miêu tả:
– Xác định đối tượng miêu tả
Đối tượng miêu tả có thể là một người, một đồ vật nào đó… đối tượng sẽ được nêu cụ thể trong phần đề bài.
– Quan sát lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu
Như định nghĩa của miêu tả, người viết phải chọn ra những đặc điểm của đối tượng để người đọc có thể hình dung được đối tượng.
Ví dụ: tả mẹ của em: có thể miêu tả về màu tóc, vóc dáng, chiều cao, khuôn mặt của mẹ…
– Trình bày những điều quan sát được theo một thứ tự.
Những kỹ năng cần có khi làm văn miêu tả
– Quan sát: nhìn nhận, xem xét sự vật.
– Nhận xét liên tưởng hình dung về sự vật đặt trong tương quan các sự vật xung quanh.
– Ví von so sánh: Thể hiện sự liên tưởng độc đáo riêng của người viết hình dung, cảm nhận về sự vật, hiện tượng miêu tả.
Các loại văn miêu tả thường gặp
Các loại văn miêu tả thường gặp là văn tả cảnh, văn tả người và văn tả con vật.
Thứ nhất: Văn miêu tả cảnh
Văn tả cảnh là loại văn miêu tả yêu cầu người viết tái hiện lại cảnh vật tự nhiên, đôi khi cũng có thể là một hiện tượng tự nhiên, một khung cảnh xung quanh cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ: tả cảnh cánh đồng lúa chín quê em, tả cảnh hoàng hôn, tả cây phượng vĩ trường em…
Bố cục bài văn tả cảnh:
– Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả.
– Thân bài: Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự nhất định, có thể ở một số trường hợp sau:
Từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại)
Không gian từ trong tới ngoài. (hoặc ngược lại)
Không gian từ trên xuống dưới. (hoặc ngược lại)
– Kết bài: phát biểu cảm tưởng về cảnh vật đó.
Thứ hai: Văn miêu tả người
Văn tả người thường hướng đến miêu tả ngoại hình, tính cách… để người đọc hình dung được đặc điểm của người đó. Viết văn miêu tả người cũng có thể mở rộng qua hành động, lời nói, cách cư xử của người đó. Văn miêu tả thường hướng đến chính những người thân yêu nhất xung quanh chúng ta.
Ví dụ một số đề văn miêu tả người: Hãy tả một người mà em yêu quý nhất, tả mẹ của em, tả cô giáo lớp 1 của em, tả lại một người bạn thân nhất của em…
Cách làm bài văn miêu tả người:
– Mở bài: Giới thiệu người được tả (chú ý đến mối quan hệ của người viết với nhân vật được tả, tên, giới tính và ấn tượng chung về người đó)
– Thân bài:
Miêu tả khái quát hình dáng, tuổi tác, nghề nghiệp..
Tả chi tiết: ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói… (chú ý tả người trong công việc cần quan sát tinh tế vào các động tác của từng bộ: khuôn mặt thay đổi, trạng thái cảm xúc, ánh mắt…).
Ví dụ: Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. (Võ Quảng) Thông qua tả để khơi gợi tính cách nhân vật: qua tả các chi tiết người đọc có thể cảm nhận được tính cách của đối tượng và thái độ của người miêu tả đối với đối tượng đó. Kết bài: Nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được miêu tả.
Thứ ba: Văn miêu tả con vật
Văn miêu tả con vật thường sẽ thiên về tả dáng vẻ bên ngoài, các hoạt động của con vật mà chúng ta yêu quý, những kỷ niệm với con vật. Ở dạng văn miêu tả này, có nhiều trường hợp cũng đòi hỏi sự ghi nhớ và trí tưởng tượng của người làm văn.
Ví dụ một số đề văn miêu tả con vật: Tả chú cún nhà em, tả một con vật trong vườn thú, tả một con vật mà em yêu thích…
Trên đây là nội dung bài viết miêu tả là gì? Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.