LTS: Phản ánh lượng kiến thức của môn tiếng Việt lớp 2 hiện hành là quá nặng đối với các em học sinh, tác giả Đỗ Quyên thẳng thắn đưa ra quan điểm về vấn đề này.
Từ đó, tác giả cho rằng, thay sách để giảm tải những nội dung kiến thức khó thì nay chương trình mới yêu cầu kiến thức càng nặng hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hiện nay, học sinh tiểu học nhiều nơi đã được học 2 buổi/ngày nhưng tối tối các em vẫn phải đi học thêm mới theo kịp chương trình. Yêu cầu kiến thức chuẩn cần đạt của các em đang ở độ tuổi lên 6, lên 7…là khá nặng.
Sau chương trình thay sách năm 2000 và qua thực tế giảng dạy, đã có nhiều ý kiến phản ánh góp ý về chuyên môn, cũng đã có khá nhiều sự điều chỉnh giảm tải cho phù hợp với nhận thức của các em ở độ tuổi đó.
Kiến thức môn tiếng Việt với học sinh lớp 2 là quá nặng (Ảnh minh họa: classbook.vn).
Cụ thể, Công văn số: 896/BGD&ĐT-GDTH V/v Hướng dẫn Điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học theo chương trình thay sách giáo khoa năm 2000, ở môn tiếng Việt giảng dạy cho học sinh lớp 2 nêu rõ:
“Học sinh cần đạt yêu cầu tối thiểu sau:
– Đọc đúng, không ngắc ngứ.
– Tốc độ đọc giữa học kì I: 35 tiếng/phút; cuối học kì I: 40 tiếng/phút; giữa học kì II: 45 tiếng/phút; cuối học kì II: 50 tiếng/phút.
Phần viết “Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết. Tốc độ viết giữa học kì I: 35 chữ/15 phút; cuối học kì I: 40 chữ/15 phút; giữa học kì II: 45 chữ/15 phút; cuối học kì II: 50 chữ/15 phút”.
Nhiều học sinh vẫn “bơi” trong bể kiến thức
Dù điều chỉnh như thế nhưng khá nhiều học sinh vẫn phải “bơi” trong bể kiến thức. Học sinh vào lớp 2 bên cạnh những em đọc thông viết thạo vẫn còn khá nhiều em đọc ngắc ngứ, ê a. Cuối học kì để đạt tốc độ 50 chữ/phút cũng không có nhiều.
Ở phần viết, một bài viết chỉ yêu cầu 35-40 chữ/15 phút, sang học kì 2 mới tăng lên 45-50 chữ/15 phút.
Nhìn sách giáo khoa hiện hành, mơ cho con em được học chương trình cũ
Trong một lớp, học sinh viết không mắc lỗi nào khoảng 20%, sai không quá 5 lỗi một bài viết khoảng 30%, từ 6 đến 10 lỗi khoảng 20% và sai từ 10 lỗi trở lên khoảng 30% trong đó có những em gần như viết chữ nào sai chữ ấy.
Chương trình hiện hành với yêu cầu kiến thức như thế, học sinh lớp 2 còn theo không kịp.
Thế nhưng, trong chương trình các môn học mới vừa công bố mới đây, các nhà biên soạn chương trình môn tiếng Việt lớp 2 lại yêu cầu học sinh:
“Đọc đúng, rõ ràng các đoạn văn, câu chuyện, bài thơ ngắn, văn bản thông tin, tốc độ đọc khoảng 60 – 80 chữ/phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu câu, chỗ ngắt nhịp thơ”.
Phần viết “Nghe – viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 50 – 55 chữ, tốc độ khoảng 50 – 55 chữ/15 phút.
Biết viết đúng những từ dễ viết sai do đặc điểm phát âm địa phương. Nghe một bài thơ hoặc bài hát, dựa vào gợi ý biết nói một vài câu nêu cảm nhận của mình về bài thơ hoặc bài hát đó”.
Các nhà biên soạn đang muốn biến học sinh lớp 2 thành “siêu nhân” hay sao khi ở chương trình hiện hành chỉ yêu cầu kiến thức cần đạt (tốc độ đọc giữa học kì I : 35 tiếng/phút;
Cuối học kì I: 40 tiếng/phút; giữa học kì II: 45 tiếng/phút; cuối học kì II: 50 tiếng/phút) và có gia tăng yêu cầu theo sự phát triển của các em mà học sinh học còn đuối.
Nay yêu cầu chuẩn kiến thức đạt được ngay phần đọc cũng nặng gần gấp đôi so với trước đây (tốc độ đọc 60 – 80 chữ/phút) liệu học sinh sẽ phải học thế nào đây?
Nếu phần viết ở chương trình hiện hành cũng quy định tăng dần theo từng thời điểm:
“Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết.
Tốc độ viết giữa học kì I: 35 chữ/15 phút; cuối học kì I: 40 chữ/15 phút; giữa học kì II: 45 chữ/15 phút; cuối học kì II: 50 chữ/15 phút”;
Thì chương trình mới yêu cầu các em phải viết từ 50 – 55 chữ/15 phút.
Đoạn văn bản yêu cầu học sinh viết càng dài chắc chắn sẽ càng mắc lỗi nhiều. Để đạt tốc độ viết 55 chữ/15 phút mà sai không quá 5 lỗi là yêu cầu quá cao đối với học sinh mới ở độ tuổi lên 7.
Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều
Trong thực tế, yêu cầu này chỉ khoảng 30-40% học sinh một lớp đạt được.
Nếu một bài viết trước đây các em chỉ sai khoảng 5 lỗi thì viết theo yêu cầu của chương trình mới sẽ sai lên đến 10 lỗi là thường.
Chương trình cũ bị đánh giá là nặng nề, nhiều kiến thức hàn lâm.
Nhiều người hy vọng ở lần thay sách lần này, học sinh sẽ được học nhẹ nhàng hơn. Từ đó, giúp các em có thời gian vui chơi, giải trí một cách hồn nhiên đúng với lứa tuổi.
Nhưng nhìn chương trình mới vừa công bố, nhiều người lại giật mình lo sợ những đứa bé lên 7 lại phải vật vã suốt ngày đêm chống chọi với mớ kiến thức mà người lớn đã cố tình cột vào.
Buộc học sinh phải học thêm nhiều hơn
Thay sách để giảm tải những nội dung kiến thức khó thì nay chương trình mới yêu cầu kiến thức càng nặng hơn.
Học sinh muốn theo kịp chương trình chẳng còn con đường nào khác ngoài việc phải miệt mài đến lớp học thêm để “cày”.
Thế là những hình ảnh trẻ vừa tan trường, lật đật ngồi sau lưng mẹ ăn vội miếng cơm, ổ bánh mì cầm hơi để đến lớp học thêm sẽ mãi tái diễn mà không có cơ hội chấm dứt như hy vọng của biết bao người.